Trở lại Kim Liên
Từ TP. Vinh, theo tỉnh lộ 49, chúng tôi đến Khu di tích lịch sử Kim Liên. Dưới hàng cây xanh mướt, con đường trải nhựa phẳng lì dẫn chúng tôi hướng về một trong bốn di tích quan trọng bậc nhất tại Việt Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thấy chúng tôi trầm trồ về cung đường đẹp, anh bạn người địa phương bảo, Đảng và Nhà nước đầu tư vào đây lớn lắm. Cũng phải thôi, Khu di tích lịch sử Kim Liên không chỉ là điểm đến của con dân đất Việt mà còn là nơi mà du khách năm châu muốn tìm đến để hiểu hơn về một vị Anh hùng dân tộc, một Danh nhân Văn hóa của nhân loại.
Địa danh Kim Liên nằm ở trung tâm huyện Nam Đàn, những chặng đường lịch sử mà Nam Đàn trải qua, Kim Liên đều góp mặt một cách xứng đáng, mà đặc biệt là ở nơi đây đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Khu di tích hiện lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa - lịch sử về thời niên thiếu của Bác và những người thân trong gia đình Người. Theo chân cô hướng dẫn viên du lịch xinh đẹp, chúng tôi được tìm hiểu về khu di tích lịch sử đặc biệt này. Sau lũy tre xanh của làng Chùa và làng Sen vẫn con nguyên nếp nhà tranh giản dị, những kỷ vật thân thương đã nhuộm màu thời gian. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những kỷ vật ấy đã đi vào lịch sử của nhân loại, trở thành tài sản vô giá của dân tộc.
Ngôi nhà nhỏ của gia đình Bác. |
Giữa làng quê bình dị, cụm di tích Hoàng Trù vẫn còn đó mái nhà tranh đơn sơ mộc mạc và cũng là nơi Người cất tiếng khóc chào đời và sống những năm tháng đầu tiên trong vòng tay yêu thương của ông bà ngoại. Về đến làng Sen quê nội, với những giếng Cốc, lò rèn cố Điền, nhà cụ Phó Bảng... Lặng người khi về đến ngôi nhà nhỏ của gia đình Bác, nơi mà tuổi thơ, mỗi lần nhớ mẹ thương em, Bác thường đứng lặng trước bàn thờ dâng nén hương thơm cho mẹ, cho em, nhớ về những tháng ngày được sống trong vòng tay mẹ. Nơi ấy, năm 16 tuổi Bác đã phải rời xa, Bác đã đi cho đến hơn 50 năm trời mới trở về trong nghẹn ngào, xúc động. Trong ngôi nhà nhỏ của gia đình Bác vẫn còn đó bộ phản, nơi tiếp khách của cả nhà. Trên bộ phản ấy, các nhà nho yêu nước đã từng ngồi bình văn, thơ, những lúc kín đáo không dấu tâm tư của mình bàn cả việc nước. Là người con nhỏ trong nhà, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đứng bên cạnh lấy nước tiếp khách, lắng tai nghe nỗi trăn trở của các cụ trước vận mệnh nước nhà. Cũng ở làng Sen, lò rèn cố Điền là nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung sau khi chu tất việc nhà thường ra đây chơi. Tại đây, cậu hay giúp cụ cố Điền thụt bễ, đập đe và những việc khác. Chỉ sống ở làng Sen từ năm 11 đến 16 tuổi, nhưng mỗi khi có mặt ở lò rèn cố Điền, cậu bé Nguyễn Sinh Cung thường lắng nghe một cách chăm chú những chuyện bàn luận của khách hàng với cụ cố Điền, thường đặt nhiều câu hỏi cho mọi người bàn tán, trao đổi về vận mệnh đất nước, nhân dân.
Trong căn nhà nhỏ, dưới lũy tre xanh, nền nhà, sân phơi, lối ngõ, đường làng còn in đậm dấu chân Bác trong những ngày còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Thời gian lưu lại Kim Liên tuy không nhiều, nhưng phần nào đã giúp chúng tôi hiểu hơn về một nhân cách lớn Hồ Chí Minh. Quan trọng hơn, trong cái ồn ã của cuộc sống thường nhật, lần trở lại Kim Liên ấy giúp chúng tôi có thêm thời gian tĩnh tâm để suy nghĩ về những gì mình đang đóng góp cho cuộc sống hôm nay…
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc