Multimedia Đọc Báo in

Tự hào thôn căn cứ Kiên Cường

09:02, 03/05/2015
Nằm ở vùng ven thành phố, thôn căn cứ cách mạng Kiên Cường (xã Hòa Thuận) được biết đến như một địa danh nổi tiếng, là “bàn đạp”, “cái nôi” nuôi dưỡng, bảo bọc, bảo đảm cho sự hoạt động của cán bộ Thị ủy và các ngành an ninh-binh vận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhân dân các dân tộc trên vùng đất này đã kiên trung, bất khuất, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ anh dũng chiến đấu, không tiếc của cải, máu xương, sẵn sàng hy sinh cho độc lập, tự do của đất nước đúng như tên gọi Kiên Cường.
Đền thờ Liệt sĩ thôn Kiên Cường được khánh thành năm 2012 để tưởng niệm  các liệt sĩ trên địa bàn thôn.
Đền thờ Liệt sĩ thôn Kiên Cường được khánh thành năm 2012 để tưởng niệm các liệt sĩ trên địa bàn thôn.

Trong hồi ức của bậc lão thành cách mạng Võ Thị Hường - một cựu điệp báo an ninh, những ký ức về một thời đấu tranh gian khổ, nhưng hào hùng của những người con đất Quảng kiên trung dường như chỉ mới hôm qua. Ở cái tuổi 80, song bà vẫn rất minh mẫn, giọng nói mạnh mẽ, dứt khoát, mang đậm chất Quảng, bà lần giở quá khứ của vùng đất anh hùng qua những câu chuyện kể. Năm 1961, Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách ly gián cách mạng, chúng đưa 105 hộ gia đình có liên quan đến cách mạng quê ở Tam Kỳ (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) vào định cư tại đây để thành lập các dinh điền,  ấp chiến lược lấy tên là Đạt Lý 1. “Lúc bấy giờ địch cho 5 trung đội nghĩa quân, 2 Đoàn bình định nông thôn (còn gọi là tâm lý chiến) và 1 đại đội bảo an chỉ để quản lý, kiểm soát hoạt động của các hộ dân này. Song lực lượng hùng hậu cũng như những thủ đoạn tra tấn, bắt bớ của địch vẫn không ngăn cản được người dân hướng về cách mạng. Họ một lòng đoàn kết, tìm mọi phương thức móc nối liên lạc, tiếp tế lương thực, thực phẩm, cung cấp tin tức cho các cơ sở cách mạng. Cả vùng đất trở thành một pháo đài, cơ sở cách mạng ngay giữa lòng địch”, bà Hường nhớ lại. Công việc tiếp tế gian nan, hiểm nguy không kém, bởi những ấp chiến lược này thật sự là một nhà tù trá hình, ngăn cách hoàn toàn nhân dân với cán bộ cách mạng. Địch dựng nhiều lớp hàng rào các loại, chỉ để 1 hoặc 2 cổng cho dân đi làm rẫy, khi đi đều có dân vệ hoặc thanh niên chiến đấu đi kèm. Bởi vậy mọi người phải dùng đủ mưu, đủ kế để qua mặt bọn địch cũng như bọn mật thám, gián điệp để đưa lương thực, thực phẩm ra cho các đồng chí cách mạng ở ngoài rừng cách thôn chỉ khoảng 2 km. “Lúc bấy giờ khi đi rẫy đem gạo cho cán bộ, mọi người phải ngụy trang, để gạo dưới đáy can nước, vừa đi vừa vung vẩy cho nước bắn ra ngoài hòng đánh lừa bọn giặc, hoặc dùng những thúng không, chất chồng lên nhau, những vành tròn của các thúng nằm dưới được bọc gạo một cách khéo léo để qua mắt bọn giặc…”, bà kể. Tuy đã dùng đủ mọi cách để tiếp tế, song cũng có những trường hợp bị địch phát hiện, bắn chết ngay trên đường đi, lấy đó làm “gương” để uy hiếp người dân, như sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Nguyễn Thị Tuyết. Song dù phải chết cũng không làm những người dân nơi đây chùn chí, khiếp sợ, ngược lại như tiếp thêm “lửa”, nung nấu thêm chí căm thù, khát khao về cuộc sống  độc lập, tự do để rồi lương thực, thực phẩm, gạo muối, đường sữa vẫn được đều đặn đưa ra, tiếp tế, nuôi sống những cán bộ đang bám vùng. Nhờ sự đùm bọc, chở che, giúp đỡ của nhân dân Kiên Cường đã bảo đảm cho sự hoạt động chỉ đạo của Thị ủy và các ngành an ninh trong những thời khắc khó khăn, gian khổ nhất cuộc chiến. Và sự khắc nghiệt của chiến tranh, truyền thống yêu nước kiên trung của những người con sinh ra trên vùng đất Quảng còn thể hiện qua những con số. Lịch sử đấu tranh thôn Kiên Cường ghi lại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, toàn xã có đến 39 liệt sĩ; có 6 Mẹ Việt Nam Anh hùng (trong đó có 3 Mẹ có 3 liệt sĩ; 3 Mẹ có 2 liệt sĩ) và hàng chục thương binh. Năm 2012 đền thờ Liệt sĩ thôn Kiên Cường được xây dựng, khánh thành, khắc ghi tên của 39 Liệt sĩ. Có thể nói đây là công trình hết sức ý nghĩa, thể hiện sự tri ân của nhân dân các dân tộc thành phố đối với những đóng góp to lớn của nhân dân thôn căn cứ Kiên Cường, đặc biệt là những liệt sĩ trên địa bàn thôn đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, những người dân thôn Kiên Cường còn bám trụ lại ngày nào vẫn mang theo tinh thần cách mạng, bản tính cần cù, chăm lo lao động của người dân miền Trung vào công cuộc tái thiết, xây dựng cuộc sống mới. Mảnh đất từng bị chiến tranh, bom đạn cày phá khốc liệt ngày nào nay đã hồi sinh mạnh mẽ và  “khoác lên mình bộ áo mới” lộng lẫy đến ngỡ ngàng. Những rẫy cà phê, vườn hồ tiêu trải dài bát ngát, xanh tươi thay cho những hàng rào lô cốt, dây thép gai, cùng những ngôi nhà xây hiện đại, khang trang dần mọc lên, hiển hiện bên trong là một cuộc sống no ấm, sung túc. “Nói về kinh tế, Kiên Cường là thôn vững nhất xã Hòa Thuận, với 2 loại cây công nghiệp chủ lực là cà phê, cao su và thu nhập bình quân trên 32 triệu đồng/năm. Đất lành chim đậu, mảnh đất hiền hòa này cũng thu hút nhiều hộ dân từ nhiều vùng miền nơi khác đến làm ăn, sinh sống chan hòa”, ông Phạm Phú Lân, Thôn trưởng thôn Kiên Cường cho biết.

Vui mừng trước sự phát triển, đổi thay của quê hương, những người con của vùng đất cách mạng luôn tự hào và phấn đấu nỗ lực vươn cao hơn nữa, bởi các thế hệ con cháu được sinh ra trên quê hương cách mạng Kiên Cường đã biết trân trọng, giữ gìn truyền thống đó của cha ông, khi mỗi người dù đi đâu, làm bất cứ công việc gì cũng nhắc nhở bản thân rằng “phải sống xứng đáng với tên gọi Kiên Cường”, như lời căn dặn của Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Bé, người mẹ đã hy sinh chồng và 2 con thân yêu cho Tổ quốc.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.