Multimedia Đọc Báo in

Ký ức của nữ tù binh nhà tù Phú Tài

09:06, 14/09/2015

Phản đối nhà tù Phú Tài đàn áp nữ tù binh, cô gái sinh ra và lớn lên ở quê hương “áo vải cờ đào” đã cùng một bạn tù nhảy xuống giếng sâu hơn 24 mét...

Nữ tù binh gan dạ ấy là Võ Thị Ửng (còn có tên gọi trong nhà tù là Võ Thị Hiển) hiện đang sinh sống tại 114/2 Nguyễn Công Trứ (TP. Buôn Ma Thuột). Bà Ửng không muốn nhắc lại thời kỳ tham gia hoạt động cách mạng, rồi bị địch bắt tù đày, nên liên tục từ chối: “Chuyện xảy lâu rồi, kể làm gì nữa!”. Nhưng từ ánh mắt sâu thẳm, từng ký ức “cảnh chim lồng cá chậu” ùa về ức nghẹn. Người nữ du kích xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) ấy bồi hồi nhớ lại: “Sáng 19-2-1966, Ban Chỉ huy xã đội Mỹ An họp đột xuất để triển khai nhiệm vụ mà theo nhận định tình hình là địch sẽ mở một trận càn lớn, có thể đổ bộ bằng không quân và xe tăng yểm trợ. Rạng ngày 20-2-1966, địch cho máy bay L19 bay lượn trên bầu trời xã Mỹ An-một vùng quê nghèo được giải phóng năm 1964 trong lúc bà con đang chuẩn bị đi làm đồng. Đúng 6 giờ, địch bắn pháo cấp tập vào làng, vào xã, rồi máy bay rải bom, tiếp đó từng tốp trực thăng ồ ạt đổ cả lính Mỹ lẫn lính ngụy xuống… Du kích xã đã đánh trả quyết liệt, nhưng chỉ giằng co với địch được vài giờ. Sau khi chiếm xã Mỹ An, chúng ráo riết lùng sục tìm hầm bí mật, truy bắt cán bộ. Khi tình hình bớt căng thẳng, tôi trở về nhà tìm má, vừa đến cổng thì đã bị bọn chúng bắt. Má tôi khóc van nài, nhưng chúng không tha bởi trên người tôi lúc ấy vẫn còn nguyên vũ khí. Bốn, năm tên lính xông vào dùng báng súng, chân mang giày đánh tới tấp vào người tôi, còn miệng không ngớt hỏi: “Cộng sản ở đâu?”, “Hầm bí mật ở đâu?”. Tôi trả lời: “Không biết”. Bọn chúng tiếp tục đánh tôi đến ngất xỉu. Khi tỉnh dậy mới biết mình đang bị giam ở nhà tù Quy Nhơn (Bình Định)”.

Cựu nữ tù binh nhà tù Phú Tài Võ Thị Ửng đang lần giở những kỷ niệm.
Cựu nữ tù binh nhà tù Phú Tài Võ Thị Ửng đang lần giở những kỷ niệm.

Chúng giam nữ du kích Võ Thị Ửng vào phòng biệt giam, đến bữa ăn ném cho túi cơm qua song sắt. Tại đây, chúng nhiều lần tra khảo dã man như: “cho đi máy bay” - dùng dây xích sắt buộc tay và treo lơ lửng trên không, “cho đi tàu thủy” - ném xuống hồ nước hòng ép nữ du kích xã Mỹ An khai đồng đội, cơ sở cách mạng. Cái tên Võ Thị Hiển - do chính chị nghĩ ra từ sau những trận đòn tra tấn thừa sống thiếu chết ấy. Bất lực trước sự kiên cường của chị, bọn giám thị đưa chị từ phòng biệt giam về giam chung với các tù nhân khác. Nhưng cũng chỉ được 7 ngày, địch lại chuyển chị đến trại giam nữ tù binh tại Phú Tài, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20 km về phía Tây. Trại giam Phú Tài rất rộng lớn, được xây dựng kiên cố để giam giữ hàng nghìn chị em nữ tù binh toàn miền Nam. Chế độ ăn của tù binh được quốc tế quy định là 0,5kg gạo/ngày/người nhưng bọn chúng cắt xén còn 0,3kg/ngày/người, thức ăn là cá khô và rau úa. Do bị giam giữ lâu, nhiều chị em tù binh bị bệnh, sức khỏe giảm sút. Ở đây không bị tra tấn như nhà tù Quy Nhơn, nhưng việc đàn áp tù binh vẫn diễn ra hằng ngày. Chúng bắt nữ tù binh chào cờ, hô khẩu hiệu, chị em cương quyết không làm theo. Có lần  chúng bắt chị em ra sân phơi nắng, không cho ăn, uống nên không ít chị đã ngất xỉu. Bà Ửng kể: “Để phản đối sự đàn áp của địch, chị Hòa (quê An Khê) và tôi quyết định nhảy xuống giếng nước ở gần đấy. Bất ngờ trước hành động của các nữ tù binh, địch hoảng sợ, vì nếu có tù nhân bị chết do đàn áp sẽ gây tai tiếng trên trường quốc tế, buộc bọn quân cảnh tìm mọi cách cứu hai người lên”. Cuộc đàn áp giải tán, toàn bộ nữ tù binh được cho về lại phòng giam. Mặc dù bị quản thúc, nhưng vào các ngày kỷ niệm của đất nước như: Tết Nguyên đán, ngày thành lập Đảng 3-2, ngày Quốc khánh 2-9, ngày Quốc tế Lao động 1-5… các chị em trong tù vẫn tổ chức văn nghệ, học chính trị, văn hóa. “Vở viết là nền nhà hoặc tấm ván cắt nhỏ, mực là nhọ nồi, than củi, còn cây viết được cắt từ vỏ lon sữa. Người biết nhiều dạy cho người biết ít, người không biết”, bà Ửng nhớ lại.

Đầu năm 1972, địch cho chuyển toàn bộ trại tù binh nữ Phú Tài vào Cần Thơ, đến ngày 15-2-1973 các chị được trao trả về với Chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Lộc Ninh (Bình Phước). Sau trao trả,  chị Ửng và nhiều nữ tù binh khác được đưa về trại an dưỡng gần một năm, đầu năm 1974 một số chị em được trở về quân ngũ, người thì về các cơ quan dân-chính-đảng, một số ít cho ra miền Bắc tiếp tục an dưỡng, điều trị bệnh và học tập. Riêng nữ tù binh Võ Thị Ửng về lại quê hương Bình Định, năm 1977 được điều động vào làm việc tại Ty Lương thực Đắk Lắk và gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên đến giờ. “Cuộc sống không giàu có, nhưng tôi có một mái ấm gia đình hạnh phúc, với con cháu thành đạt, chăm ngoan - may mắn hơn nhiều nữ tù binh khác bị địch tra tấn không còn khả năng sinh con. Thỉnh thoảng 20 chị em tù binh trại giam Phú Tài trước đây hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lại gặp nhau hàn huyên, động viên nhau sống vui, sống khỏe, sống có ích”, bà Ửng cười mãn nguyện.

 Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc