Kỷ vật quý giá
Gia đình liệt sỹ H’Ring Niê ở buôn Hngô A, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) đến nay vẫn còn giữ được những tấm giấy khen của liệt sỹ H’Ring. Đó là những kỷ vật vô giá nhắc nhớ về quãng thời gian liệt sỹ H’Ring Niê sống, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc…
Những tấm giấy khen của liệt sỹ H’Ring Niê được gia đình gìn giữ cẩn thận. |
Hơn 40 năm trôi qua, những tờ thư khen, giấy khen đã úa màu thời gian nhưng những dòng chữ bằng bút bi trên giấy khen vẫn còn rõ nét, ghi dấu những thành tích xuất sắc của nữ chiến sĩ trong công tác. Cuối năm 1961, khi vùng 4 B5 được giải phóng (sau này thuộc H9 – Krông Bông), cô gái H’Ring Niê thoát ly tham gia cách mạng vào ngành giao bưu vận B5. Năm 1964, H’Ring đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua và được điều chuyển sang công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Với sức trẻ của một thanh niên, H’Ring Niê hăng say công tác, vượt qua mọi khó khăn gian khổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được tặng nhiều giấy khen, chính những tấm giấy khen ấy giờ đây trở thành kỷ vật còn lại duy nhất của liệt sỹ. Bên cạnh những tấm giấy khen được in ronéo thì có cả giấy khen được vẽ bằng bút bi do ngành giao bưu vận B5 tặng H’Ring Niê đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua năm 1964. Ông Y Nguyên Niê, thương binh ở buôn Hngô A, nguyên là cán bộ đường dây T45 Ban giao bưu vận B5 kể: “Trong đơn vị có một đồng chí là người miền Bắc vẽ rất đẹp nên mỗi khi đơn vị có người lập được thành tích xuất sắc thì đồng chí ấy lại được thủ trưởng giao vẽ giấy khen để trao tặng các chiến sĩ nhằm động viên khích lệ tinh thần”. Tấm giấy khen mộc mạc không có con dấu cũng chẳng có phần thưởng kèm theo nhưng có sức mạnh động viên to lớn, thôi thúc biết bao thanh niên thời ấy như H’Ring Niê tiếp tục phấn đấu đạt nhiều thành tích sau này.
H’Ring Niê hy sinh cùng chồng là liệt sỹ Y Bliêo vào tháng 2-1969, trong một trận địch đánh bom vào cơ quan, khi ấy chị đang mang thai ở tháng thứ ba. Bà H’Djáo Niê, chị của liệt sỹ H’Ring Niê xúc động nhớ lại: “Trước đó tôi nghe vợ chồng H Ring Niê báo tin đã có thai ba tháng, cả gia đình đều vui mừng. Nhưng vui chưa được bao lâu thì cả gia đình em tôi đã hy sinh. Sau này, gia đình tôi được đơn vị trao lại những kỷ vật của H’Ring, trong đó có 6 tấm giấy khen. Vì em tôi hy sinh không có di ảnh để thờ, những tấm giấy khen là kỷ vật duy nhất của em. Gia đình tôi đã nâng niu, gìn giữ cẩn thận suốt 46 năm qua để nhắc nhớ về hình ảnh của em. Những kỷ vật này cũng là những minh chứng sống động cho những câu chuyện về thời gian sống, chiến đấu anh dũng của liệt sỹ cho con cháu trong nhà và bọn trẻ trong buôn nghe mà phấn đấu sống sao cho có ích với sự hy sinh của thế hệ cha anh mình”.
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc