Multimedia Đọc Báo in

Lấy dân làm gốc – bài học từ Cách mạng Tháng Tám

09:12, 01/09/2015

Cách mạng Tháng Tám (1945) là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Đông Nam châu Á, thành công của cuộc cách mạng không chỉ đã thay đổi căn bản, toàn diện địa vị, số phận của đất nước và dân tộc Việt Nam, mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới các phong trào giải phóng dân tộc trên khắp thế giới.

Thành công của Cách mạng Tháng Tám là kết quả tổng hợp của các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, là sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân. Trong đó, lực lượng quyết định chính là vai trò của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Để có sự thành công của Cách mạng tháng Tám, ngay khi ra đời Đảng Cộng sản Đông Dương đã không ngừng truyền bá, giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin vào các phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cũng như những tầng lớp yêu nước khác, từng bước tập hợp lực lượng tạo thành khối thống nhất cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đây là một sự nhận thức mới về lực lượng cách mạng so với nhận thức về đường lối cứu nước của các chí sĩ yêu nước trước đó và là một trong những nhân tố quyết định đến thắng lợi của cách mạng.

Khi thời cơ cách mạng đến, trên cơ sở lực lượng đã được tập hợp, xây dựng, rèn luyện trước đó, Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo, phát động quần chúng nhân dân đứng lên xóa bỏ chính quyền cũ, lập nên chính quyền mới - chính quyền của dân.

Sau khi giành chính quyền, đất nước ta đứng trước nhiều khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc”, nên nhân dân ta lại phải tiếp tục đấu tranh để chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền.  Trong hoàn cảnh đó, sức mạnh và sự đoàn kết của quần chúng nhân dân lại được phát huy và thể hiện một cách mạnh mẽ, không chỉ giúp chúng ta bảo vệ được thành quả cách mạng mà còn từng bước xây dựng và phát triển đất nước, tạo thế và lực cho nước ta bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử dân tộc - giai đoạn 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Trong giai đoạn đổi mới, trên cơ sở kế thừa và phát triển tư tưởng “lấy dân làm gốc”, “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” (1), “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (2), Đảng ta tiếp tục phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong giai đoạn cách mạng mới, giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những thành tựu đạt được qua gần 30 năm đổi mới là minh chứng rõ ràng của sức mạnh quần chúng nhân dân.

Thực tế cho thấy, giai đoạn đầu của quá trình đổi mới đất nước, chúng ta gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức do bối cảnh quốc tế và trong nước tác động: Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch tăng cường chống phá Việt Nam trên mọi lĩnh vực, vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế chưa được khẳng định; tình hình kinh tế-xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, lâm vào khủng hoảng; cơ chế quản lý bộc lộ nhiều bất cập, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn… Song, Đảng đã dựa vào dân, phát huy sức dân nên đã vượt qua khó khăn, khủng hoảng, biến nguy cơ thành thời cơ, thách thức thành thuận lợi, đưa đất nước đi vào ổn định và phát triển.

Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta đã biết khơi dậy, phát huy các nguồn lực và lợi thế để phát triển đất nước, trong đó khẳng định nguồn lực quan trọng nhất là nguồn nhân lực, trên cơ sở nhận thức đó, chúng ta đã không ngừng tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, từng bước đẩy mạnh việc thực hiện “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”, đẩy mạnh thực hiện dân chủ, qua đó đã huy động được nguồn lực của nhân dân vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, chúng ta cũng gặp phải nhiều thách thức, hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển như vấn đề đất đai, việc làm, thu nhập, phân hóa giàu nghèo, mất dân chủ, quan liêu, tham nhũng… Trước những khó khăn đó, Đảng đã dựa vào dân, vì dân để giải quyết.

Tổng kết 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991), Cương lĩnh 2011 đã khẳng định “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng.” (3). Bài học kinh nghiệm này không chỉ là sự tổng kết của lịch sử dân tộc, của quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng, của quá trình đổi mới đất nước, mà còn là kim chỉ nam cho định hướng tương lai phát triển của dân tộc, của đất nước.

Khẳng định vai trò của nhân dân đối với sự phát triển của dân tộc, đất nước, lần đầu tiên trong Hiến pháp nước ta (Hiến pháp 2013), chữ “Nhân dân” được viết hoa, đó không chỉ là sự ghi nhận vai trò của nhân dân mà còn là sự khẳng định về chủ thể và mục tiêu của sự phát triển, đó là sự phát triển phải do nhân dân và phải vì nhân dân. Bác Hồ từng căn dặn: Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, một lần nữa nhắc nhở chúng ta về bài học lấy dân làm gốc, từ đó mỗi người không ngừng phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, phải đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên trên lợi ích cá nhân.

Lương Hữu Nam

-----------------

1. Hồ Chí Minh toàn tập-Tập 10, NXB CTQG-ST, 2011.

2.  Sđd.

3. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển 2011).


Ý kiến bạn đọc