Multimedia Đọc Báo in

Nhớ những lời dạy của Bác về công tác Mặt trận

09:29, 18/11/2015
Cách đây 85 năm, vào ngày 18-11-1930 Hội Phản đế đồng minh ra đời, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập, lãnh đạo, gánh vác sứ mệnh tập hợp, đoàn kết dân tộc, phấn đấu cho mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đánh dấu giai đoạn phát triển mới truyền thống yêu nước và đoàn kết dân tộc trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. 

Từ đó đến nay, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam có những hình thức và tên gọi khác nhau để phù hợp với từng giai đoạn cách mạng và không ngừng lớn mạnh, là một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, góp phần làm nên những mốc son chói lọi, những trang sử hào hùng của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau thắng lợi lịch sử mùa Xuân năm 1975, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã thống nhất 3 tổ chức Mặt trận, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, “Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục tăng cường tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp, đoàn kết nhân dân, thực hiện dân chủ, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước” (Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng).

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Còn nhớ, sau 30 năm xa nước, ngay khi  trở về Tổ quốc Người đã bắt tay ngay vào việc lãnh đạo thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc. Về nước cuối tháng 1-1941, thì đến cuối tháng 4, Người đã giao nhiệm vụ cho ông Vũ Anh triệu tập Hội nghị cán bộ tỉnh Cao Bằng để rút kinh nghiệm tổ chức thí điểm Mặt trận Việt Minh tại Cao Bằng. Sau đó một tháng, từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941, tại Pác Bó, Cao Bằng đã diễn ra Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây là Hội nghị Trung ương Đảng đầu tiên họp ở trong nước do Hồ Chí Minh chủ trì với tư cách đại diện quốc tế cộng sản. Theo sáng kiến của Người, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) “nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị đặng cùng nhau mưu cuộc sống dân tộc giải phóng và sinh tồn” (Danh nhân Hồ Chí Minh-trang 191). Mặt trận dân tộc thống nhất với mục đích trên luôn là vấn đề lớn trong tư tưởng của Người về đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tháng 4 -1948, tại Hội nghị Tổng bộ Việt Minh, dù rất bận nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có thư gửi Hội nghị và khẳng định : “Việt Minh sở dĩ có thành công là nhờ có chính sách đúng: Từ lúc đầu chính sách đối nội của Việt Minh là đoàn kết toàn dân, tranh độc lập cho Tổ quốc” (HCM-Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội-Tr78). Ngay từ lúc này, Người đã có những lời răn dạy chí tình: “…Việt Minh một mặt cần chú ý huấn luyện cán bộ từ cấp xã trở lên. Một mặt thì các cán bộ cần phải tự phê bình kiểm điểm cho xứng đáng với nhiệm vụ nặng nề mà vẻ vang của mình. Và hội viên Việt Minh thì cần phải trở nên những người xung phong trong mọi công việc …” (Sách đã dẫn). Cách mạng Việt Nam càng nhiều thắng lợi, Mặt trận dân tộc có thêm bước phát triển mới, Người rất vui; đặc biệt, niềm vui đó càng được nhân lên khi khối đại đoàn kết ngày càng thống nhất, vững chắc. Tại Đại hội thống nhất Việt Minh-Liên Việt, tháng 3-1951, trong niềm vui lớn, Người nói: “Tôi rất sung sướng được lãnh cái trách nhiệm kết thúc lễ khai mạc của Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh-Liên Việt …Sung sướng hôm nay là chung của toàn dân, của Đại hội, nhưng riêng cho tôi là một sung sướng vừa dễ hiểu vừa khó tả. Một người đã cùng các vị đấu tranh trong bấy nhiêu năm cho khối đại đoàn kết toàn dân, hôm nay trông thấy rừng cây đoàn kết đã nở hoa kết quả và gốc rễ nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân…” (Sách đã dẫn, Tr. 121). Một lần nữa, Người lại dặn dò rằng: “Các đảng phái, đoàn thể và nhân sĩ trong mặt trận cần phải đoàn kết chặt chẽ, thân ái giúp đỡ lẫn nhau, thật thà học tập những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm của nhau để cùng nhau tiến bộ”. Người tin rằng “… khối đại đoàn kết thân ái ấy sẽ phát triển và củng cố khắp toàn dân. Khối đoàn kết ấy sẽ phát triển đến nhân dân các nước bạn… nhân dân yêu chuộng dân chủ toàn thế giới…” (sách đã dẫn). Theo Người thì “lực lượng đoàn kết của nhân dân là vô địch”, và “cây đoàn kết” ấy rễ sâu, gốc mạnh nhất định có thêm nhiều thắng lợi to lớn, nhiều mùa hoa trái bội thu. Mặt trận tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì có cương lĩnh, mục tiêu phù hợp với ý nguyện của toàn dân, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân không phân biệt xu hướng chính trị, tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, Mặt trận được xây dựng trên nền tảng liên minh công nông và trí thức.

Từ xưa tới nay, câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công” luôn là cương lĩnh hành động của Mặt trận và toàn dân tộc. Tuy nhiên, để Mặt trận phát huy thêm sức mạnh vốn có của mình, Người cũng có những yêu cầu mà tổ chức Mặt trận và mỗi cán bộ, hội viên cần lưu tâm tổ chức thực hiện. Người nói: “Muốn thật sự độc lập thì phải có dân chủ”, bởi vậy, vai trò của Mặt trận là “phải tiến dần đến dân chủ”. Việc Đảng và Nhà nước ta đã ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở và nêu phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chính là một trong những việc mà chúng ta đã và đang thực hiện đúng ý nguyện của Người. Mặt trận là tổ chức tập hợp sức mạnh của toàn dân, nên theo Người thì “điểm chính của Mặt trận là phải đẩy mạnh thi đua ái quốc” bởi một khi Mặt trận “đẩy mạnh thi đua ái quốc” thì chắc chắn sẽ tạo được “lực lượng vô cùng vĩ đại”. Hiện nay, vai trò đó của Mặt trận Tổ quốc các cấp đã và đang được các tổ chức thành viên của mình thực hiện một cách có hiệu quả.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi cán bộ làm công tác Mặt trận phải nắm vững chính sách mặt trận của Đảng và Nhà nước, đi sâu đi sát quần chúng; tuyên truyền, vận động, tổ chức tập hợp quần chúng, kiên trì đấu tranh với những quan điểm lệch lạc, sai trái. Bởi theo Người thì “Công tác của Mặt trận vừa đoàn kết, vừa đấu tranh”, mỗi cán bộ Mặt trận “phải tích cực và phải chủ động giúp cấp ủy Đảng lãnh đạo công tác Mặt trận; phổ biến và thực hiện chính sách của Đảng về mặt trận”, “làm việc phải kiên nhẫn phải tha thiết với công tác mặt trận”, “phải đi đường lối quần chúng, không được quan liêu mệnh lệnh và gò ép nhân dân”, “cán bộ đảng viên không được tự cao tự đại cho mình là tài giỏi hơn mọi người mà trái lại phải học hỏi điều hay điều tốt của mọi người”. Người tin rằng: “Cán bộ và đảng viên có quyết tâm làm như thế thì công tác mặt trận nhất định sẽ tiến bộ nhiều”…

   Nguyễn Thị Thọ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.