Multimedia Đọc Báo in

Mùa Xuân 75 năm trước, Bác Hồ về nước

09:50, 29/01/2016
Tháng 10-1938, Bác Hồ từ Nga trở lại Trung Quốc. Giữa năm 1940, xe tăng của phát xít Hit-le tràn vào Pa-ri, thủ đô nước Pháp. Ngày 20-6-1940, Pháp đầu hàng. Đang ở Côn Minh (Vân Nam - Trung Quốc), Bác chủ trương chuyển hướng hoạt động về biên giới, rồi về hẳn trong nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam.

Trưa ngày 28-1-1941, đồng chí Vũ Anh ra đón Bác ở chân một ngọn núi đá cạnh mấy đám ruộng vừa mới gặt xong. Mặt trời đã ngả sang chiều thì Bác và các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Lộc, Thế An, Đặng Văn Cáp đã về bên này cột mốc biên giới. Khi đến cột mốc 108 - cột mốc bằng đá như một tấm bia, hai mặt có khắc chữ Trung Quốc và chữ Pháp - Bác dừng lại, cúi đọc những chữ khắc sâu trong đá, rồi Bác hướng tầm mắt nhìn vọng hồi lâu tới dải đất Tổ quốc trùng điệp.

Sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, qua nhiều quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, Bác Hồ về Tổ quốc vào mùa Xuân Tân Tỵ 1941.

Khi ra đi từ bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), Bác 21 tuổi, đến khi trở về, 51 tuổi, tóc đã hoa râm, song tầm vóc chính trị vượt xa các nhà lãnh đạo cách mạng ở trong nước lúc bấy giờ.

“Bác đã về đây, Tổ quốc ơi,

Nhớ thương hòn đất, ấm hơi Người

Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ

Mà đến bây giờ mới tới nơi”.

                                               (Tố Hữu)

Nhớ buổi Bác về 75 năm trước, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:

 “Nở trắng hoa kim anh trên biên giới, Bác về

Xa nước ba mươi  năm, một câu Kiều, Người vẫn nhớ

Mái tóc bạc đã phai màu quá nửa

Lòng son ngời như buổi mới ra đi”.

Tài sản của Bác sau bao nhiêu năm đi khắp năm châu bốn biển, giờ đây vẫn một chiếc va-li con, trong đựng một ít tài liệu quan trọng và một chiếc máy chữ của các đồng chí trong nước gửi cho trước đây.

Di tích lịch sử Pác Bó (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Ảnh: vhttdlkv3.gov.vn
Di tích lịch sử Pác Bó (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Ảnh: vhttdlkv3.gov.vn

Pác Bó, thay mặt Đất Mẹ, đón người con vĩ đại nhất của dân tộc, sau 30 năm xa cách, lần đầu tiên vui Xuân trên mảnh đất thân yêu của Tổ quốc.

“Ôi sáng Xuân nay, Xuân 41

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về…Im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ”.

                                                (Tố Hữu)

Pác Bó là nơi đặt chân đầu tiên của Bác khi về nước, và về sau vẫn là nơi đóng cơ quan của Bác cho đến lúc Bác về Tân Trào (4-5-1945).

Pác Bó là một bản nhỏ thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nằm sát biên giới Việt - Trung, cách thị xã Cao Bằng 60 km. Nhân dân trong vùng chủ yếu là người Nùng.

Trong sương giá lạnh của miền núi đá biên cương, Bác sống và làm việc trong hang Pác Bó. Trước hang, có dòng suối chảy về xuôi và dãy núi đá xanh. Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ đó đã được Bác thể hiện trong bài thơ “Pác Bó hùng vĩ”:

“Non xa xa, nước xa xa

Nào phải thênh thang mới gọi là.

Đây suối Lênin, kia núi Mác

Hai tay xây dựng một sơn hà”.

Từ suối Lênin, từ núi Mác, ánh sáng cách mạng đã tỏa rộng muôn nơi…

(Xem tiếp trang 13)

Câu đối dưới đây Bác làm ngay trong rừng sâu Pác Bó đã nói lên mong muốn và quyết tâm của Bác đối với dân, với nước từ những ngày đầy gian khổ:

“Nước mới quyết làm cho nước mới

Non sông Hồng Lạc gấm thêu hoa”.(*)

Ở Pác Bó, cuộc sống tuy vô cùng khó khăn, kham khổ, nhưng Bác vẫn ung dung, thanh thản, luôn lạc quan, tin tưởng vào tiền đồ tươi sáng của cách mạng:

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng

Bán đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang”.

Tư thế của nhà thơ là tư thế đứng trên đầu mọi gian khó, hiểm nguy. Bài thơ đã làm sống lại cuộc đời của một nhà hoạt động cách mạng bí mật trong thời kỳ cách mạng còn trứng nước.

Năm 1961, Bác về lại Pác Bó, nơi 20 năm trước, mùa Xuân 1941, Bác đặt chân lên mảnh đất địa đầu Tổ quốc, Bác xúc động cảm tác:

“Hai mươi năm trước ở hang này

Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây

Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu

Non sông gấm vóc có ngày nay”.

Bài thơ bốn câu ngắn gọn đã phác họa con đường lịch sử 20 năm của dân tộc.

Cũng chính tại Pác Bó, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (từ ngày 10 đến 19-5-1941) do Bác triệu tập và chủ trì, họp ở rừng Khuổi  Nậm, đã nhận định thời cơ giải phóng dân tộc đang đến gần, quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) để tập hợp lực lượng toàn dân. Hội nghị đã hoàn chỉnh đường lối cứu nước giải phóng dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Rõ ràng, Bác Hồ về Tổ quốc mùa Xuân 1941 là một sự kiện vô cùng quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Bốn năm sau, năm 1945, Tổng khởi nghĩa thắng lợi trong cả nước. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Mười ba năm sau, năm 1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội địa cầu, dẫn tới Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương (20-7-1954). Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược từ ngày 23-9-1945 đã kết thúc. Ba mươi năm sau, năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thu giang sơn về một mối, mở ra mùa Xuân vĩnh viễn cho đất nước.

(*) Câu đối của Bác đăng trên báo Việt Nam độc lập, số 148, ngày 1-1-1943.

Nguyễn Xuyến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.