ĐỌC LẠI NHỮNG LỜI CHÚC TẾT, MỪNG XUÂN CỦA BÁC HỒ TRONG NHỮNG NĂM THÂN LỊCH SỬ
Mùa xuân năm Giáp Thân 1944, dù chưa thể về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn theo sát tình hình trong nước. Mùa xuân năm đó, Người đã viết bài “Chào Xuân”, ký tên là Hồ Chí Minh, đăng trên báo Đồng Minh số Xuân Giáp Thân 1944.
Mở đầu bài “Chào Xuân” là một không khí rất Xuân: “Mùa xuân mang đến cho thế gian những vẻ tốt tươi ấm áp, muôn hoa tươi thắm, ngàn lá đua xanh. Loài động vật cũng nhờ xuân mà khôi phục lại sinh khí. Vậy nên gọi là xuân sinh. Loài người lợi dụng cái luật tự nhiên của tạo hóa, chẳng những hưởng thụ cái hạnh phúc khoái lạc của mùa xuân, và lại nhận cái không khí phồn vinh của ngày xuân để sắp đặt cái kế hoạch hoạt động và sống còn cho cả năm, nên tục ngữ có câu “nhất niên chi kế thủy ư Xuân”. Thế nhưng, mùa xuân năm Giáp Thân 1944, thay cho “những tiếng pháo lốp đốp chào xuân” là “những tiếng đì đùng của ngư lôi ngoài bể và đại bác trên bờ át mất. Cái sắc đỏ của hoa đào, màu điều của câu đối xuân, tựa hồ đã nhuộm bằng giọt máu hồng của những chiến sĩ ở các sa trường khắp thế giới!”. Tuy nhiên, với tài dự cảm của mình, ở cuối bài “Chào Xuân”, Người khẳng định rằng: “Xuân này sẽ là một Xuân thắng lợi cho mặt trận phản xâm lược”. Đúng như lời tiên đoán của Người, năm 1944 là năm cách mạng toàn thế giới chuyển mạnh. Lực lượng quân Đồng minh trên đà tiến công đã liên tục giành thắng lợi ở các mặt trận. Đây là thời cơ để cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Bài “Chào Xuân” của Người như cánh én báo mùa Xuân. Âm vang lời “Chào Xuân” năm ấy của Người với lời dự cảm thời cơ cách mạng thành công đang đến gần như vẫn còn vọng mãi: “Rót cốc rượu Xuân, mừng cách mạng / Viết bài chào Tết, chúc thành công!”.
Ảnh: Tư Liệu |
12 năm sau, Tết Bính Thân 1956, trên cương vị của một Chủ tịch nước, Người có lời chúc mừng năm mới gửi tới toàn thể bộ đội, cán bộ, quân dân chính đảng, đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài. Trong lời chúc mừng năm mới, Người tổng kết tình hình năm 1955 và đề ra nhiệm vụ của năm 1956 là: “Toàn dân đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết đấu tranh thực hiện Cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn thi hành đúng đắn Hiệp định Giơnevơ, hiệp thương với Chính phủ ta để thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ. Đồng bào miền Bắc phải hoàn thành tốt việc cải cách ruộng đất; thi đua sản xuất và tiết kiệm; thực hiện kế hoạch khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa năm 1956; củng cố quốc phòng vững mạnh; bảo vệ trật tự, an ninh, trấn áp những kẻ phá hoại. Thắt chặt tình đoàn kết với Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác, tăng cường đoàn kết với các nước khu vực Đông Nam Á và Nam Á nhằm bảo vệ hòa bình thế giới”. Người gửi thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Thân ái mấy lời chúc Tết/ Toàn dân đoàn kết một lòng / Miền Bắc thi đua xây dựng/ Miền Nam giữ vững thành đồng/ Quyết chí, bền gan chiến đấu/ Hòa bình, thống nhất thành công”. Xuân Bính Thân 1956 là mùa xuân thứ hai kể từ ngày Bác rời “Thủ đô gió ngàn” về với Hà Nội. Bởi thế, vào ngày 14-2-1956, Người lại viết tiếp bài: “Mừng Xuân mới, nhớ Xuân cũ”, bút danh C.B đăng trên báo Nhân Dân số 713. Trong bài, Người nhận xét, mừng Xuân mới trong hòa bình, ấm no, nhiều cán bộ chiến sĩ ta không khỏi nhớ đến những cái Tết trong kháng chiến gian nan. “Với những người cách mạng độ 30 xuân trở lên, nhớ xuân cũ có nhiều màu, nhiều vẻ: có người mừng xuân trong trại giam, nhà tù, có người mừng xuân ở góc rừng, hang đá, còn những người hoạt động ở nước ngoài thì trông về cố quốc đón xuân… Vì nghĩa cũ tình xưa, mừng xuân trong hòa bình, nhiều cán bộ chiến sĩ ta càng thấm thía nhớ đến đồng bào Việt Bắc”.
Bước vào ngày đầu tiên của năm mới Mậu Thân 1968 (1-1-1968), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư chúc mừng năm mới tới đồng bào và chiến sĩ cả nước. Sau khi điểm lại những thắng lợi của quân và dân cả hai miền trong năm 1967, Người Ảnh: Tư liệuchỉ rõ: “Sang năm nay, bọn Mỹ xâm lược ngày càng bị động, càng lúng túng, quân và dân ta thừa thắng xông lên, nhất định giành được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa”. Người chúc năm mới đồng bào và chiến sĩ cả nước bằng bài thơ: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”. Lời thơ trong đêm Giao thừa của Bác chính là mệnh lệnh tiến công. Âm vang lời thơ vừa dứt, cả miền Nam đồng loạt nổ súng tiến công! Xuân Mậu Thân 1968 có lẽ là mùa xuân Người viết nhiều bài thơ xuân nhất. Ngoài bài thơ trên, Người còn có mấy bài thơ Không đề mà bài nào cũng có giọng điệu thơ vui tươi, khỏe khoắn và tin tưởng vào thắng lợi: “Đã lâu không làm bài thơ nào/ Nay lại thử làm xem ra sao/ Lục khắp giấy tờ vần chửa thấy/ Bỗng nghe vần “thắng” vút lên cao!”; hay: “Thuốc kiêng, rượu cữ đã ba năm/ Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần/ Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn/ Một năm là cả bốn mùa xuân”. Bước sang tháng 4-1968, Người còn viết tiếp bài “Tết Mậu Thân”: “Tháng tư hoa nở một vườn đầy/ Tía tía, hồng hồng đua sắc tươi/ Chim trắng xuống hồ tìm bắt cá/ Hoàng oanh vút tận trời/ Trên trời mây đến rồi đi/ Miền Nam thắng trận báo về tin vui”. Có thể nói, những lời kêu gọi nói chung và những lời chúc Tết, mừng Xuân nói riêng của Bác đều có những tác dụng hết sức to lớn. Đó “đều là những tiếng nói của Đảng, của Chính phủ, cũng là ý chí của nhân dân kiên quyết đấu tranh cho đến thắng lợi hoàn toàn” (1).
Mùa xuân năm Bính Thân 2016 này, ôn lại những lời chúc Tết của Bác trong những năm Thân lịch sử ấy, để trong lòng mỗi người con dân đất Việt chúng ta thêm một lần nữa tự hào về Bác kính yêu. Càng yêu quý, tự hào về Bác bao nhiêu, chúng ta càng quyết tâm phấn đấu đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực: chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục và ngoại giao để mãi mãi đất nước ta “Một năm là cả bốn mùa xuân” …
-----------------------
(1) Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch - NXB Sự Thật, tập VI (1962).
Nguyễn Thị Thọ
Ý kiến bạn đọc