NHỮNG DANH NHÂN TUỔI THÂN LÀM RẠNG DANH NON SÔNG TỔ QUỐC
Trần Quang Khải sinh năm Mậu Thân (1248): Ở Phủ Thiên Trương (Nam Định), tước Chiêu Minh Đại Vương, chức Thượng tướng Thái sư. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 (1285), ông là vị tướng chủ chốt thứ hai sau Trần Hưng Đạo lập nhiều công lao. Ông vừa tài về quân sự, giỏi về ngoại giao và cũng là một thi gia nổi tiếng.
Trần Nguyên Đán sinh năm Canh Thân (1320): là cháu đời thứ 4 của Trần Quang Khải, lớn lên khi triều Trần bắt đầu rối ren suy vi, thù trong giặc ngoài nổi lên sau hơn trăm năm “Ngoài dân thịnh vượng, trong triều hiền minh”. Trần Nguyên Đán đã giúp vua Trần Nghệ Tông diệt Dương Nhật Lễ, khôi phục cơ nghiệp triều Trần, một thời gian được phong chức Tư đồ Phụ chính.
Mạc Đĩnh Chi sinh năm Nhâm Thân (1272): Quê làng Lan Khê, nay thuộc huyện Chí Linh (Hải Dương). Mạc Đĩnh Chi tuy diện mạo xấu xí nhưng thông minh, học giỏi, đỗ Trạng nguyên năm 1304 thời vua Trần Anh Tông, khi 32 tuổi. Ông là người nổi tiếng thanh liêm, đức độ, ngay thẳng. Là một nhà thơ lớn, ông đã để lại nhiều bài thơ phú nổi tiếng như: Ngọc Tỉnh Thiên Phú, Phiến Minh, Quá Bành Trạch Phỏng Đào Tiềm Cựu Cư, Tảo hành. Ông từ trần năm 1345 thời vua Trần Dụ Tông, thọ 74 tuổi.
Nguyễn Trãi sinh năm Canh Thân (1380): quê ở huyện Chí Linh (Hải Dương), sinh ra ở kinh thành Thăng Long. Nguyễn Trãi là một nhân vật vĩ đại trong lịch sử Việt Nam, là một vị anh hùng dân tộc, nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà văn hóa kiệt xuất.
Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn chống nhà Minh đô hộ, Nguyễn Trãi tìm vào phò giúp dâng kế “Bình Ngô sách” (Cách đánh quân Ngô), năm Mậu Thân (1428) giành chiến thắng sau 10 năm chiến đấu gian khổ. Nhân danh Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã viết “Bình Ngô Đại Cáo” tuyên bố với nhân dân. Áng văn bất hủ đó được coi như Bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc ta, được vua Lê Thánh Tông từng ca ngợi:
“Ức Trai (Nguyễn Trãi)
tâm thượng quang khuê tảo”
(Lòng Ức Trai sáng tựa sao khuê).
Năm Canh Thân (1980) tổ chức UNESCO đã long trọng kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi với tư cách là một Danh nhân Văn hóa thế giới.
Lê Văn Duyệt sinh năm Giáp Thân (1764): Quê ở Tiền Giang, tuy ít học nhưng lại có chí lớn, được các vua nhà Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng phong làm quan Tổng Trấn Gia Định sau khi đánh đổ nhà Tây Sơn. Là vị quan đề cao quốc pháp, với quyền hạn được giao, Lê Văn Duyệt đã xử trảm Huỳnh Công Lý (bố vợ Minh Mạng) vì tội tham nhũng, giết hại dân lành khi đi phu, đi lính. Lê Văn Duyệt bị Minh Mạng trả thù tàn bạo, sau đó được vua Thiệu Trị, Tự Đức “sửa sai”. Lăng mộ của quan trung thần Lê Văn Duyệt được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Nguyễn Tri Phương sinh năm Canh Thân (1800): Quê ở Thừa Thiên - Huế. Ông là người khẳng khái, mưu lược, hoạt bát nên nhanh thăng quan tiến chức, trở thành một đại danh thần đánh Pháp thời vua Tự Đức trị vì, được thăng đến chức “Tổng thống quân vụ Đại thần” kiêm Tổng đốc các tỉnh từ Gia Định, Biên Hòa đến Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên khi 50 tuổi.
Khi Pháp tấn công Đà Nẵng mở màn xâm lược nước ta năm 1858, ông được cử trực tiếp chỉ huy chống giặc, 2 năm sau là “Gia Định quân thứ” điều hành việc quân sự ở miền Nam. Năm 1862, ông được thăng chức “Võ hiển Đại học sĩ” trấn giữ miền Bắc. Cuối năm 1873, Pháp tấn công Hà Nội lần thứ nhất, ông chỉ huy quân sĩ chiến đấu kiên cường, con trai ông hy sinh, bản thân ông bị trọng thương, Hà thành thất thủ. Bọn Pháp đã để Nguyễn Tri Phương ở lại trong thành, tổ chức điều trị, cứu chữa hòng lợi dụng ông sau này, song ông đã cự tuyệt, nêu cao tinh thần bất khuất của mình khiến kẻ thù thất bại và khâm phục.
Ngày 20-12-1873, danh tướng chống Pháp Nguyễn Tri Phương đã mất tại dinh Tổng đốc Hà thành, thọ 73 tuổi.
Tân Nhân (st-bs)
Ý kiến bạn đọc