Multimedia Đọc Báo in

Vua Lý Nhân Tông và những dấu ấn vượt thời gian

09:33, 28/03/2016

950 năm trước đây, vào ngày 22-2-1066, vua Lý Nhân Tông (tên thật là Lý Càn Đức) cất tiếng khóc chào đời. Một ngày sau, ông đã được vua cha là Lý Thánh Tông lập làm Thái tử. Năm ông lên 6 tuổi (1072), vua cha qua đời, ông lên nối ngôi, trị vì đất nước.

Lý Nhân Tông là một vị vua ở trên ngai vàng lâu nhất trong lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam (56 năm). Trong 56 năm trị vì, ông đã thể hiện những dấu ấn của mình trên rất nhiều lĩnh vực để chấn hưng đất nước.

Vua Lý Nhân Tông là vị vua tiên phong trong việc chấn hưng nền chính trị. Năm 1084, ông định lệ quan chế, chia văn võ làm 9 phẩm (từ nhất phẩm đến cửu phẩm). Dưới những bậc đại thần như thái sư, thái phó..., về văn ban có thượng thư, tả hữu tham tri, trung thư thị lang...; về võ ban có đô thống, nguyên súy, tổng quản, khu mật sứ, khu mật tả hữu sứ...; tới các châu, quận, văn thì có tri phủ, tri châu, võ có chư lộ trấn, lộ quan. Có thể nói, bộ máy hành chính dưới thời Lý Nhân Tông đã đạt đến sự thống nhất hữu cơ, nên mỗi một chính sách đều được thực hiện với sự liên quan chặt chẽ từ trung ương đến địa phương. Ông cũng là vị vua đầu tiên xây dựng quy chế quan lại thống nhất. Năm Đinh Sửu (1097), ông cho sưu tập, biên soạn, sửa chữa các phép tắc chính trị, quan lại đời trước rồi ban hành tập Hội điển; từ đó quy chế quan lại, chính trị được xác lập cụ thể. Đặc biệt, trước đó, Lý Nhân Tông đã là vị vua đầu tiên ban hành lệ dân chủ với “Chiếu cầu lời nói thẳng” (tháng 4 Bính Thìn - 1076) nhằm huy động trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân đóng góp vào công cuộc “trị quốc, bình thiên hạ”.

Về kinh tế, Lý Nhân Tông rất mực quan tâm đến vấn đề “tam nông”. Ông cũng chính là vị vua đầu tiên quy định việc bảo vệ sức kéo cho sản xuất nông nghiệp. Năm Đinh Dậu (1117), vua xuống chiếu cấm mổ trộm trâu, láng giềng người vi phạm biết mà không tố cáo cũng bị phạt đánh roi. Năm Quý Mão (1123), vua lại xuống chiếu nhắc nhở quy định trên: “Trâu là một vật rất quan trọng cho việc cày cấy, lợi cho người không ít. Từ nay về sau 3 nhà làm 1 bảo, không được giết trâu ăn thịt, ai làm trái thì bị trị tội theo pháp luật” (Đại Việt sử ký toàn thư). Không những thế, ông cũng còn là vị vua đầu tiên khởi xướng việc đắp đê phòng lũ lụt một cách quy mô. Năm Đinh Tỵ (1077) vua cho đắp đê sông Như Nguyệt (sông Cầu); năm Quý Mùi (1103) ban lệnh trong và ngoài kinh thành phải đắp đê ngăn lụt; năm Mậu Tý (1108) vua cho đắp đê Cơ Xá (nay là đoạn đê sông Hồng ở gần cầu Long Biên, Hà Nội). Ngoài ra, năm Nhâm Tý (1092), đức vua bắt đầu đặt lệ thu tô ruộng; mỗi mẫu 3 thăng để cấp quân lương. Đây là loại thuế đầu tiên đánh vào ruộng tư.

Trong việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái, Lý Nhân Tông là vua đầu tiên định lệ cấm chặt cây bừa bãi, không chỉ cây cối ở đền miếu, lăng tẩm được bảo vệ mà tháng Giêng năm Bính Ngọ (1126) vua còn xuống chiếu “cấm nhân dân mùa xuân không được chặt cây” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Về quân sự - ngoại giao, vua Lý Nhân Tông cũng đã để lại những dấu ấn khó quên. Năm 1075, theo lệnh vua, Thái úy Lý Thường Kiệt đã mở cuộc Bắc phạt lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, “đường đường chính chính đem quân vào nước người, khi đánh không ai địch nổi, khi kéo quân về không ai dám đuổi theo … Từ đấy nước Tàu không dám coi thường chúng ta” (Việt sử tiểu án - Ngô Thì Sĩ). Năm 1077, dù vua mới lên tuổi 11 nhưng đã cùng với quân dân Đại Việt mà người trực tiếp chỉ huy cuộc kháng chiến là Lý Thường Kiệt làm nên chiến thắng Như Nguyệt vang dội. Sau chiến tranh, với quyết tâm không để một tấc đất của tổ tiên rơi vào tay giặc, bằng nhiều biện pháp từ quân sự đến ngoại giao, đặc biệt là giải pháp ngoại giao, nhà Lý đã liên tục cử sứ giả qua Yên Kinh và lên biên giới tranh biện đòi lại đất đai. Năm 1084, vua Lý Nhân Tông cử Lê Văn Thịnh (thủ khoa khai khoa nền khoa bảng nước nhà - 1075), khi ấy giữ chức Thị Lang Bộ binh lên biên giới đấu tranh đòi lại 2 động Vật Dương, Vật Ác (nhà Tống đổi thành Quy Hóa, Thuận An) vốn trước đó bị các tù trưởng biên giới làm phản đem dâng cho nhà Tống. Sau thời gian tranh biện với lý lẽ quyết liệt và xác đáng của Lê Văn Thịnh, sau cùng nhà Tống trả lại đất cho Đại Việt gồm 6 huyện 3 động theo như ghi chép của Đại Việt sử ký.

Một trong những dấu ấn rất quan trọng của vua Lý Nhân Tông là vấn đề giáo dục và thi cử. Năm 1070, ông cho lập Văn Miếu để biểu dương Nho giáo, thờ Chu Công, Khổng Tử và các vị tiên hiền. Vua Lý Nhân Tông lại là vị vua đầu tiên mở khoa thi để tuyển chọn người tài năng bổ làm quan lại cho bộ máy chính quyền, thay thế lệ tiến cử và sát hạch trước đó. Khoa thi đầu tiên này được tổ chức vào năm Ất Mão (1075) gọi là khoa Tam trường, lấy đỗ những người học rộng, thông hiểu kinh sử, vì vậy khoa thi đó còn được gọi là khoa Minh kinh bác học. Năm Bính Thìn (1076) vua Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở kinh đô để dạy học cho con vua và các hoàng thân. Đây là nơi đào tạo nhiều người có học vị cao, được coi là trường “đại học” đầu tiên và là trường “công lập” đầu tiên của nước ta. Từ đó việc học được khuyến khích, mở rộng khắp nơi. Tháng 2 năm Đinh Tỵ (1077) lại tổ chức “thi lại viên bằng phép viết chữ, phép tính và hình luật” nhằm lựa chọn quan chức cao cấp cho bộ máy nhà nước. Đây là kỳ thi chọn quan lại đầu tiên với nội dung kiến thức tương đối toàn diện: văn, toán, luật pháp (chính trị). Tháng 8 năm Bính Dần (1086) mở khoa thi chọn người có tài văn học trong nước, sung làm việc ở Hàn lâm viện.

950 năm, thời gian gần một thiên niên kỷ, bụi thời gian đã che lấp nhiều thứ nhưng tên tuổi và những dấu ấn vượt thời gian của đức vua Lý Nhân Tông vẫn còn mãi…

Nguyễn Thị Thọ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.