Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất (25-4-1976)
Ngày hội hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp thống nhất non sông
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. Ảnh: Tư liệu |
Đất nước thống nhất, nguyện vọng của nhân dân hai miền Nam, Bắc là cơ quan lập pháp, hành pháp và cả hệ thống chính trị sớm được thống nhất. Xuất phát từ yêu cầu đó, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp trong tháng 9-1975 đã thông qua Nghị quyết* về vấn đề thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Sau đó, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 228 CT/TW ngày 3-1-1976 về việc lãnh đạo cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước vào ngày 25-4-1976. Cuộc tổng tuyển cử được tiến hành trong cả nước cùng một ngày, theo những nguyên tắc thật sự dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp bỏ phiếu kín; triệu tập kỳ họp đầu tiên của Quốc hội chung để nghe báo cáo kết quả cuộc tổng tuyển cử trong cả nước và xác nhận tư cách đại biểu của các đại biểu Quốc hội; nghe báo cáo vấn đề dự thảo Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất và bầu Ủy ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội…
Ngày 25-4-1976, nhân dân 2 miền Nam, Bắc đã nô nức tham gia ngày hội tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Đó là lần thứ 2 cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội được tổ chức trên phạm vi cả nước, là ngày hội biểu dương lực lượng và ý chí đoàn kết, thống nhất đất nước của toàn thể nhân dân Việt Nam. Nếu cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu cử Quốc hội khóa I năm 1946 đã chính thức hóa về mặt pháp lý Nhà nước và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội ngày 25-4-1976 của cả nước lại mang ý nghĩa chính thức hóa việc thống nhất nước nhà. Cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung lần thứ 2 thành công rực rỡ, tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao với hơn 23 triệu cử tri (chiếm 98,8%) đi bỏ phiếu, miền Bắc 99,36%, miền Nam 98,59%, Hà Nội 99,82%; Sài Gòn – Gia Định 98,14%. Trên phạm vi cả nước đều có nhiều huyện, xã và rất nhiều khu đạt 100% cử tri đi bỏ phiếu.
Quốc hội khóa VI (1976 – 1981) được bầu ngày 25-4-1976 có tổng số 492 đại biểu. Để thể hiện tính liên tục của Nhà nước qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, Quốc hội đã quy định Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất là Quốc hội khóa VI. Quốc hội quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc huy mang dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”; chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn – Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh; quy định Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội. Đồng thời, Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong nhiệm kỳ 5 năm, Quốc hội đã họp 7 kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 12-1980), Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Hiến pháp 1980. Đây là bản Hiến pháp thứ ba được Quốc hội thông qua để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng mới.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI là thắng lợi của đường lối đấu tranh cách mạng của Đảng, chứng tỏ sức mạnh vô địch của nhân dân cả nước ta đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận Dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, dựa trên cơ sở liên minh công – nông. Với sức mạnh đó, chúng ta đã giành được chiến thắng vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Kỷ niệm 40 năm Ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước (25-4-1976 – 25-4-2016) là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại ngày lịch sử của dân tộc và lịch sử cách mạng Việt Nam. Đó là ngày hội hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp thống nhất non sông, biểu dương lực lượng vĩ đại của nhân dân ta và ý chí thống nhất đất nước trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
*Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.36, tr.391.
Ths.Ngô Sáu
(Trường Chính trị tỉnh)
Ý kiến bạn đọc