Multimedia Đọc Báo in

Tưởng niệm những người con Nam tiến…

11:04, 30/04/2016
Trong tiếng nhạc trầm hùng, bi tráng của bài “Hồn tử sĩ” ngân vang, từng tốp người trật tự, lặng lẽ bước đều tiến lên dâng hoa, thắp hương tại Đài tưởng niệm các chiến sĩ Nam tiến Buôn Ma Thuột. Dưới bóng cây đa cổ thụ, cành lá xòe tán râm mát, không khí trang nghiêm mà lại bình yên đến lạ kỳ...
 
Viếng Đài tưởng niệm các chiến sĩ Nam tiến là một trong những hoạt động tưởng nhớ, hướng về cội nguồn được tổ chức trong hầu hết các chương trình, hoạt động lớn do Tỉnh Đoàn triển khai, thực hiện nhằm giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho các đoàn viên, thanh thiếu niên và nhi đồng. Chị Lại Thị Loan, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn chia sẻ: “Đứng trước Đài tưởng niệm thiêng liêng, chúng tôi càng biết ơn và trân trọng, tự hào hơn những gì mà thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để gieo mầm cho cây đời tươi tốt, để cho đất nước được hòa bình, thống nhất. Đó cũng là những ý nghĩa, thông điệp mà chúng tôi muốn truyền đạt cho các em thanh thiếu nhi khi tổ chức hoạt động viếng Đài tưởng niệm nơi đây...”.
Dâng hoa, thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh tại Đài tưởng niệm  các chiến sĩ Nam tiến Buôn Ma Thuột.
Dâng hoa, thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh tại Đài tưởng niệm các chiến sĩ Nam tiến Buôn Ma Thuột.
 
Ngược dòng quá khứ tìm hiểu về sự kiện liên quan tới Đài tưởng niệm các chiến sĩ Nam tiến, mới thấy được sự anh dũng, quả cảm, chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta. Cuối tháng 11-1945, dưới sự hậu thuẫn của quân Anh, quân Pháp bắt quân Nhật dẫn đường từ miền Đông Nam Bộ theo đường 14 đánh lên Tây Nguyên, tấn công Đắk Lắk. Ngày 30-11-1945, quân Pháp bất ngờ dùng bộ binh và cơ giới ập đến tấn công tuyến phòng thủ của ta. Do tương quan lực lượng chênh lệch lại chưa nắm rõ được tình hình, thực lực của kẻ thù, phòng tuyến của ta tạm thời bị phá vỡ, liên lạc với ban chỉ huy tỉnh bị cắt đứt. Khoảng 14 giờ ngày 1-12-1945 (ngày 27 tháng 10 năm Ất Dậu), trong khi nhân dân thị xã Buôn Ma Thuột vẫn sinh hoạt bình thường thì quân Pháp tràn đến. Cuộc chiến đấu không được chuẩn bị trước của quân và dân Đắk Lắk diễn ra trên khắp mọi ngả đường, tuyến phố. Bằng mọi phương tiện, vũ khí có trong tay, quân dân ta đã ngoan cường chặn địch, cố gắng làm chậm bước tiến của chúng và đã phải chịu những tổn thất, đau thương không nhỏ. Nhiều chiến sĩ dân quân, tự vệ, cảnh sát và đồng bào đã hy sinh tại Cổng số 1, trước trụ sở Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh, ngã sáu, làng Lạc Giao…
 
Hơn 100 chiến sĩ Nam tiến của chi đội Vi Dân đã hy sinh tại đồn Bảo An binh (về sau là Khu thông tin triển lãm của tỉnh, nay là số 5 đường Lê Duẩn). Từ đó nhân dân làng Lạc Giao, nơi chịu nhiều tổn thất đau thương, từng chứng kiến những tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ, đã lấy ngày 27-10 âm lịch hằng năm làm ngày giỗ các chiến sĩ trận vong và đồng bào tử nạn. Đến năm 1991, Bảo tàng Đắk Lắk tiến hành xây dựng Bia tưởng niệm; sau nhiều lần tôn tạo, Bia tưởng niệm đã có diện mạo là Đài tưởng niệm như ngày nay...Ngày 24-4-2015, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định xếp hạng di tích Địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Nam tiến tại Buôn Ma Thuột là Di tích Lịch sử Quốc gia.
 
Tưởng nhớ các chiến sĩ Nam tiến đã hy sinh anh dũng và đồng bào làng Lạc Giao tử nạn trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp quay trở lại tái chiếm Đắk Lắk, hằng năm vào ngày 27-10 âm lịch, tại Di tích lịch sử đình Lạc Giao đều tổ chức lễ tưởng niệm để tri ân. Tại buổi lễ, đại diện Ban Quản lý di tích sẽ ôn lại lịch sử, kể về tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng và những hy sinh mất mát của quân dân ta trong sự kiện ngày 27-10 âm lịch năm đó...
 
Ngoài ra, trong những ngày diễn ra các hoạt động tâm linh thường niên như tế Xuân, tế Thu, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tổ chức tại đình Lạc Giao, Ban Quản lý di tích cũng tổ chức dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ các chiến sĩ Nam tiến. Đây là những sinh hoạt vô cùng ý nghĩa, mang đậm dấu ấn văn hóa, thể hiện tình đoàn kết, lòng tri ân, “uống nước nhớ nguồn” của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk. 
 
 Lan Anh 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.