Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm đáng nhớ về Thượng tướng Lê Khả Phiêu - tháng 5 năm 1992

11:06, 26/05/2016

24 năm đã trôi qua, Đại tá Trần Mạnh Hổ, nguyên là thuyền trưởng tàu HQ957 vẫn nhớ mãi kỷ niệm về lần đưa đồng chí Lê Khả Phiêu (nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) cùng đoàn cán bộ cấp cao của quân đội ra thăm bộ đội Trường Sa… Ấn tượng về một vị tướng giản dị, hết lòng vì bộ đội vẫn đọng mãi trong trí nhớ người thuyền trưởng ấy.

Tháng 5-1992, cán bộ, chiến sĩ tàu HQ957 Hải quân nhận mệnh lệnh chở đoàn cán bộ cấp cao của quân đội ra thăm bộ đội Trường Sa. Trong đoàn công tác có Thượng tướng Lê Khả Phiêu (lúc đó là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam).

Đồng chí Lê Khả Phiêu (bên trái) và thuyền trưởng Trần Mạnh Hổ trên tàu HQ957 tại Trường Sa.  (Ảnh chụp lại)
Đồng chí Lê Khả Phiêu (bên trái) và thuyền trưởng Trần Mạnh Hổ trên tàu HQ957 tại Trường Sa. (Ảnh chụp lại)

 

Khi ấy, nhiệm vụ của tàu HQ957 chở đoàn cán bộ ra Trường Sa được coi là nhiệm vụ đặc biệt. Sau khi báo cáo với đồng chí Lê Khả Phiêu về tình hình hoạt động và nhiệm vụ của tàu trong chuyến đi Trường Sa lần này, dự kiến tình huống có thể xảy ra như sóng to gió lớn, thuyền trưởng Trần Mạnh Hổ bố trí cho thủ trưởng Lê Khả Phiêu nghỉ ngơi tại phòng mình vì có đầy đủ tiện nghi hơn. Đồng chí Lê Khả Phiêu quan sát một vòng rồi đề nghị bố trí phòng nghỉ khác: “Tớ biết trên con tàu này cậu là người chỉ huy cao nhất. Chúng mình là khách, nghỉ ở đâu cũng được, phải ưu tiên cho cậu làm việc”. Dù thuyền trưởng Trần Mạnh Hổ đưa ra nhiều lý do thuyết phục song đồng chí Lê Khả Phiêu vẫn yêu cầu dẫn ông đi xem phòng nghỉ của chiến sĩ và đoàn công tác rồi ông nhất quyết ở tại phòng nghỉ dự bị của tàu.

Tàu HQ957 đến cách đảo Đá Lát khoảng 20 hải lý thì gặp sóng lừng dữ dội. Nhiều khách trên tàu nôn thốc nôn tháo. Phương án đưa đoàn công tác lên đảo được nhanh chóng vạch ra: đưa người từ tàu xuống xuồng máy, khi xuồng đến bãi cạn san hô sẽ chuyển người xuống xuồng cao su và các chiến sĩ trẻ đẩy xuồng cao su vào mép đảo. Nghe thuyền trưởng báo cáo phương án lên đảo, đồng chí Lê Khả Phiêu nói: “Các cậu cứ tính phương án nào cho thật an toàn, người ướt không quan trọng. Các cậu bơi được thì mình cũng bơi được và trong đoàn cũng thế. Ra đảo mà không lên thăm bộ đội thì cũng như không”. Mỗi chuyến xuồng nhỏ chở được 10 người vào đảo. Đồng chí Lê Khả Phiêu đi chuyến thứ 2 cùng mấy diễn viên văn công đoàn Tổng cục Chính trị. Khi xuồng vào mép đảo, thấy sự vất vả của bộ đội, ông đã nhảy ùm xuống nước đẩy xuồng cao su với bộ đội và nói vui: “Cho mình cùng tắm biển để tận hưởng nước mặn của Trường Sa”. Tất cả cán bộ, chiến sĩ Hải quân trên cầu cảng ra đón đoàn hôm đó nhìn ông và vỗ tay thán phục.

Lên đảo, đồng chí Lê Khả Phiêu không thay quần áo ướt mà đề nghị đến ngay nhà ở của các chiến sĩ. Ông muốn đến tận nơi xem đời sống của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa nơi tuyến đầu Tổ quốc bằng sự cảm nhận thực tế chứ không phải nghe từ báo cáo. Ông muốn tận mắt thấy những chiến sĩ Trường Sa nước da sạm đen trong nắng gió vững vàng tay súng canh giữ biển trời Tổ quốc chứ không phải nghe qua lời kể. Ông nói với chiến sĩ trẻ ở đảo Đá Lát: “Đảo Trường Sa là linh hồn Tổ quốc. Những người lính Trường Sa phải có trách nhiệm giữ gìn, đó là nhiệm vụ thiêng liêng nhất được Tổ quốc giao phó và nhân dân tin tưởng các đồng chí. Dù có khó khăn gian khổ, dù phải hy sinh tính mạng cũng giữ gìn bằng được quần đảo của Tổ quốc mình. Đó là sứ mệnh người lính mà các đồng chí phải khắc sâu trong tim”.

Đồng chí Lê Khả Phiêu đi thăm các chiến sĩ đang huấn luyện dưới chiến hào, thăm phân đội canh gác, ở đâu ông cũng thân thiết, ân cần với chiến sĩ như người ruột thịt. Hôm ấy cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, những người được tiếp xúc với ông chỉ thấy sự thân thiện nhân ái, gần gũi, không hề có khoảng cách giữa vị tướng với chiến sĩ, giữa lãnh đạo với dân thường. Giữa trời nước mênh mông, ông nói với cán bộ, chiến sĩ cùng đoàn công tác trên boong tàu HQ957: “Nước biển Trường Sa là mồ hôi của nhân dân, đảo Trường Sa thấm đẫm bao máu xương đồng đội, giữ đảo Trường Sa yên bình là ý chí quật cường và tinh thần yêu Tổ quốc của quân, dân Trường Sa hôm nay và mai sau”.

Tàu HQ957 đưa đồng chí Lê Khả Phiêu và đoàn công tác trở lại đất liền an toàn. Chuyến đi ấy đã để lại trong lòng những người lính Hải quân ấn tượng sâu sắc về một người chỉ huy không chỉ có tầm nhìn chiến lược toàn diện mà giản dị, gần gũi, thương yêu chiến sĩ như ruột thịt của mình.

 Nguyễn Thắng

 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.