Multimedia Đọc Báo in

Nhớ mãi lần đầu tiên đi bầu cử…

11:04, 26/05/2016
Cách đây 70 năm, chỉ vài tháng sau ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vào ngày 6-1-1946 nhân dân ta đã nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử, bỏ phiếu bầu ra Quốc hội đầu tiên của đất nước. Ký ức về cuộc bầu cử đầu tiên ấy vẫn in đậm mãi trong trái tim của nhiều vị lão thành cách mạng…
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu

Năm 1946, cụ Lê Văn Hữu (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) mới tròn 16 tuổi. Chưa đủ tuổi đi bỏ phiếu nhưng vì là một trong số ít những người đã học xong Tiểu học nên cụ Hữu được chính quyền lâm thời thị xã Quảng Trị chọn làm người hướng dẫn cử tri bỏ phiếu. Cụ Hữu được phân công là trưởng nhóm chuyên viết những khẩu hiệu có nội dung “Ủng hộ bầu cử”, “Ủng hộ Việt Minh” lên trên những chiếc nong nia để cử tri mang theo làm khẩu hiệu khi đi bỏ phiếu. Vị lão thành cách mạng đã có 68 năm tuổi Đảng xúc động nhớ lại: “Hồi ấy, 90% dân ta không biết chữ. Tuy nhiên, vào ngày bỏ phiếu ai cũng đều cầm lá phiếu trên tay, họ không nhờ người khác đi thay, cũng không nhờ ai bỏ phiếu hộ mà muốn chính tay mình bỏ lá phiếu vào thùng phiếu. Hồi ấy, uy tín của Việt Minh trong nhân dân rất cao, nên hầu hết đều bỏ phiếu cho Việt Minh. Cuộc bỏ phiếu diễn ra rất nhanh, tấp nập trong buổi sáng. Ở điểm bỏ phiếu của tôi, chỉ đến 11 giờ trưa đã có gần 80% cử tri hoàn thành việc bỏ phiếu”.

Với cụ Trần Xuân Hứa, 92 tuổi đời, 63 tuổi Đảng, ở thôn Lộc Bình, xã Phú Lộc (huyện Krông Năng), là một trong những cử tri được tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam là niềm vinh dự to lớn. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 ấy gặp vô vàn khó khăn nhưng lòng dân thì hừng hực ngọn lửa nhiệt thành cách mạng. Cụ Hứa kể: “Không chỉ các tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức, ngay trong ngày bầu cử ở Huế, nhiều địa chủ yêu nước, những người giàu có thời bấy giờ đã nhiệt tình ủng hộ Việt Minh. Họ không chỉ đi bỏ phiếu sớm mà còn ủng hộ tiền, vàng, bạc cho Chính phủ Cách mạng”. Từ lần tham gia bầu cử đầu tiên ấy đến nay, các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp luôn được cụ Hứa xem là sự kiện chính trị trọng đại, ngày hội lớn của đất nước nên cụ luôn đi bầu cử đầy đủ, coi đó không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với quê hương đất nước.

Đến nay, lớp người cao tuổi như cụ Hữu, cụ Hứa đã trải qua 14 lần bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, mỗi lần đi bầu cử là một lần hân hoan với quyền công dân của một đất nước tự do, độc lập mà họ đã góp phần bảo vệ, giữ gìn. Ôn lại 70 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, ôn lại một chặng đường lịch sử đã đi qua, các lão thành cách mạng đều mong muốn Quốc hội hôm nay luôn kế thừa, phát triển những giá trị tinh hoa, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động để đáp ứng yêu cầu của công cuộc phát triển đất nước và sự kỳ vọng của nhân dân.

Xuân Hòa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.