Multimedia Đọc Báo in

Trở lại chiến trường xưa

10:30, 01/09/2016

Gần nửa thế kỷ trôi qua, những dấu tích lịch sử ở vùng căn cứ kháng chiến chống Mỹ năm xưa đã bị thời gian xóa nhòa. Song, nó vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của những người đã từng sống và chiến đấu trên mảnh đất đầy đau thương, nhưng rất đỗi tự hào này.

Chuyến đi lịch sử

Được sự đồng ý của UBND tỉnh, từ ngày 24 đến 26-8-2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã tổ chức Đoàn khảo sát, đánh giá và cắm biển định vị các di tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên địa bàn cánh Nam, thuộc Khu căn cứ Cách mạng H9 năm xưa (nay là huyện Krông Bông) nhằm từng bước khoanh vùng bảo vệ, tôn tạo và hoàn thiện hồ sơ trình cấp thẩm quyền phê duyệt và công nhận là di tích cấp Quốc gia. Đoàn đi gồm nhiều cơ quan, ban, ngành và đơn vị liên quan, trong đó đáng ghi nhận trân trọng hơn cả là có những cán bộ lão thành cách mạng tham gia - và họ được coi là chứng nhân lịch sử của một thời gian khó và hào hùng ấy.

Bác Ama Thương trao đổi việc tìm kiếm khu cơ quan Tỉnh ủy đóng tại Cư Pui  (từ năm 1965-1975).
Bác Ama Thương trao đổi việc tìm kiếm khu cơ quan Tỉnh ủy đóng tại Cư Pui (từ năm 1965-1975).

Các bác Ama Thương, Ama Oanh và Lê Chí Quyết - nguyên là cán bộ lãnh đạo tỉnh năm nay đều đã bước vào tuổi xấp xỉ 90. Dù sức khỏe đã yếu, nhưng vì tương lai, niềm tự hào của con cháu hôm nay và mai sau, các bác vẫn cố gắng lên đường với nhiệm vụ được Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk trao gửi: Xác định cho được vị trí diễn ra các Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III, IV, V và Khu cơ quan Tỉnh ủy Đắk Lắk đóng tại H9 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bốn điểm đến nằm ở những địa điểm khác nhau trong phạm vi gần 40 km2 của huyện Krông Bông hiện nay. Việc tìm và xác định các địa điểm ấy là không dễ, bởi thời gian đã đi qua ngót nửa thế kỷ, địa hình - địa mạo và cảnh quan thay đổi rất nhiều… khiến trí nhớ “người trong cuộc”, dù tốt đến mấy cũng không dễ gì nhận ra ngay. Riêng hai điểm: Khu cơ quan Tỉnh ủy và nơi diễn ra Đại hội III (tháng 7-1966) là không mất thời gian nhiều để tìm kiếm, xác định vì nó nằm gần kề với di tích lịch sử đã được khoanh vùng bảo vệ cùng Hang đá và suối Đắk Tour thuộc địa bàn xã Cư Pui từ  5 năm trước. Hơn nữa, hạ tầng cơ sở ở đây đã được đầu tư khá đồng bộ (điện, đường giao thông, nước sạch sinh hoạt) cho người dân vùng căn cứ nên việc đi lại khá dễ dàng, thuận lợi.

Vất vả và mất nhiều công sức, thời gian nhất là xác định vị trí diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (tháng 4-1969) và thứ V (tháng 10-1971). Được biết hai Đại hội này được tổ chức tại buôn Tưng và buôn Ngô trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Sau năm 1975, hai buôn người dân tộc M’nông Kuênh nói trên đều dời ra gần trung tâm xã Yang Mao và Hòa Phong-huyện Krông Bông bây giờ. Vì thế việc tìm lại buôn xưa gặp rất nhiều khó khăn, từ đi lại đến xác định vị trí do cây rừng đã mọc um tùm che kín hết lối đi. Mặc dù nhờ những người lính giao liên năm xưa là người dân tộc thiểu số tại chỗ dẫn đường, nhưng cũng phải mất khoảng 20 tiếng đồng hồ băng rừng, lội suối mới tìm ra các địa chỉ trên (bình quân gần một ngày/địa chỉ). Vượt rừng, lội suối với chừng ấy thời gian đối với người trẻ, có sức khỏe thì không nói làm gì, nhưng với người già xấp xỉ tuổi 90 như bác Ama Thương, Ama Oanh, Lê Chí Quyết quả là đáng ngại. Trong đoàn, ai cũng lo lắng cho các bác và hỏi: Liệu có đi được không? Trừ bác Ama Thương đã quá yếu, phải khiêng võng, nhưng chỉ được nửa đường là dừng lại do rừng núi quá hiểm trở - còn lại bác Quyết và bác Ama Oanh vẫn nhúc nhắc bước cho đến đích buôn Tưng. Riêng buôn Ngô thì hai bác không thể vào được, phải dừng lại ở lưng chừng dốc núi…

Có thể nói, đây là chuyến đi lịch sử với các bác. Không thể đến được buôn Ngô - nơi diễn ra Đại hội V, nhưng các bác cố nhớ và chỉ bảo từng chi tiết cho Đoàn khảo sát để làm sao định vị được địa điểm cần tìm. Các bác lão thành cách mạng đều bảo rằng, có lẽ đây là chuyến đi cuối cùng trong đời và mong thế hệ con cháu tiếp nối bước chân mình, hoàn thành tâm nguyện: Bằng mọi cách phải tôn tạo, phục dựng lại những “địa chỉ đỏ” nói trên, để từng bước kết hợp với du lịch đầu tư, xây dựng nó trở thành những di tích lịch sử thật sự có tầm vóc, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Đong đầy kỷ niệm

Rất nhiều giọt nước mắt đã chảy, trong đó có các nhân chứng lịch sử, khi các bác nhớ lại và kể về những thời khắc đau thương, nhưng cũng đầy bi tráng trong những lần đối diện, ngăn chặn sự bố ráp, tấn công của kẻ thù - nhất là từ năm 1965 đến năm 1971 tại Khu cơ quan Tỉnh ủy đóng dưới núi Cư Yang Sin (thuộc xã Cư Pui ngày nay). Bác Lê Chí Quyết - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy rơm rớm nước mắt và nhớ lại: Đói cơm, lạt muối là thế, nhưng đồng bào các dân tộc ở đây một lòng theo Đảng, theo cách mạng đến cùng. Họ vượt lên gian khổ, hy sinh để bảo vệ vùng căn cứ. Không biết bao nhiêu người đã ngã xuống để cho “đầu não” cách mạng này tồn tại vững chắc, từ đó trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng đi đến thắng lợi hoàn toàn năm 1975… Sự kiện đáng buồn và đáng nhớ nhất là trong những ngày cuối năm 1969 và đầu năm 1970, kẻ thù đã liên tục tổ chức ném bom, càn quét vùng căn cứ H9, gây tổn thất nặng nề cho quân dân trên địa bàn. Trong đó có quả bom ném trúng căn hầm của bộ phận nhà bếp (Ban Hậu cần) làm 6 người chết tại chỗ. Lại có những lần địch thọc sâu vào Cư Pui càn quét, đốt phá không chừa một thứ gì, lực lượng của ta (cả bộ đội lẫn đồng bào) phải lên núi, vào hang đá Đắk Tour trú ẩn. Củ nưa, củ chuối và măng rừng thay cơm, nhưng sự đùm bọc, nương tựa vào nhau giữa tình quân dân vẫn bền chặt vô cùng. Chờ khi tình hình lắng xuống, lại xuống núi trồng bắp, trồng mì, tỉa lúa để tích trữ lương thảo đánh giặc. Đã không biết bao nhiêu lần như thế, địch “chà đi, xát lại” vùng đất này, song vẫn không thể khuất phục được ý chí quật cường quân dân vùng căn cứ. Ngọn lửa cách mạng và tinh thần kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn được nuôi dưỡng và đã bùng lên mạnh mẽ trong những ngày tháng 3-1975, để làm nên chiến thắng Buôn Ma Thuột (10-3) vang dội, mở màn cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy vào mùa Xuân 1975, xốc tới thần tốc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Bác Lê Chí Quyết (người đứng giữa) chụp ảnh lưu niệm tại nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (tháng 4-1969).
Bác Lê Chí Quyết (người đứng giữa) chụp ảnh lưu niệm tại nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (tháng 4-1969).

Bà H’Lim Niê, Giám đốc Sở VH-TT-DL chia sẻ chân thành: Tìm lại những dấu tích một thời đau thương mà hào hùng ấy với mục đích tôn tạo, xây dựng vùng căn cứ cách mạng H9 năm xưa- huyện Krông Bông giàu truyền thống ngày nay trở thành điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế-xã hội của Đắk Lắk là ước vọng của bao người. Qua đó để tri ân sự hy sinh xương máu của người đi trước, đồng thời góp phần giáo dục, nuôi dưỡng lòng tự hào cho thế hệ kế tiếp trong sự nghiệp phát triển và đổi mới và hội nhập hôm nay của quê hương, đất nước là việc làm đầy trách nhiệm và có ý nghĩa lớn lao.             

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.