Cây đào Tô Hiệu năm xưa
Tôi thuộc lòng bài thơ “Anh về cùng mùa hoa” của nhà thơ Tạ Hữu Yên (trong sách giáo khoa lớp 4 - bộ cũ) từ khi còn là học sinh tiểu học. Lúc ấy, tôi còn quá nhỏ để hiểu hết ý tứ của nhà thơ, nhưng từng câu thơ đẹp, giàu cảm xúc ấy đã ăn sâu vào trí nhớ. Để rồi mới đây, khi có dịp đến thăm Nhà tù Sơn La những dòng thơ ấy lại hiện về.
Rớt xuống trang thơ tôi
Cánh hoa đào phớt đỏ
Chiều Sơn La lặng gió
Tôi nghe hoa thì thầm…
Tôi đến Nhà tù Sơn La khi đã xế chiều. Có khá đông du khách đến tham quan và không ít người dân địa phương đưa con cháu đến hóng mát hòng trốn cái nắng nóng mùa hè của vùng núi rừng Tây Bắc.
Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1908, ban đầu có diện tích 500 m2, đến năm 1940 được mở rộng lên đến 1.700 m2 với hệ thống tường bao kiên cố bằng đá và gạch cao 4 m, dày 0,5 m. Cô hướng dẫn viên người Thái đưa chúng tôi qua khuôn cửa hẹp nhà ngục vào thăm nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng. Nơi đầu tiên chúng tôi dừng chân là phòng giam đồng chí Tô Hiệu và cây đào do ông trồng. Tháng 12-1939, khi bị giam ở đây, đồng chí Tô Hiệu đã lấy hạt đào nhét vào kẽ hở trên tường. Sau một thời gian, hạt đào nẩy mầm, chui qua kẽ tường vươn lên xanh tốt. Tên chúa ngục và lính canh thấy đó là một hiện tượng vừa lạ, vừa như có gì đó thuộc về tâm linh nên mặc nhiên để cho cây đào bám tường sống. Sau này một cành của cây đào Tô Hiệu đã được chiết và đưa về trồng bên Lăng Bác. Và Nghĩa trang Gốc Ổi ở thành phố Sơn La cũng lấy giống cây đào này về trồng.
Đoàn cán bộ Báo Sơn La và Đắk Lắk đến thăm Khu di tích Nhà tù Sơn La. |
Chúng tôi tiếp tục tham quan các xà lim ngầm, xà lim chéo, cùng những phòng giam đặc biệt chỉ rộng 1,2 m2. Đập vào mắt chúng tôi là chiếc gường cho tù nhân được láng xi măng trên bề mặt, mép ngoài gắn hệ thống cùm chân dọc theo chiều dài sàn. Vào mùa hè, các phòng giam ở đây giống như lò nung, còn mùa đông lại buốt lạnh vì khí hậu khắc nghiệt miền biên ải. Thực dân Pháp đã biến nhà tù thành địa ngục để giam cầm, đày đọa, hòng làm tiêu hao sinh lực và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những chiến sĩ cộng sản. Nhà tù Sơn La thực tế là một cái hầm chôn người sống. Chỉ từ năm 1930 đến 1945 đã có 1.007 lượt chiến sĩ cách mạng của Đảng bị thực dân Pháp giam cầm, đày ải ở chốn ngục tù này.
Rời phòng giam đặc biệt, cô hướng dẫn viên dừng lại thật lâu nơi học chính trị và học tập văn hóa của các chiến sĩ cách mạng. Việc học tập trong tù rất khó khăn, mạo hiểm. Để phù hợp điều kiện sinh hoạt trong tù, lớp học phải tổ chức gọn nhẹ, mỗi tổ từ 10-25 người, giáo viên đồng thời là tổ trưởng. Phương pháp dạy và học là giáo viên nêu một vài câu hỏi để các tổ chuẩn bị trước, sau đó thảo luận. Kết thúc buổi học, giáo viên tóm tắt và nhấn mạnh những điều cần lưu ý, đồng thời mở rộng thêm kiến thức. Các tài liệu giảng dạy do các đồng chí Tô Hiệu, Lê Thanh Nghị, Trần Đình Long soạn thảo, được viết trên tờ giấy nhỏ (giấy cuốn thuốc lá) để dễ cất và dễ thủ tiêu khi có nguy cơ bị phát hiện.
Nhà tù Sơn La đã hai lần bị bắn phá nên không còn nguyên vẹn như xưa. Để giáo dục truyền thống, di tích Nhà tù Sơn La đã được phục dựng lại. Hằng năm, Nhà tù Sơn La đón tiếp hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến thăm. Tận mắt chứng kiến, tận tai nghe giới thiệu về những chứng tích của Nhà tù Sơn La, về tội ác của thực dân Pháp, chúng tôi đã không cầm được nước mắt. Hình ảnh căn hầm tối với những sàn xi măng lạnh lẽo, những dụng cụ tra tấn, nơi bêu đầu chiến sĩ cách mạng, sự khắc nghiệt về chế độ ăn, ở công việc khổ sai hằng ngày mà thực dân Pháp đối xử với tù nhân Nhà tù Sơn La… cứ ám ảnh chúng tôi.
Trước khi rời ngọn đồi Khau Cả, tôi không quên "chào" cây đào Tô Hiệu. Cây đào xanh tốt, một vài hoa nở muộn khoe sắc trong nắng chiều.
Nguyên Anh
Ý kiến bạn đọc