Chuyện về Anh hùng Phạm Huy Nghệ
Sau cuộc hẹn qua điện thoại, tôi đã gặp được ông, một thiếu tá về hưu - người từng tham gia nhiều chiến dịch, tiêu diệt nhiều căn cứ địch ở chiến trường miền Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ.
Ông là Phạm Huy Nghệ (hiện đang cư trú tại thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na huyện Krông Ana), một trong hai Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân đang được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk chi trả chế độ trợ cấp hằng tháng.
Đồng đội ơi!
Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, rộng chừng 60m2, thứ mà ông Nghệ quý nhất là những tấm huân, huy chương và khung ảnh rộng lưu giữ kỷ niệm với đồng đội, về những lần gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước được treo ở vị trí trang trọng nhất trong căn nhà.
Nhấp ngụm trà, ông Nghệ trải lòng: “Ngày 18-4, tôi ở nhà cả ngày theo dõi phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những vấn đề đại biểu Quốc hội các địa phương nêu và phần trả lời của Bộ trưởng về giải pháp rà soát, giải quyết chế độ chính sách đối với người có công, đặc biệt là những hồ sơ còn tồn đọng rất thỏa đáng. Nhưng cũng còn chút bùi ngùi khi chiến tranh đã lùi xa 42 năm nhưng hiện vẫn còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sỹ đang nằm rải rác ở các nơi chưa được quy tập”.
Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Phạm Huy Nghệ cùng cháu nội. |
Ông Nghệ cho biết, cách đây hơn 10 năm ông trở về chiến trường Sài Gòn - Gia Định để tìm kiếm hài cốt những đồng đội hy sinh do chính tay ông chôn cất. Vùng đất lửa ngày ấy giờ đã đổi khác, dù là lính đặc công có tài tìm dấu vết nhưng ông không sao nhớ nổi vị trí chôn cất ngày xưa. Và lần thứ hai ông trở lại nơi này để tìm hài cốt anh trai (nhập ngũ năm 1965, hy sinh năm 1969), nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy. “Với những người lính trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cảm xúc vào những ngày tháng Tư thật khó tả. Trong niềm hân hoan ấy, vẫn còn canh cánh một nỗi niềm. 42 năm đất nước thanh bình, hơn 48 năm anh tôi nằm lại chiến trường Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Hành trình tìm hài cốt đồng đội, tìm hài cốt anh tôi vẫn còn gập ghềnh lắm. Đồng đội ơi!”, giọng ông chùng xuống.
Xốc vác từ chiến trận đến thời bình
Ông Nghệ sinh năm 1954 tại thôn Minh Hồng, xã Liên Giang, huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình). Năm 16 tuổi ông xung phong vào bộ đội thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 305, Bộ Tư lệnh Đặc công. Sau khóa huấn luyện tại Suối Hai - Ba Vì, đầu năm 1971 ông cùng đồng đội vượt Trường Sơn ròng rã 4 tháng vào mặt trận Đông Nam Bộ. Có mặt ở Bình Phước, ông được biên chế về Đoàn 27, đơn vị đảm nhận các mục tiêu lớn như tổng kho Long Bình, sân bay Biên Hòa và các khu căn cứ quân sự ở Bình Dương, Lai Khê, Phước Vĩnh, Trường sĩ quan Long Thành, căn cứ biệt kích Yên Thế… phía bắc Sài Gòn - Gia Định. Ông Nghệ chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ cho đến khi kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau ngày giải phóng, ông Nghệ về làm quân quản ở cư xá Kiến Thiết - Thủ Đức, sau được Nhà nước cử sang Bungari học lớp lái máy gặt đập liên hợp. Năm 1978, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Ngày về hưu ông mang quân hàm thiếu tá, là Phó Chỉ huy tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Ana. Nghỉ hưu theo chế độ, ông Nghệ được cấp ủy Đảng, đảng viên bầu giữ cương vị Bí thư Chi bộ thôn Quỳnh Ngọc (xã Ea Na, huyện Krông Ana) từ năm 2005 đến nay. Ông Nghệ tâm sự: “Đời quân ngũ, tôi chủ yếu học đánh, đấm, đá, hô, hét, còn quản lý về mặt xã hội hoàn toàn mới mẻ, do đó tôi đã gặp không ít khó khăn. Trăn trở, suy nghĩ đến mất ngủ, sau đó tôi quyết định “học” từ việc nhỏ nhất. Tôi xuống tận ruộng xem từng vạt lúa, tìm hiểu từ khâu làm đất, sạ hạt, bón phân, quản lý dịch hại, đến chăm sóc, thu hoạch; đến tận mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi để học tập kinh nghiệm… có như vậy nói bà con mới nghe”.
Ông Nghệ (bìa phải) đang trao đổi với cán bộ thôn Quỳnh Ngọc (xã Ea Na) về việc rà soát để lập danh sách các hộ bị thiệt hại do hạn hán. |
Nhờ sự gần dân, hiểu dân của Bí thư Chi bộ Phạm Huy Nghệ, từ năm 2010 đến nay, Chi bộ thôn Quỳnh Ngọc liên tục đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”; năm 2012 đạt danh hiệu “Thôn Văn hóa”; năm 2012 và 2013, thôn được báo cáo điển hình tại huyện về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; năm 2016 thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm; Quỳnh Ngọc là một trong những thôn đứng đầu xã về mọi mặt.
Ghi chép của Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc