Mùa Xuân toàn thắng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử đất nước. Mốc son đó vẫn như thắp lửa trong trái tim của mỗi người Việt Nam hôm nay…
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta diễn ra trong gần hai tháng (58 ngày đêm, từ ngày 4-3-1975 ta mở Chiến dịch Tây Nguyên đến ngày 30-4-1975 Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng), với tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm”, gồm ba đòn tiến công chiến lược lớn: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị khẳng định: “Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam” (1), quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trận quyết chiến chiến lược diễn ra từ ngày 26-4 đến 30-4-1975 đã giành thắng lợi hoàn toàn, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc, Tổ quốc được độc lập, thống nhất.
Để giành được thắng lợi to lớn, trọn vẹn này, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân và các lực lượng vũ trang đã gắn kết thành một khối đoàn kết dân tộc thống nhất vững bền, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức mạnh, trí tuệ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh, chiến đấu anh dũng, kiên cường, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, đánh thắng địch từng bước, giành thắng lợi từng phần, cuối cùng đánh bại hoàn toàn chủ nghĩa thực dân.
Xe tăng quân giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu |
Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta những bài học lịch sử giá trị, trong đó có bài học về huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Như lời Đại tướng Văn Tiến Dũng trả lời với các học giả phương Tây: “Một lần nữa tôi muốn nói rằng nguồn gốc mọi thắng lợi của chúng tôi là sức mạnh của cả một dân tộc vùng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình trong thời đại ngày nay. Và Ban lãnh đạo chúng tôi biết khai thác, biết phát huy tất cả những sức mạnh đó để chiến thắng” (2). Sau này, trong tác phẩm “Giải phẫu một cuộc chiến tranh” xuất bản tại New York (Mỹ) năm 1985, Giáo sư sử học, Tiến sĩ triết học Mỹ Gabriel Kolko đã chỉ ra nguyên nhân tạo nên sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến chống xâm lược, được khơi dậy từ “Đường lối quần chúng và sự động viên của Việt Nam dân chủ cộng hòa tỏ ra là một phương pháp rất có hiệu quả…”. Ông rút ra nhận xét: “Ngoài những chiều cạnh về thể chất và về quân sự rất đặc biệt của Việt Nam, kẻ thù đó của Mỹ còn có những vốn quý về chính trị và về tri thức rất nguy hiểm cho Mỹ bởi vì phương pháp luận sáng tạo của cách mạng có thể áp dụng không phải chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi khác nữa. Mỹ đã chọn nhầm một nước để thử lòng tin của mình” (3). Chiến thắng 30 Tháng 4 đã khẳng định chân lý: “Bất kỳ một quốc gia nào, dù có hùng mạnh đến đâu, nếu dùng bạo lực để áp đặt ý chí của mình lên dân tộc khác thì cuối cùng nhất định thất bại” (4). Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, Hội đồng hòa bình thế giới đã ca ngợi : “Hai tiếng Việt Nam luôn luôn cổ vũ, động viên tất cả các dân tộc tiến bộ trên thế giới” (5).
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước ta bước vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh và đã giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Xây dựng chế độ mới của dân, do dân và vì dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới và biển đảo quốc gia và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Đặc biệt sau hơn 30 năm (1986 - 2016) đổi mới đất nước, tăng trưởng kinh tế luôn ở mức rất cao, bình quân tăng trưởng 6,6% một năm, có năm đạt trên 8,4%... Thu nhập bình quân đầu người từ chỗ chỉ 100 USD trước Đổi mới, giờ đã tăng lên trên 2.109 USD. Giai đoạn 30 năm đổi mới là một kỳ tích, có ý nghĩa lịch sử quan trọng với sự phát triển của đất nước. Cũng có những vấp váp, khó khăn nhưng Việt Nam đã đi đúng hướng khi tinh thần xuyên suốt là “đổi mới hay là chết”. Và cũng nhờ độc lập, tự chủ về kinh tế nên đến nay đất nước đã có vị thế quan trọng trong khu vực và thế giới.
42 năm đã trôi qua, kể từ Chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, đất nước Việt Nam liền một dải, đang vươn lên, hội nhập cùng với bạn bè quốc tế. Một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ, vươn tới giàu mạnh. Tư tưởng, đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã từng bước được thể chế hoá thành pháp luật, cơ chế, chính sách. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đưa Việt Nam vươn lên và đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chú thích:
(1)-Bộ Quốc phòng, Viện lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, Tập IX trang 56.
(2)- Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Cơ Thạch: Vì sao Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Nxb, Sự thật, H.1986, tr.48.
(3)-Ga-bri-en Côn-cô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb Quân đội nhân dân, H.2003, tr.313; 204.
(4)-Bài tham luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội thảo khoa học: Đại thắng mùa Xuân 1975 - Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam đăng trên Tạp chí Xưa và Nay, số tháng 4/2005.
(5)-Thế giới ca ngợi thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, Nxb Sự thật, H.1977, tr.92, 106, 116, 170, 231, 275, 278, 291, 292.
Nguyễn Văn Thanh
Ý kiến bạn đọc