Có một Điện Biên Phủ trong lòng mỗi người
63 năm đã qua, nhưng ký ức hào hùng về chiến thắng vang dội Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Vẫn còn đó những chiến tích 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…” mỗi khi đến với thành phố Điện Biên chúng ta đều không thể bỏ qua.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ (nằm trên đồi D1) được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 2004). Trong số rất đông du khách đang chăm chú lắng nghe hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về Tượng đài, tôi đặc biệt chú ý một bác lớn tuổi trong bộ quân phục sờn màu đang tựa vào vai một người trẻ tuổi hơn, thỉnh thoảng lại đưa tay lau nước mắt. Bác là Đặng Văn Đậu - chiến sĩ Điện Biên đang cùng với một số hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam) trong chuyến thăm lại chiến trường xưa. Bác Đậu bồi hồi xúc động: “Tôi ở tiểu đoàn hỏa lực 392 thuộc Trung đoàn pháo cao xạ 367. Đầu năm 1953, nhận được lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đơn vị tức tốc đưa pháo cao xạ từ Tân Dương (Trung Quốc) về nước tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Bác Đậu đã 90 tuổi nên không thể chia sẻ nhiều về “một thời hoa lửa” ở chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng qua ánh mắt, cử chỉ chúng tôi biết bác đang “sống lại” cùng ký ức “Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn”. Ông Đỗ Mạnh Cường cựu chiến binh tham gia chiến đấu tại chiến trường Lào - người đang dìu bác Đậu nói: “Bác Đậu cứ nằng nặc đòi về thăm chiến trường xưa. Suốt chặn đường từ tỉnh Hà Nam lên Điện Biên ai cũng lo lắng cho sức khỏe của bác. Nhưng thật kỳ lạ xe ôtô vừa đến thành phố Biện Biên bác khỏe lên hẳn và muốn đến thăm một số nơi như: Đồi A1, Hầm Đờ Cát, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, cầu Mường Thanh, sông Nậm Rốm...”.
Gia đình cựu chiến binh Vũ Hữu Hóa (Vũ Thư, Thái Bình) đến thăm Hầm Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. |
Điện Biên giữa tháng 3 đẹp mê lòng người bởi màu trắng hoa ban. Trong chuyến cầu siêu cho hương hồn, vong linh của các Anh hùng liệt sỹ, bà Phạm Thị Hoa, pháp danh Diệu Hồng (phường Cẩm Đông, thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) đã đến thăm đồi A1. Bà Hoa cho biết, cách đây 4 năm, Tĩnh độ đạo tràng phường Cẩm Đông đã đến thành phố Điện Biên cầu siêu cho hương hồn, vong linh của các Anh hùng, liệt sỹ và nhân kỷ niệm 63 năm chiến thắng Điện Biên 20 đạo tràng tiếp tục trở lại để cầu siêu. Cũng như lần đến trước, bà Hoa tham quan rất kỹ hệ thống giao thông hào, hố bộc phá 960 kg, đồi Chiến Công trên đỉnh đồi A1… để cảm nhận rõ khí phách đấu tranh ngoan cường của dân tộc Việt Nam. Bà Hoa cũng không quên đến xem lô cốt Cây Đa Cụt, hầm chỉ huy được xây dựng kiên cố, xe tăng... của Pháp.
Khách tham quan chụp hình lưu niệm trước hố bộc phá 960 kg trên đồi A1. |
Bà Hoa chia sẻ: “Sau 4 năm trở lại Điện Biên, tôi rất ngỡ ngàng khi thấy di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ ngày càng được đầu tư tôn tạo, khang trang hơn, xứng tầm với giá trị vốn có. Mỗi lần đến đây tôi lại tự hào về tài mưu lược, tinh thần quả cảm, sự gan dạ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đúng như một vài tờ báo phương Tây đã bình luận, chỉ với chiếc xẻng và cái cuốc cầm tay, quân đội Việt Minh đã đào hàng trăm ki-lô-mét đường hào để chiến đấu và bao vây quân Pháp”.
Không riêng bà Phạm Thị Hoa, cựu chiến binh Đỗ Mạnh Cường, gia đình cựu chiến binh đường dây 559 Vũ Hữu Hóa (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) - chúng tôi gặp ở Hầm Đờ Cát, em Mào Thị Hà, học sinh lớp 9, Trường THCS Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) gặp ở Bảo tàng Điện Biên Phủ mà nhiều người dân Việt Nam mỗi khi tham quan di tích chiến trường Điện Biên Phủ đều được sống lại một thời quá khứ oanh liệt, hào hùng của 63 năm về trước.
Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại mãi mãi xứng đáng với tầm vóc lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc