Ghi trên đồi A1
Trong chuyến công tác vùng Tây Bắc, điều may mắn với tôi là được đặt chân đến Điện Biên. Và chỉ vài tiếng có mặt tại đồi A1, ấn tượng trong tôi thật khó phai.
Nhắc đến Điện Biên, không thể không nhắc tới những địa danh gắn với những trận chiến lịch sử được nhiều người biết đến như Mường Thanh, khu trung tâm đề kháng Him Lam, Hồng Cúm, căn cứ địa Mường Phăng… Trong số đó, đặc biệt ấn tượng là đồi A1, nơi đã diễn ra trận chiến lịch sử kéo dài 36 ngày đêm. Nhiều người cho rằng, đến thăm đồi A1 là đến với “quả đồi chiến công”, bởi đây là một trong rất nhiều địa danh tỏ rõ khí phách đấu tranh ngoan cường của dân tộc Việt Nam. A1 thuộc dãy đồi phía Đông cùng với C1, C2, D và E tạo thành bức tường thành vững chắc che chở cho phân khu trung tâm, là điểm cao cuối cùng trực tiếp che chở cho Sở chỉ huy quân Pháp và được ví như “chìa khóa” của cả tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vì vậy, quân Pháp đã sử dụng mọi biện pháp có thể để giữ cao điểm này. Thế nhưng sau nhiều trận chiến vô cùng ác liệt, bằng sự kiên cường của mình, đến 4 giờ sáng ngày 7-5-1954 Quân đội nhân dân Việt Nam đã chiếm được đồi A1.
Hầm chỉ huy kiến cố nhất của quân Pháp trên đỉnh đồi A1. |
Đồi A1, điểm quyết chiến chiến luợc giữa ta và địch, từ sau ngày giải phóng đã trở thành một trong những di tích của quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Di tích đồi A1 được bảo tồn và tu bổ, đến nay nhiều hạng mục tiêu biểu đã được khôi phục gần như nguyên vẹn nhằm tái hiện một phần cục diện cuộc chiến năm 1954 như hầm chỉ huy cứ điểm và hầm đại liên trên đỉnh đồi, lô cốt cây đa cụt ụ thằng người, hầm chỉ huy, hố bộc phá và đường hầm đặt bộc phá, hào lộ thiên… Trên cái nền chiến thắng vang dội làm chấn động địa cầu giờ đây đồi A1 dường như đã trở thành bất tử khi trở thành điểm đến của biết bao thế hệ đi sau.
Dưới tán hoa ban cuối mùa rực rỡ, mảnh đất bị bom đạn cày xới năm xưa hoa lạc vàng nở sáng bừng, từng đoàn du khách nối chân nhau tìm về lịch sử. Hòa trong đoàn người ấy, những cô cậu trong bộ đồng phục học trò bỗng dưng nổi bật bởi sự ồn ào của lứa tuổi "trẻ trâu". Chúng thật vô tư, nhảy chân sáo bên miệng hầm chỉ huy của quan Pháp năm xưa, tò mò đi quanh chiếc xe tăng Bazeille của Pháp bị quân ta tiêu diệt sáng 1-4-1954, trầm trồ trước hố bom dấu tích trận nổ khối bộc phá nghìn cân của quân ta hay lặng mình dâng những nén nhang thơm trước mộ của 4 chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh rạng sáng 1-4-1954. Đứng nhìn lũ trẻ nô đùa, chị Lò Thị Xuân – nhân viên Bảo tàng Điện Biên Phủ chia sẻ, đám học trò trông thì nghịch ngợm vậy, nhưng hầu như tất cả đều rất ý thức với những hiện vật ở đây. Đúng như chị Xuân nói, đang vui đùa là vậy, nhưng cứ đến mỗi bảng thuyết minh, những mái đầu xanh lại chụm vào nhau chăm chú đọc. Đọc để biết, đọc để hiểu được sự vất vả, gian khổ cũng như tinh thần anh dũng, quả cảm của các chiến sỹ năm xưa mới có được sự độc lập, tự do ngày hôm nay.
Cũng thật may mắn, ngay dưới chân đồi A1, chúng tôi gặp được Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ Vũ Thị Tuyết Nga khi chị vừa giới thiệu về di tích này cho một đoàn du khách. Mồ hôi còn đang lấm tấm trên gương mặt, nhưng chị vẫn hào hứng chia sẻ về quần thể Di tích Điện Biên Phủ, trong đó có đồi A1. Ấn tượng về sự nhiệt tình, lại ấn tượng hơn khi ở người phụ nữ nhỏ bé ấy đang ấp ủ nhiều băn khoăn, dự định trong tương lai để bảo tồn và phát huy giá trị của những di tích lịch sử. Quá khứ hào hùng oanh liệt của cha ông đang được lớp lớp thế hệ trẻ Điện Biên hôm nay trân trọng và phát huy để xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu đẹp…
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc