Multimedia Đọc Báo in

Hồi ức của một cựu thanh niên xung phong Điện Biên Phủ

15:13, 28/05/2017

Năm nay đã 87 tuổi nhưng cựu thanh niên xung phong (TNXP) Võ Thị Châu (thôn 10, xã  Ea Ktur, huyện Cư Kuin) còn rất nhanh nhẹn, minh mẫn. Những lúc quây quần bên con cháu, bà Châu thường kể về một thời hào hùng trong kháng chiến chống Pháp. 

Tháng 10-1951, khi vừa tròn 21, bà Võ Thị Châu (xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) cùng với thanh niên trong xã tình nguyện tham gia TNXP hoạt động tại đường 7B (Nghệ An). Năm 1953, thực dân Pháp điên cuồng tăng cường cho trận địa Điện Biên Phủ nhằm dập tắt ý chí chiến đấu của quân và dân ta. Trước tình hình đó, đoàn TNXP huyện Nam Đàn được tăng cường lên Điện Biên Phủ. 

Ở chiến trường Điện Biên Phủ, ngày nào địch cũng cho máy bay đánh phá. Mỗi ngày không biết có bao nhiêu đất, đá lấp xuống đường nhưng lực lượng công binh, TNXP, dân công luôn lao động khẩn trương với nỗ lực cao nhất. Một tổ TNXP được cấp 2 cái xà beng, mỗi lần kéo pháo tới những đoạn khó khăn, gập gềnh, toàn đội TNXP phải ghép 20 xà beng chèn trước bánh của pháo rồi lót đá, từ đằng sau 10 đến 15 người đẩy pháo qua đèo... Bà Châu bồi hồi nhớ lại: “Chiến trường khốc liệt chỉ có gạo ẩm với muối rang, có đêm phải vào rừng đào củ mài; ở rừng vắt cắn, muỗi vàng đốt... Tuy khốc liệt, gian khổ nhưng vào ngày lễ, tết, trong rừng sâu, giữa khói bom, lửa đạn, vẫn rộn vang tiếng hát, điệu múa, các trò chơi như thi nấu cơm, kéo co, văn nghệ...”.

Bà Võ Thị Châu (thứ 2 từ phải sang) ôn lại kỷ niệm xưa với đồng đội.
Bà Võ Thị Châu (thứ 2 từ phải sang) ôn lại kỷ niệm xưa với đồng đội.

Dừng câu chuyện một lúc, bà Châu  xúc động khi đọc lại bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu: Chiến sĩ anh hùng/Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn!.., như khẳng định thêm tinh thần kiên cường, anh dũng của những TNXP tham gia bảo đảm giao thông, vận chuyển lương thực, vũ khí làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi vang vọng trong tâm thức bao thế hệ. 

Bà Châu kể: “Chúng tôi được lệnh ở vòng ngoài vận chuyển lương thực, đạn, súng cho các chiến sĩ trong trận địa. Chiến trường bom đạn rền như mưa giông, nhưng anh chị em không hề nao núng. Tôi còn nhớ như in, ngày 7-5-1954, nghe tin chúng ta chiến thắng, tôi vui quá trèo lên khỏi hào cầm lá cờ Tổ quốc cùng mọi người reo vang: Hồ Chủ tịch muôn năm, Việt Nam độc lập”.

Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, đội TNXP của bà Châu có nhiệm vụ ở lại thu dọn chiến trường, đến tháng 8-1954 mới được lệnh trở về địa phương. “Sáng hôm đó, mọi người tập trung tại sân bóng xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, đội TNXP được ưu tiên xếp hàng đầu tiên. Lúc này mọi người mới nhận được thông tin là Bác Hồ đến thăm. Khoảng 9 giờ thì thấy một đoàn xe đi tới và chúng tôi cùng reo vang “Bác Hồ”...  Bác mặc bộ áo cánh vải bạc màu, đi dép cao su. Bác hỏi thăm từng người, căn dặn và động viên mọi người phải đoàn kết, học tập tốt phục vụ nước nhà, phục vụ nhân dân.... Lần gặp Bác Hồ duy nhất đó là một vinh dự lớn mà tôi nhớ mãi”, bà Châu tự hào nói. 

Nhớ lời căn dặn của Bác, cựu TNXP Võ Thị Châu luôn giữ vững và phát huy bản lĩnh cách mạng, nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp tục công tác, lao động sản xuất, nuôi dạy con cháu trưởng thành. 

Ông Lê Đắc Đồ, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Lào huyện Cư Kuin cho biết: “Bà Châu đã lớn tuổi, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống; người con trai út lại vừa qua đời vị bạo bệnh. Bà Châu được tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công… nhưng các giấy tờ trên đã bị thất lạc. Hiện chúng tôi đang cố gắng xác minh để làm lại hồ sơ nhằm giúp bà sớm được hưởng chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng”. 

Nguyễn Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.