Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975): Chứng tích một thời gian khổ, hào hùng (Kỳ 1)
Ngày 19-5-2017, tại huyện Krông Bông sẽ diễn ra Lễ đón Bằng công nhận Di tích quốc gia đối với Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL). Đây là sự tri ân, vinh danh những hy sinh xương máu của bao người đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Kỳ 1: Ký ức không thể nào quên
Từng tham gia chiến đấu và bám trụ tại Khu căn cứ kháng chiến Đắk Lắk (1965 – 1975), nhiều người còn sống đến nay vẫn không bao giờ quên những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy. Những bậc lão thành cách mạng như cụ Huỳnh Văn Cần, Ama Thương, Ama Oanh, Lê Chí Quyết, Châu Khắc Chương cùng nhiều người khác đều có chung một niềm tin, lòng tự hào mà nói rằng: Đó là một thời gian khổ, nhưng rất đỗi hào hùng. Dù đói cơm, lạt muối nhưng đồng bào các dân tộc nơi đây vượt lên tất cả, kiên trung bảo vệ “đầu não” cách mạng này để trực tiếp chỉ đạo phong trào kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Xác định cắm mốc địa điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ V tại buôn H'Ngô - xã Hoà Phong. |
Những sự kiện, bước ngoặt lịch sử liên quan đến khu căn cứ được các cụ nhớ lại: Để thống nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng trong toàn tỉnh, tháng 10-1965, Khu ủy khu V quyết định hợp nhất B3 và B5 (từ 4 đơn vị được chia tách trước đó) thành tỉnh Đắk Lắk. Sau khi hợp nhất, Cơ quan Tỉnh ủy Đắk Lắk cùng các ban, ngành và lực lượng vũ trang được chuyển về cánh Nam, lấy địa bàn Krông Bông làm trung tâm. Từ đó từng bước xây dựng khu căn cứ ngày càng vững chắc, lớn mạnh, nối với các vùng - từ Cheo Reo - Phú Bổn đến Cư Jú - Dliê Ya, Krông Nô - Lắk và Đức Lập- Đắk Min nhằm củng cố và mở rộng vùng giải phóng.
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III tổ chức vào đầu tháng 7-1966 tại xã Cư Pui, phong trào đấu tranh “toàn dân, toàn diện” được đẩy mạnh rộng khắp, không những ở Krông Bông mà còn lan ra sôi sục từ Lạc Thiện, Yang Ré, Yang Sơn… cho đến Buôn Ma Thuột. Đặc biệt, đáng nhớ nhất là vào đêm 29-1-1968, một cuộc đấu tranh chính trị được tập hợp, tổ chức quy mô và rầm rộ tại các xã Khuê Ngọc Điền, Phước Trạch, buôn Lum, H’Ngô, M’nang Dơng, Đắk Tuôr, Cư Đrăm (Krông Bông) khiến kẻ thù phải lùi bước trước âm mưu “bình định” vùng căn cứ này. Tiếp đó, sáng ngày 30-1-1968, sau khi lực lượng vũ trang của ta nổ súng tấn công đồng loạt các mục tiêu ở thị xã Buôn Ma Thuột, quân và dân vùng căn cứ đã phối hợp cùng nhau tiếp ứng đấu tranh trên các mặt quân sự, chính trị và dân vận…làm cho hệ thống chính quyền Mỹ - Ngụy nhiều nơi chao đảo, mất phương hướng và rệu rã từng phần, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Cụ Ama Thương cắm biển đánh dấu địa điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III năm 1966 tại xã Cư Pui. |
Sau Tết Mậu Thân, địch điên cuồng mở những cuộc hành quân vây ráp, càn quét vào buôn Đắk Tuôr, H’Ngô, Khuê Ngọc Điền… gây tổn thất nặng nề cho quân và dân trên địa bàn. Lực lượng của ta lúc bấy giờ - cả bộ đội lẫn bà con dân tộc phải lên núi, vào hang đá Đắk Tuôr trú ẩn. Củ nưa, củ chuối, măng rừng thay cơm, cùng nhau đùm bọc để giữ vững tinh thần chiến đấu, bảo vệ đến cùng khu căn cứ. Tháng 4-1969, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV được tổ chức tại buôn M’nang Dơng – xã Yang Mao. Nhiệm vụ cấp bách được đề ra là tranh thủ mọi khả năng, lực lượng sẵn có để củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, quân sự, vũ trang trên toàn vùng, sẵn sàng đập tan âm mưu “chiếm đất, giành dân” của kẻ thù. Các cụ Lê Chí Quyết, Ama Thương và Ama Oanh nhớ lại: Thời kỳ này, cùng với việc phát triển mạnh mẽ chiến tranh du kích để “ghìm” chân kẻ thù, phong trào “thực túc binh cường” cũng được phát động sôi nổi và rộng rãi. Mỗi khi tình hình chiến sự lắng xuống, quân và dân vùng căn cứ tranh thủ canh tác, sản xuất và tích trữ lương thảo. Các binh trạm trên các tuyến hành lang từ buôn Khóa xuống Khánh Hòa và từ Đắk Min sang Lắk, vào Khuê Ngọc Điền được củng cố, giữ vững nhằm bảo đảm việc vận chuyển vũ khí, lương thực vào vùng căn cứ phục vụ kháng chiến.
Tháng 10-1971, Đảng bộ tỉnh mở Đại hội lần thứ V tại buôn H’Ngô - xã Hòa Phong nhằm đưa phong trào đấu tranh cách mạng lên tầm mức mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn chiến trường đặt ra. Từ căn cứ Krông Bông, lực lượng vũ trang đã tiến ra chiếm lĩnh các chiến trường trọng yếu phía Bắc như Cheo Reo, Buôn Hồ, Krông Pa và con đường huyết mạch 21 nối Phú Yên với vùng Đông – Bắc Đắk Lắk nhằm cô lập dần các khu quân sự, hành chính của Mỹ - Ngụy trên địa bàn, giành thế chủ động tấn công địch để cùng với các chiến trường khác ở khắp miền Nam nổi dậy đấu tranh góp phần giúp cho việc đàm phán tại Hội nghị Paris đi đến ký kết có lợi cho ta. Đồng thời sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương khi chọn Buôn Ma Thuột làm điểm quyết chiến lược mở màn Chiến dịch Tây Nguyên, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
(Còn nữa)
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc