Multimedia Đọc Báo in

Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975): Chứng tích một thời gian khổ, hào hùng (Kỳ 2)

08:49, 17/05/2017

Những người từ cuộc chiến bước ra cho rằng, Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975) xứng đáng là Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia. Bởi đây là trung tâm “đầu não” của cách mạng đã đi vào lịch sử như mốc son chói lọi. 

 Kỳ 2:  Xứng đáng là Khu Di tích lịch sử quốc gia

Trong những năm tháng chiến tranh, khu căn cứ cách mạng này là tấm gương phản ánh trung thực và sinh động sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, mà trực tiếp là Tỉnh ủy đối với các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trên địa bàn Đắk Lắk đập tan mọi âm mưu của kẻ thù, góp phần to lớn và xứng đáng vào công cuộc chống Mỹ cứu nước. Sự tài tình, sáng suốt đó được thể hiện qua tầm nhìn, phân tích và đánh giá tình hình chiến sự để đưa ra những quyết sách kịp thời, phù hợp trong 3 lần Đại hội Đảng bộ tỉnh  diễn ra tại đây. Mỗi lần đại hội được xem là mỗi dấu ấn lịch sử, tạo nên bước ngoặt quan trọng cho từng giai đoạn đấu tranh.      

Các bạn trẻ nghe  kể chuyện kháng chiến tại suối  Đắk Tuôr,  xã Cư Pui.
Các bạn trẻ nghe kể chuyện kháng chiến tại suối Đắk Tuôr, xã Cư Pui.

Trong thời kỳ chống “Chiến tranh cục bộ” của Đế quốc Mỹ (1965 – 1968), quân và dân vùng căn cứ đã vượt qua nhiều gian khổ, ác liệt để giữ vững thế tấn công kẻ thù. Trong đó Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột, làm rối loạn chính quyền Mỹ - ngụy, đưa cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới - chủ động tiến công địch trên khắp các chiến trường…được coi là thắng lợi to lớn và hết sức có ý nghĩa. Từ năm 1969 – 1972, bộ đội và nhân dân các dân tộc vùng căn cứ tiếp tục chiến đấu anh dũng, hy sinh để giữ vững “đầu não” cách mạng, bảo vệ vùng giải phóng, góp phần làm thất bại âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” của thế lực xâm lược. Thời kỳ 1973 – 1975, nơi đây đóng vai trò “bàn đạp” cung cấp sức người, sức của cho chiến trường Đắk Lắk chủ động tấn công kẻ thù trên các mặt quân sự, vũ trang và chính trị… mà đỉnh cao là Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10-3-1975), góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.

 Một đóng góp lớn lao và ý nghĩa nữa của khu căn cứ là nhận lãnh vai trò đầu mối của nhiều tuyến hành lang trọng yếu thuộc hành lang chiến lược Bắc – Nam, Đông – Tây, bảo đảm cho sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đối với chiến trường miền Nam. Đầu mối này còn tạo ra tuyến giao thông liên lạc, vận chuyển vũ khí, đưa – đón cán bộ và bộ đội từ khu V vào miền Đông Nam bộ; tạo cơ sở vật chất, nguồn lực đáng kể giúp đỡ và hỗ trợ cho các tỉnh phía Nam như Quảng Đức, Lâm Đồng đánh giặc.

Cuộc chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, nhưng Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975) vẫn mãi là “địa chỉ đỏ” quan trọng, chứa đựng trong đó truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất và kiên cường của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Có thể nói, trong suốt chặng đường đấu tranh cách mạng ở đây, những tấm gương hy sinh như Má Hai - Huỳnh Thị Hường, anh Bùi Thế Châu, Võ Sanh, Lê Hữu Kiển, Y Ơn, Y Thuyên, H’Lanh… cùng nhiều đồng chí, đồng đội khác đã góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của quân và dân vùng căn cứ trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Đến nay, Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975) được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia là niềm vinh dự, tự hào của chính quyền và nhân dân Đắk Lắk nói chung, huyện Krông Bông nói riêng. Mong rằng, Di tích lịch sử này sẽ nhận được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và toàn xã hội để nhanh chóng tôn tạo, xây dựng thành điểm đến đầy ý nghĩa, mở ra cơ hội cho người dân địa phương, đặc biệt là các cộng đồng người Êđê, M’nông tại chỗ thụ hưởng cũng như chào đón du khách đến tham quan.

Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975) thuộc địa bàn các xã Hòa Phong, Hòa Lễ, Cư Drăm, Cư Pui và Yang Mao – huyện Krông Bông. Hiện Khu di tích được khoanh vùng bảo vệ gồm 2 phân khu chức năng với diện tích 61,5 ha. Khu vực I nhằm tôn tạo, bảo vệ nguyên vẹn địa hình, địa mạo và cảnh quan môi trường theo Luật Di sản. Khu vực II sẽ được xây dựng hệ thống điện, đường giao thông nội vùng và các dịch vụ hỗ trợ nhằm phát huy giá trị của di tích.


Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.