Multimedia Đọc Báo in

Nhớ mùa hoa ban Tây Bắc

14:39, 25/05/2017

Điện Biên là xứ sở của hoa ban, là cái nôi của 21 dân tộc cùng sinh sống. Với bản sắc văn hóa các dân tộc phong phú, truyền thống lịch sử hào hùng, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tỉnh Điện Biên là điểm đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Chúng tôi đến thành phố Điện Biên sau Lễ hội hoa ban năm 2017 vài ngày (tổ chức vào trung tuần tháng 3). Dù không được hòa mình trong không khí của lễ hội, nhưng núi rừng Tây Bắc đã không “bạc đãi” khách phương xa. Trên các cung đường từ tỉnh Lào Cai, qua Lai Châu, đến Điện Biên, núi rừng Tây Bắc bao phủ bởi một màu trắng muốt của hoa ban.

Hoa ban nở
Hoa ban nở khắp bản làng. 

Bất chấp cái nóng bỏng rát của những ngày đầu hè, vừa đến thành phố Điện Biên Phủ chúng tôi “lao vội” ra đường Võ Nguyên Giáp, khu vực đồi A1, đồi D1 để ngắm, để nâng niu những cánh hoa ban mỏng manh, e ấp. Sáng hôm sau, khi thành phố Biện Biên Phủ còn chìm sâu trong giấc ngủ, chúng tôi leo 320 bậc của đường chính dẫn lên Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (nằm trên đồi D1) để chiêm ngưỡng hoa ban trong ánh bình minh.

Một đồng nghiệp hiểu “nỗi lòng” của người Tây Nguyên ra thăm Tây Bắc đã đưa chúng tôi đến một quán cà phê trên đường Điện Biên Phủ (phường Mường Thanh) - nơi có nhiều hoa ban đang bung lụa trắng muốt. Vừa nhâm nhi ly cà phê Arabica Mường Ảng - Điện Biên nổi tiếng, chị kể cho chúng tôi nghe sự tích tình yêu miền Tây Bắc: “Mỗi loài hoa đều bắt nguồn từ những câu chuyện tình yêu. Yêu nhau nhưng không đến được với nhau, họ thà chết chứ không chịu khuất phục. Từ đó, mỗi khi xuân về, hoa ban nở trắng núi rừng, trai gái các tỉnh Tây Bắc lại rủ nhau đi hội chơi núi, ca hát, múa xòe, bày tỏ tình yêu đôi lứa, như muốn có được tình yêu chung thủy như đôi Ban - Khum trong truyền thuyết hoa ban”.

Chúng tôi đến thăm Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, khác với không gian tĩnh lặng lúc tờ mờ sáng, lúc này có nhiều đoàn khách là cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong mặt trận Điện Biên Phủ. Cũng như chúng tôi, các đoàn đến đây để thăm một công trình văn hóa, nghệ thuật mang đậm giá trị lịch sử, tính nhân văn và tâm linh sâu sắc, tôn đúng tầm ý nghĩa to lớn về một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, và còn để ngắm hoa ban.

Cựu chiến binh Đặng Văn Đậu (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) từng tham gia chiến đấu ở cứ điểm đồi A1 tâm sự: “Đã 63 năm qua đi, những bên tai tôi vẫn văng vẳng lời ca sôi động hùng tráng Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa hoa nở. Như có một cái gì đó thôi thúc, cứ mỗi độ xuân về, tôi lại muốn trở lại Điện Biên để sống lại một thời kỳ lịch sử gian khó nhưng tràn đầy oai hùng, để được ngắm hoa ban nở trên bờ sông Nậm Rốm, Nậm Na, hoa ban nở thành rừng hoa ở khu vực đèo Pha Đin, khu chỉ huy Mường Phăng”.

Hoa ban bên sườn núi Điện Biên.
Hoa ban bên sườn núi Điện Biên.

Ở Biện Biên chưa đến 2 ngày, chúng tôi được thỏa thuê thưởng lãm hoa ban, được thưởng thức các món ăn chế biến từ loài hoa này: canh hoa ban hầm móng giò, hoa ban xào và hoa ban hấp nộm, đặc biệt lá ban đồ, chấm với chẩm chéo hay chéo pá với vị đăng đắng, hậu ngọt lẫn lộn đến khó quên.

Một lần đến Điện Biên - vùng đất được mệnh danh là "Mường Trời" đã để lại ấn tượng đặc biệt cho chúng tôi không chỉ có các điểm di tích, các điểm du lịch sinh thái mà là sự thân thiện, hiếu khách và cả những chùm hoa ban trắng hoặc phơn phớt hồng tím trên các sườn núi và ngay trong lòng thành phố.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.