Multimedia Đọc Báo in

Ấn tượng từ tờ báo xuất bản tại mặt trận

14:12, 26/06/2017

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi rất ấn tượng với gian trưng bày những ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân có dòng chữ “Xuất bản tại mặt trận”.

Hơn 60 năm đã trôi qua, thời gian đã phôi pha nét mực, ngả màu trang giấy, nhưng lần theo từng bài báo, từng dòng chữ vẫn hiện lên tươi mới, sống động, cuốn theo sự kiện ngày càng dồn dập của chiến dịch Điện Biên Phủ, nhất là với những số báo ra hàng ngày trong dịp cao điểm mở màn chiến dịch từ 13-3 đến 20-3-1954. Như số báo 131 ra ngày 14-3 tường thuật sinh động trận đánh mở màn trên đồi Him Lam ngày 13-3, rồi liên tục các số báo ra hàng ngày sau đó nóng hổi các sự  kiện, diễn biến chiến sự …

Trong suốt 33 số báo xuất bản tại mặt trận, thông tin không chỉ được đưa kịp thời, đầy đủ mà còn được thể hiện dưới nhiều góc độ, hình thức phong phú, đặc biệt trình bày theo chuyên mục (CM) khá ngắn gọn, súc tích, dễ theo dõi, phù hợp với bối cảnh chiến sự khẩn trương cũng như nhu cầu của bộ đội và dân công lúc bấy giờ. Đơn cử như các CM Chính luận,  Bình luận quân sự, Giáo dục chính trị tư tưởng... Chiếm diện tích đáng kể trên trang báo là mục Phổ biến trao đổi kinh nghiệm chiến đấu, phục vụ chiến đấu với những nội dung cụ thể, sống động: nhật ký chiến trường, gương chiến đấu dũng cảm, gương kiện tướng thồ hàng, kinh nghiệm đào giao thông hào, làm công sự, bắn tỉa, đoạt dù; phóng sự về tình hình sức khoẻ, đời sống tinh thần bộ đội ở ngoài mặt trận, tình hình tiếp lương tải đạn của dân công, hậu cần. Mục Văn hoá, văn nghệ cũng đủ thể loại: thơ ca, hò vè, tranh đả kích …

Ấn phẩm báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận được trưng bày ở Bảo tàng Chiến thắng lịch sử  Điện Biên Phủ.  Ảnh: G. Nam
Ấn phẩm báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận được trưng bày ở Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: G. Nam

Theo lời thuyết minh tại Bảo tàng, Tòa soạn tiền phương Báo Quân đội nhân dân trong chiến dịch Điện Biên phủ là mô hình tinh gọn bậc nhất trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Chỉ với 5 cán bộ, phóng viên, với công nghệ và thiết bị hết sức thô sơ lạc hậu, lại trong điều kiện chiến trường ác liệt, tòa soạn đã phối hợp hoạt động hết sức chặt chẽ, khoa học để có thể xuất bản, phát hành kịp thời các số báo phục vụ cán bộ, chiến sĩ ngay tại chiến trường. Báo chí được xem là phương tiện tuyên truyền nhanh nhạy và hiệu quả nhất so với các phương tiện thông tin tuyên truyền khác lúc bấy giờ tại mặt trận, là món ăn tinh thần quý giá cho các lực lượng tham gia chiến dịch, góp phần làm nên một Điện Biên Phủ “Lừng lẫy 5 châu chấn động địa cầu”…

Trong rất nhiều yếu tố để làm nên điều này, tôi rất quan tâm đến việc phóng viên trong bối cảnh “viết tay, chạy bộ” giữa lửa đạn mà vẫn bảo đảm chuyển tin kịp thời, chính xác về tòa soạn. Đó là người phóng viên phải phát huy tối đa tính năng động và sáng tạo, giữa vô vàn sự kiện phải biết chọn nơi cần đến, nên đến; phần lớn thời gian là cơ động trên chiến trường để “mắt thấy tai nghe” thông tin, chắt lọc viết cho nhanh gọn, súc tích; không quản hiểm nguy vất vả băng đèo lội suối đưa bài về tòa soạn ngay trong ngày, để từ đó tiếp tục các công đoạn cho ra đời tờ báo nóng hổi tình hình chiến trường.

Có một chi tiết thú vị là lúc đó máy ảnh hiếm nên không có điều kiện chụp và in ảnh, do đó có khi phóng viên viết bài, sắp chữ xong lại vẽ cả tranh minh họa. Phóng viên còn phụ in ấn và trực tiếp đi phát hành luôn, xuống tận các chiến hào hoặc chạy đuổi theo các đơn vị đang hành quân. Nơi chiến hào còn đậm mùi khói súng, phóng viên đọc một số bài cho mọi người nghe và góp ý kiến, rồi dành thời gian để nghe anh em bộ đội kể chuyện chiến đấu, hỏi han tình hình và nhận định của mọi người về thế trận giữa ta - địch để làm tư liệu chuẩn bị cho số báo tiếp theo… Đó cũng là một cách để chủ động được thông tin và viết bài sao cho độc giả dễ đón nhận. Kinh nghiệm nghề nghiệp đến nay có lẽ vẫn còn nguyên giá trị với người cầm bút.

Hoa Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.