Đại tướng Võ Nguyên Giáp Nhà báo xuất sắc của Cách mạng Việt Nam
Cách đây 90 năm, vào năm 1927, khi vừa tròn 16 tuổi, cậu học sinh trường Quốc học Huế Võ Nguyên Giáp đã viết bài báo đầu tiên bằng tiếng Pháp tiêu đề “À bas le tyranneau de Quoc hoc!” (Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học!) vạch trần chính sách giáo dục ngu dân của thực dân Pháp đăng trên tờ L’Annam ở Sài Gòn do Luật sư Phan Văn Trường làm chủ nhiệm.
Nội dung bài báo cũng như những hoạt động yêu nước của người học sinh Quốc học đã gây nên sự chú ý cho bọn mật thám Pháp. Bởi vậy, cũng trong năm 1927 này, Võ Nguyên Giáp bị bắt và bị đuổi học.
Năm 1928, Võ Nguyên Giáp được nhà cách mạng Nguyễn Chí Diểu giới thiệu đến làm việc ở Quan Hải Tùng thư - một nhà xuất bản do Tổng bộ Tân Việt chủ trương và ở tờ Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây, ông có điều kiện tiếp xúc với những học thuyết về kinh tế, xã hội, dân tộc, cách mạng; đồng thời được đọc nhiều tư liệu quan trọng, trong đó có cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” và báo “Người cùng khổ” do Nguyễn Ái Quốc từ Pháp gửi về, vì thế, ý thức về việc học nghề làm báo được hình thành trong người thanh niên yêu nước Võ Nguyên Giáp. Năm 1929, Võ Nguyên Giáp với bút danh Hải Thanh gây tiếng vang với bài báo “Vũ trụ và tấn hóa” đăng trên báo Tiếng Dân. Qua gần 2 năm làm báo tại đây (từ năm 1929 đến tháng 10-1930), ông đã viết được gần 30 bài báo đăng trong mục Thế giới thời đàm với bút danh Vân Đình.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Đầu tháng 10-1930, trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị bắt và bị giam ở Nhà lao Thừa Phủ (Huế). Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ (Pháp), ông được trả tự do nhưng bị cấm cư trú và làm báo tại Huế.
Sau 6 năm không tham gia làm báo và viết báo, năm 1936, với thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, Võ Nguyên Giáp quay trở lại với mặt trận báo chí. Từ năm 1936 -1939, ông tham gia Mặt trận Dân chủ Đông Dương với vai trò là sáng lập viên, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Tháng 6 - 1936, ông cùng giáo sư Đặng Thai Mai và các nhà giáo ở Trường Thăng Long cho ra đời tờ Hồn trẻ (tập mới) được dư luận hoan nghênh. Báo Hồn trẻ đã đăng những bài viết phản ánh nguyện vọng của đông đảo người cùng khổ, kêu gọi người Pháp thực hiện chính sách dân chủ ở Đông Dương, cổ vũ dân chúng đấu tranh cho quyền tự do dân chủ, đòi ân xá chính trị phạm... Thực dân Pháp nhận rõ sự nguy hại của sự “truyền lửa” từ tờ báo nên đã đóng cửa Hồn trẻ khi báo vừa mới ra được 12 số.
Sau khi Hồn trẻ bị đình bản, Võ Nguyên Giáp lập tức cho ra đời tờ báo bằng tiếng Pháp - tờ Le Travail (Lao động) do ông làm chủ bút, đặt trụ sở tại số 21 đường Henri d’Orleans, tức phố Phùng Hưng (Hà Nội) ngày nay. Đây là thời kỳ làm báo đầy sôi nổi và nhiều kỷ niệm của cố Đại tướng.
Tháng 5-1940, Võ Nguyên Giáp được Xứ ủy Bắc Kỳ cử sang Vân Nam (Trung Quốc). Cũng từ đây, nhà báo cách mạng Võ Nguyên Giáp được gặp, được hoạt động, làm báo cùng với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Từ năm 1941 đến năm 1945, dù rất bận rộn trong việc chuẩn bị lực lượng vũ trang cho cuộc Tổng khởi nghĩa, nhưng ông vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền của một nhà báo cách mạng. Sau chiến thắng Nà Ngần, Phay Khắt, ông cho ra tờ báo viết tay Tiếng súng reo - một loại “vũ khí đặc biệt” của bộ đội ta hồi đó, được phát hành vào cuối tháng 12 - 1944. Đây là tờ báo đầu tiên của lực lượng vũ trang và là tờ báo nằm trong hệ thống báo chí cách mạng. Ngoài việc phát hành chính thức bằng tiếng phổ thông, tờ báo còn được dịch ra tiếng Tày, tiếng Nùng để phát hành ra các tổ chức quần chúng khác. Sự ra đời của tờ báo đã kịp thời phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục và huấn luyện bộ đội, tạo niềm tin trong dân và gây hoang mang, lo sợ cho kẻ thù trước sự phát triển mạnh mẽ của đội quân cách mạng.
Ngoài ra, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn làm chủ bút, chỉ đạo biên tập từ số 1 (ra ngày 20-6-1945) đến số 5 (ra ngày 5-8-1945) báo Nước Nam mới của Khu giải phóng; đồng thời đảm nhiệm báo Quân giải phóng của Việt Nam giải phóng quân. Dù chỉ ra được 1 số (ngày 5-8-1945) trong đêm trước của cuộc Tổng khởi nghĩa nhưng Quân giải phóng đã có ý nghĩa động viên tích cực đấu tranh vũ trang trong cao trào tiến tới Tổng khởi nghĩa. Cho đến hôm nay, những người làm báo và viết báo có thể còn học hỏi được rất nhiều quý báu điều qua tâm sự của Đại tướng trong bài viết “Mười lăm năm làm báo trước Cách mạng Tháng Tám”: “Tôi thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Đó là một công việc luôn luôn khẩn trương, phải phát hiện kịp thời ... tâm lý đa dạng và thường xuyên thay đổi của bạn đọc, nguyện vọng sâu xa của nhân dân để biết mình phải làm gì .... Nghề làm báo hao tâm tổn trí, gian khổ, nhưng người làm báo được đền bù xứng đáng là niềm vui khi thấy tác dụng và hiệu quả của tờ báo trong đông đảo bạn đọc”.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, dù gánh vác trên vai những trách nhiệm lớn đặc biệt quan trọng, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn rất coi trọng tính tuyên truyền “tiếp lửa” của báo chí. Những bài viết của ông đăng trên các báo và tạp chí xuất bản ở chiến khu trong 9 năm kháng chiến trường kỳ đã truyền đạt đường lối, chỉ đạo chiến lược và chiến thuật, tổng kết rút kinh nghiệm, đề ra phương châm tác chiến cũng như xây dựng cho lực lượng vũ trang cách mạng từng bước phát triển, càng đánh càng thắng lớn, càng đánh càng vững mạnh... Trong những năm đánh Mỹ, Đại tướng tiếp tục có nhiều bài viết sâu sắc về đường lối chiến tranh nhân dân, đường lối xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng hậu phương, về công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, về phương châm tác chiến để đánh bại từng chiến lược chiến tranh trên mỗi bước “leo thang” của địch. Những bài viết của Đại tướng đã góp một phần không nhỏ bổ sung, phát triển kho tàng lý luận và nghệ thuật quân sự Việt Nam, làm giàu thêm kho tàng văn hóa Việt Nam...
Sau ngày thống nhất non sông và cả giai đoạn đất nước chuyển mình đổi mới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn có nhiều bài viết trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục và khoa học - kỹ thuật... Trong những vấn đề mà Đại tướng nêu ra, có những vấn đề cho đến bây giờ vẫn mang giá trị thực tiễn và tính thời sự nóng hổi. Đặc biệt, có lẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những người đi đầu trong việc nghiên cứu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xem giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản quý giá của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Qua báo Tuần tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) số đặc biệt tháng 5-1990, Đại tướng khẳng định: “Chúng ta có quyền tự hào về Bác, cần phải phát huy sáng tạo tư tưởng của Bác tìm ra những giải pháp cho những vấn đề của công cuộc đổi mới hôm nay”. Ngày 14-1-1991, tại Hội nghị quốc tế Hồ Chí Minh - Việt Nam - Hòa bình thế giới ở Cancutta (Ấn Độ), Đại tướng có bài phát biểu « Thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi ». Nội dung các bài viết đã nâng việc nghiên cứu tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Bác lên một tầm cao mới, làm nổi bật những vấn đề cơ bản, đồng thời soi chiếu vào thực tiễn hôm nay để thấy nhiều điều cần phải học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh như Đảng đã kêu gọi và tích cực tổ chức thực hiện...
Có thể nói, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng huyền thoại của nhân dân, trên cương vị nhà báo thì Đại tướng cũng là nhà báo của nhân dân !
Nguyễn Thị Thọ
Ý kiến bạn đọc