Multimedia Đọc Báo in

Những hành trình ngược dòng lịch sử…

09:22, 26/06/2017

May mắn được tiếp xúc, gặp gỡ nhiều bậc lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, tôi càng hiểu thêm về lịch sử quê hương, đất nước, thêm yêu và trân trọng những giá trị mà cha ông phải đổ xương máu để bảo vệ, gìn giữ. Mỗi cuộc gặp gỡ là mỗi chuyến hành trình về nguồn cội, ngược dòng lịch sử…

Đó là hành trình cùng người lính công binh Nguyễn Đình Thi trên mặt trận Điện Biên Phủ năm xưa với kỷ niệm đôi bàn tay tóe máu trong những ngày đầu tham gia mở đường chỉ với các dụng cụ thô sơ. Dù khó khăn, gian khổ, địch rải bom phá đường, nhưng vẫn không quản hiểm nguy, quyết tâm bảo đảm mạch máu giao thông luôn được thông suốt...

Đó còn là cuộc gặp gỡ, sống lại kỷ niệm chiến trường cùng cựu chiến binh Nguyễn Quang Bộc với chiếc Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên có khắc dấu “Xuân 1954” đã hoen gỉ, tờ Giấy khen của Bộ Tư lệnh Đại đoàn 804 tặng chiến sĩ “Anh dũng chiến đấu ở Điện Biên Phủ” đã ố vàng vẫn luôn được chủ nhân trân trọng cất giữ.

Đó là những giây phút sống lại kỷ niệm về 29 ngày đào hầm, giao thông hào trên trận địa; là những nắm cơm nếp của đồng bào cưu mang ròng rã hơn 1 tháng trước khi có gạo ở miền xuôi đưa lên trong trận chiến Điện Biên Phủ của người lính bộ binh Võ Trọng Phi; là những kỷ niệm của các chuyến tải lương, những nắm tóc rụng sau đợt sốt rét của nữ dân công Hoàng Thị Xừ... Hoặc kỷ niệm về “Điện Biên Phủ trên không” của quân dân Hà Nội trong ký ức của bà Lâm Thị Nguyệt Quế với cảnh tượng của sự tàn phá khốc liệt, người người bới gạch tìm kiếm người thân dưới đống đổ nát; cô bạn thân làm dược sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai đã mất ngay trong ca trực vào đêm Bệnh viện bị máy bay Mỹ thả bom; tinh thần “thép” biến đau thương, mất mát thành ý chí, sức mạnh chiến đấu và chiến thắng.

Cựu điệp báo an ninh Võ Thị Hường trò chuyện với phóng viên Báo Đắk Lắk về những kỷ niệm  của tháng ngày hoạt động cách mạng.
Cựu điệp báo an ninh Võ Thị Hường trò chuyện với phóng viên Báo Đắk Lắk về những kỷ niệm của tháng ngày hoạt động cách mạng.

Từ những câu chuyện kể tôi còn được đồng hành cùng cựu điệp báo an ninh Võ Thị Hường – người con của mảnh đất Kiên Cường (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) với ký ức của tháng ngày hoạt động bí mật và chia sẻ cùng bà những nỗi niềm riêng. Năm 1972, chồng bà Hường – liệt sỹ Trần Lang, cán bộ Kinh tài H6 trong một lần làm nhiệm vụ đã hy sinh do trúng mìn của địch...

Tôi cũng trải qua chuyến hành trình cùng ông Y Ter Niê – người chiến sĩ giao bưu ngày ấy đã không quản ngại băng rừng, lội suối giữa đêm mưa gió để vận chuyển thư từ, dẫn đường cho anh em cán bộ. Cũng qua những lần tiếp xúc trò chuyện cùng Đại tá Phan Công Thí, nguyên Chủ nhiệm Chính trị - Tỉnh Đội Đắk Lắk, tôi đã hiểu thêm đôi nét về những khó khăn, gian khổ, anh dũng, hy sinh của một thời “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”; về sự tra tấn tàn ác tại nhà tù Côn Đảo năm xưa qua lời kể của bác Huỳnh Ngọc Mai; những gian lao, vất vả và chiến công của bộ đội Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại qua gặp gỡ Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá, nguyên Sư đoàn Trưởng Sư đoàn 470.

Đặc biệt qua lời kể của các bậc lão thành cách mạng mà tên tuổi gắn liền với lịch sử đấu tranh của Đắk Lắk như các đồng chí: Huỳnh Văn Cần, Ama H’Oanh, Lê Chí Quyết, Thiếu tướng Y Blốk Êban… tôi biết rõ hơn về lịch sử đấu tranh của quân - dân Đắk Lắk và càng thêm kính phục sự bền gan, tôi luyện, những cống hiến dành trọn tuổi thanh xuân cho Đảng, cho cách mạng cũng như nếp sống giản dị, chân tình trong cuộc sống thường ngày của các bậc lão thành cách mạng ấy.

Có những câu chuyện chưa một lần xuất hiện trên những trang văn, trang báo nhưng đầy cảm động về tình đồng chí, đồng đội, để rồi mỗi khi nhắc nhớ lại rưng rưng, nghẹn ngào. Qua từng lời kể, không khí khẩn trương, quyết liệt, cam go của những ngày tháng sôi động, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” như được tái hiện.

Hình ảnh những người lính công binh, những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong, dân công tươi trẻ, không ngại khó khăn, hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, rồi những đoàn xe vận tải nối nhau ra chiến trường… như sống lại cùng hồi ức của những người đã kinh qua một thời trận mạc.

Là người sinh ra khi đất nước hòa bình, lớn lên trong thời hậu chiến, đặc biệt với tư cách của một người làm báo, được tiếp xúc và nghe kể về những năm tháng gian khó nhưng đầy hào hùng ấy, tôi càng thêm yêu quý vốn tư liệu quý giá này. Bởi tôi biết rằng cuộc đời con người là hữu hạn, còn giá trị lịch sử lại vô cùng nên luôn mong muốn có thể truyền tải được hết những câu chuyện cùng ý nghĩa nhân văn cao đẹp trong từng bài viết của mình để những người đi sau thêm hiểu, yêu quý, trân trọng những bài học về lịch sử, về quá khứ hào hùng và truyền thống cách mạng của dân tộc.

Lan Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.