Multimedia Đọc Báo in

Đón các anh về đất mẹ

15:43, 25/07/2017

Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - liệt sỹ năm nay, tỉnh  Khánh Hòa đã khánh thành Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” (còn gọi là Tượng đài Liệt sỹ Gạc Ma).

Đây là công trình thể hiện sự tri ân với các liệt sỹ đã ngã xuống trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988 đồng thời giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tượng đài được hoàn thành sau hơn 2 năm xây dựng với tổng kinh phí giai đoạn 1 hơn 150 tỷ đồng do nhân dân trên mọi miền Tổ quốc đóng góp. Tọa lạc tại bán đảo Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” được thiết kế xây dựng theo các cụm liên hoàn, chia thành nhiều hạng mục như: cờ Tổ quốc và 64 đóa hoa bất tử, khu vinh danh tên tuổi 64 liệt sỹ khắc trên phiến đá, khu lưu niệm hình ảnh, nổi bật nhất là tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” thể hiện hình ảnh 9 chiến sĩ Gạc Ma đan tay nhau thành “vòng tròn bất tử” bảo vệ đảo Gạc Ma trước họng súng xâm lăng.

Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”.
Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”.

Giữa tháng 7-2017, dưới chân tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” người thân của 64 liệt sỹ hy sinh trong trận “Hải chiến Trường Sa -1988” đến dự Lễ tâm linh 64 liệt sỹ Gạc Ma.

Trước biển Cam Ranh, gần 200 nhà sư đến từ các chùa thuộc Hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa và hàng nghìn người lặng lẽ nhìn về phía biển xa cầu nguyện. Trong tiếng kinh cầu, có những tiếng nấc nghẹn ngào của thân nhân các gia đình liệt sỹ. Biển Cam Ranh cuối chiều lác đác mưa, gió thổi mạnh nhưng những ngọn nến tri ân thắp sáng đặt dưới “cây cầu tâm linh” dài 64 nhịp vẫn sáng lung linh. Sư thầy Thích Đức Quang (Ban Trị sự Hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa) xúc động: “Đây là lễ tâm linh đặc biệt. 29 năm các liệt sỹ hy sinh nằm ngoài rạn đá Gạc Ma lạnh cóng, nay các anh được về Đất Mẹ cho ấm lòng”.

Rước linh hồn các liệt sỹ từ đảo Gạc Ma về đất liền.
Rước linh hồn các liệt sỹ từ đảo Gạc Ma về đất liền.

29 năm, 64 người mẹ, 64 người cha khóc cạn nước mắt trong đau thương tột cùng. Và cũng ngần ấy năm, nhiều người vợ trẻ, những đứa con thơ chờ đợi xương cốt của chồng, của cha đem về từ vùng biển bão tố - Gạc Ma. Chị Trần Thị Thủy, con gái của liệt sỹ Trần Văn Phương mắt đỏ hoe nghẹn ngào: “Ngày em sinh ra thì cha đã hy sinh, em chỉ nghe về ba từ những câu chuyện kể của mẹ. Sau 29 năm nằm lạnh cóng dưới biển sâu, nay ba em với về đất mẹ. Chỉ khác đây là sự trở về không phải bằng thịt xương, mà là linh cốt từ biển mặn mòi”. Chị Thủy khóc, giọt nước mắt của con gái liệt sỹ hòa vào biển mặn Cam Ranh…

Dự buổi lễ tâm linh còn có nhiều cựu binh sống sót trở về từ trận chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988. Họ từ Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Đắk Lắk, tụ về đây để đón linh cốt đồng đội.  Ông Nguyễn Văn Chương, một cựu binh Gạc Ma đến từ thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) lặng lẽ đi giữa dòng người ra bờ biển Cam Ranh đón đồng đội trở về. Ông Chương xúc động: “Năm 1988, tôi là đảo phó quân sự đảo Gạc Ma. May mắn sống sót trở về, suốt 29 năm nay tôi vẫn đau đáu nhớ về những đồng đội đã nằm lại dưới đáy biển sâu. Cứ đến ngày 14-3, đêm nằm nước mắt lại chảy, thương nhớ đồng đội vô cùng. Sau 29 năm cách biệt, nay tôi mới “gặp” dù chỉ là nước biển, san hô đem về từ Gạc Ma”. Ông Chương khóc, giọt nước mắt người cựu binh sống sót trở về từ đảo đá Gạc Ma nén chặt 29 năm trào dâng xúc động…

Mai Thắng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.