Multimedia Đọc Báo in

Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Từ dự báo thiên tài của Hồ Chí Minh đến thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam

09:56, 28/08/2017

Với tầm nhìn chiến lược và khả năng tiên tri tài ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những dự báo thiên tài, đồng thời có những quyết định chỉ đạo kịp thời, đúng đắn, sáng tạo để giúp dân tộc Việt Nam chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tranh thủ thời cơ lịch sử giành lấy những thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Điều này được thể hiện rõ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Từ năm 1927, trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo về khả năng cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở Pháp và giúp đỡ những người vô sản anh em ở Pháp trong cuộc chiến chống lại kẻ thù chung là chủ nghĩa tư bản Pháp. Năm 1942, khi viết cuốn sách “Lịch sử nước ta”, trong phần “Những năm quan trọng” ở cuối tác phẩm, Người đã tiên đoán: “1945 Việt Nam độc lập” (1). Bằng nhãn quan chính trị nhạy bén, trí tuệ và sự mẫn cảm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một dự báo thiên tài.

Tháng 10-1944, trong “Thư gửi đồng bào toàn quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh” (2). Cuối năm 1944, Người quyết định thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách.

 Ngày 6-8-1945, được tin Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống Hirosima (Nhật Bản), Người yêu cầu viết nhiều thư hỏa tốc thúc giục đại biểu các địa phương nhanh về Tân Trào họp Hội nghị toàn quốc của Đảng. Hội nghị đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đã ban bố Quân lệnh số 1, hạ lệnh khởi nghĩa: “Giờ Tổng khởi nghĩa đã đánh! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!”. Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào dưới sự chủ trì của Hồ Chí Minh. Sau Đại hội, Hồ Chí Minh gửi “Thư kêu gọi nổi dậy Tổng khởi nghĩa” đến đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” (3).

Quảng trường Ba Đình trong ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945.    (Ảnh tư liệu)
Quảng trường Ba Đình trong ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945. (Ảnh tư liệu)

Ngày 14-8-1945, các đơn vị giải phóng quân mở đầu tấn công giải phóng các thị xã Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái. Từ ngày 14 đến ngày 28-8, trừ 5 thị xã ở biên giới phía Bắc do tay sai của Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch chiếm đóng, khắp nơi trên cả nước kể cả ở Côn Đảo, lực lượng khởi nghĩa đều đã giành được chính quyền. Ở Hà Nội, sáng ngày 19-8-1945, cả thủ đô vùng dậy, dưới rừng cờ đỏ sao vàng, bừng bừng khí thế, kéo đến mít-tinh ở Quảng trường Nhà hát lớn, nghe lời kêu gọi của Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội, sau đó đi tuần hành thị uy và lần lượt chiếm Phủ Khâm sai, Tòa thị chính, Trại lính bảo an, Sở Cảnh sát và các công sở của chính quyền bù nhìn.

Cuộc khởi nghĩa thành công ở Hà Nội đã cổ vũ các nơi gấp rút nổi dậy giành chính quyền. Ở Huế, đêm 22-8, Việt Minh đã huy động nhân dân, kêu gọi lính đứng về phía cách mạng và nộp súng lập công. Đúng 13 giờ chiều 30-8, trước cuộc mít-tinh ở lầu Ngọ môn với hàng vạn người tham gia dưới rừng cờ đỏ sao vàng, vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị, nộp quốc ấn và kiếm cho đại diện Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ở Sài Gòn, đêm 24-8 quần chúng cách mạng ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận được tổ chức thành từng đoàn mang theo giáo mác, tầm vông vạt nhọn rầm rập kéo vào trung tâm thành phố, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Quần chúng đã tiến chiếm Ty Liêm phóng Bắc Kỳ, Trại Bảo an binh, nhà ga, bưu điện, nhà đèn, trụ sở các quận, các bót, rồi chiếm Soái phủ Nam Kỳ. Sáng 25-8, cả triệu quần chúng kéo vào thành phố hô vang như sấm dậy các khẩu hiệu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập!”, “Tất cả chính quyền về tay Việt Minh!”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, “Độc lập hay là chết!”. Dự lễ ra mắt của Ủy ban nhân dân Nam Kỳ xong, quần chúng tỏa ra diễu hành khắp nơi, mừng chính quyền đã về tay nhân dân.

Như vậy là cuộc Tổng khởi nghĩa đã diễn ra thành công trong cả nước chỉ trong vòng 15 ngày, trước lúc quân Đồng minh đổ bộ vào Việt Nam, đúng như kế hoạch đã định. Đó là sự thành công trọn vẹn, không đổ máu.

 Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, trước cuộc míttinh của hơn 50 vạn nhân dân Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Chính phủ lâm thời, đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với toàn thể nhân dân, với toàn thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định sáng suốt những bước đi của cách mạng Việt Nam, có những tiên đoán chính xác, thiên tài. Người đã luôn theo dõi sát sao tình hình cách mạng thế giới và trong nước, có những chỉ đạo đúng đắn chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, từng bước nâng cao sức mạnh của dân tộc để đến khi thời cơ đến thì nhanh chóng tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, hạn chế được thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của cả một dân tộc anh hùng dưới sự lãnh đạo tài tình của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta; mở ra thời đại mới: thời đại nước độc lập, dân làm chủ.

 Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám còn có ý nghĩa quốc tế to lớn. Nó làm cho Việt Nam trở thành một trong những dân tộc tiên phong cách mạng, là lực lượng tích cực trong phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

72 năm đã trôi qua kể từ mùa thu Tháng Tám lịch sử năm 1945 nhưng ý nghĩa lớn lao của thắng lợi vĩ đại năm nào thì vẫn vẹn nguyên. Cả dân tộc Việt Nam vẫn đang vững vàng tiến bước trong kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cùng chung sức chung lòng viết tiếp những trang sử vẻ vang.

(1) Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 3, trang 267

(2) Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 3, trang 538

(3) Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 3, trang 596

Lại Thị Ngọc Hạnh

(Trường Đại học Tây Nguyên)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.