Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (18-12-1972 - 18-12-2017)

Chiến thắng của dũng khí và trí tuệ Việt Nam

16:00, 29/12/2017

Trước những thất bại về quân sự ở chiến trường và về chính trị ở cả hai miền Nam - Bắc, sự chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ, ngày 22-10-1972, tại Hội nghị Paris, đế quốc Mỹ đã buộc phải thỏa thuận với ta bản “Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.

Nhưng với bản chất ngoan cố, xảo quyệt, ngay sau đó, chúng đã lật lọng, tráo trở, trì hoãn việc ký kết hiệp định, đồng thời ráo riết tiến hành những hành động phiêu lưu quân sự mới.

Từ ngày 18 đến ngày 29-12-1972, đế quốc Mỹ liều lĩnh leo đến nấc thang cuối cùng bằng mở chiến dịch “Linebacker”. Đây là cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác trên miền Bắc nước ta. Âm mưu của chúng là dùng hành động khủng bố dã man, có tính hủy diệt để hòng buộc quân và dân ta phải khuất phục và chấp nhận những điều kiện của chúng trong đàm phán.

Trong chiến dịch quân sự này, Mỹ đã sử dụng một lực lượng không quân to lớn chưa từng có: 193 máy bay ném bom chiến lược B52, 455 máy bay chiến đấu chiến thuật, 210 máy bay chiến đấu hải quân.

Trong 12 ngày đêm, chúng đã huy động trên 729 lần chiếc B52, 1.900 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hàng vạn tấn bom với sức công phá bằng 5 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hirosima (Nhật Bản) năm 1945. Riêng ở Hà Nội, Mỹ đã huy động hơn 100 lần chiếc máy bay B52, ném hơn 4 vạn tấn bom, hủy diệt nhiều khu dân cư, trường học, bệnh viện…, làm chết 1.318 người và bị thương 2.579 người. Riêng phố Khâm Thiên (Hà Nội) đêm 26-12-1972 đã chết 214 dân thường.

Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô Hà Nội đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trong cuộc chiến 12 ngày đêm năm 1972.  (Ảnh: TTXVN)
Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô Hà Nội đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trong cuộc chiến 12 ngày đêm năm 1972. Ảnh: TTXVN

Trong lịch sử thủ đô Hà Nội, đây là một trong những thử thách lớn nhất và quyết liệt nhất. Với những phương tiện chiến tranh hiện đại, Mỹ đã tiến hành cuộc không kích quy mô lớn vào trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao và đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. Máy bay Mỹ đã đánh phá ồ ạt, dồn dập, trên diện rộng, khắp nội thành và ngoại thành.

Các lực lượng vũ trang của nhân dân ta đã chiến đấu ngoan cường, quả cảm, giáng cho đế quốc Mỹ những đòn trừng phạt nặng nề và đích đáng nhất. Trong 12 ngày đêm, miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 B52, 5 F11, bắt sống 43 giặc lái, trong đó có 32 tên lái B52. Riêng Hà Nội đã bắn rơi 30 máy bay, trong đó có 23 B52, 2 F11. Hà Nội đã lập nên trận “Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu, anh em bạn bè vui mừng đến kinh ngạc, kẻ thù hoang mang lo sợ. Chiến dịch “Linebacker” hoàn toàn thất bại. Ngày 30-12-1972, Tổng thống Mỹ R.Nixon buộc phải ra lệnh ngừng ném bom đánh phá miền Bắc và trở lại bàn đàm phán tại Hội nghị Paris.

Việc Mỹ dùng B52 đánh vào Hà Nội cuối năm 1972 đã được Bác Hồ dự đoán trước đó 5 năm. Người chỉ rõ: “Sớm muộn, đế quốc Mỹ sẽ đưa B52 đánh ra Hà Nội, trước khi chúng chịu thua trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam” (*)

Cuộc chiến đấu 12 ngày đêm ở Hà Nội là chiến dịch phòng không đạt tới mức cao nhất, oanh liệt nhất trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc cũng như sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước nói chung của nhân dân ta.

Chiến thắng B52 là một trong những đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nó đã chôn vùi ý đồ “đàm phán trên thế mạnh” của Nixon. Thắng lợi đó một lần nữa khẳng định quan điểm “không quân quyết định thắng lợi trong chiến tranh” mà giới quân sự Mỹ thường khoe khoang đã hoàn toàn phá sản. Chiến thắng vĩ đại này đã góp phần đưa cách mạng nước  ta chuyển sang thời kỳ mới.

Thắng lợi của 12 ngày đêm chiến đấu của Hà Nội là thắng lợi của sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trung ương Đảng đã đánh giá đúng tình hình, quyết định và chỉ đạo cho Hà Nội chiến đấu, huy động được sức mạnh to lớn của cả nước cho cuộc đụng đầu lịch sử này.

Thắng lợi của 12 ngày đêm chiến đấu ở Hà Nội còn là thắng lợi của sự hiệp đồng chiến đấu cao giữa lực lượng dân quân, tự vệ và nhân dân thành phố với bộ đội phòng không quốc gia, hình thành thế trận nhiều tuyến, nhiều tầng đánh địch trên các hướng, ở mọi độ cao. Hàng vạn tay súng của dân quân, tự vệ tạo nên lưới lửa bắn máy bay địch tầm thấp, làm hậu thuẫn cho bộ đội pháo cao xạ, tên lửa và không quân đánh địch trên cao. Cùng với Hà Nội làm nên chiến thắng còn có quân, dân các tỉnh tổ chức phối hợp chiến đấu bảo vệ Hà Nội từ xa.

Máy bay B52 không cứu vãn được tình thế, Tổng thống Mỹ Nixon cuối cùng cũng phải đổi giọng. Ngày 27-1-1973, từ Paris (Pháp), Hiệp định được ký kết hầu như giống hệt văn bản đã được chuẩn bị cách đó 3 tháng.

Chiến thắng vang dội đó đã làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Thắng lợi 12 ngày đêm chiến đấu ở Hà Nội cuối tháng 12-1972 đã đi vào lịch sử của dân tộc, được dư luận thế giới ngợi ca, tôn vinh là “Điện Biên Phủ trên không”.

Những bài học kinh nghiệm từ cuộc chiến đấu 12 ngày đêm hào hùng và trí tuệ của quân và dân ta đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là bài học vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng vào thực tiễn chiến đấu để tạo nên sức mạnh tổng hợp; nắm vững âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù để luôn có sự chuẩn bị đối phó kịp thời, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

(*)Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam - Tập II (1954 - 1975) - NXB CTQG - Hà Nội - 1995 - tr 556.

Nguyễn Xuyến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.