Multimedia Đọc Báo in

Hoài niệm về nước Nga cùng đàn Accordeon

09:58, 27/11/2017
Hình ảnh chiếc đàn phong cầm (Accordeon) gắn liền với nhiều người đã từng học tập, nghiên cứu, làm việc, công tác ở Liên Xô trước đây. Tuy nhiên, người biết chơi loại nhạc cụ này hiện nay không còn nhiều.

Nhiều thế hệ từng sinh sống, học tập và làm việc tại Liên Xô và hợp tác Việt - Nga tham dự buổi tọa đàm, gặp mặt nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga được tổ chức tại Trường Đại học Buôn Ma Thuột không khỏi bất ngờ, xúc động khi nghe lại những âm thanh quen thuộc của đàn Accordeon do ông Nguyễn Cửu Long, Trưởng Phòng Nhạc cụ dân tộc, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk biểu diễn.

Ông Long sinh năm 1962, quê ở xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1976, gia đình ông vào Đắk Lắk lập nghiệp. Ông Long là học sinh khóa đầu tiên và duy nhất theo học chuyên khoa về đàn Accordeon của Trường Trung học Văn hóa - Thông tin Tây Nguyên (nay là Trường Trung cấp Âm nhạc Gia Lai) do các giảng viên của Bộ Văn hóa – Thông tin ngày đó trực tiếp vào giảng dạy. Được học từ những người thầy đã có thời gian sống và học tập ở Liên Xô, lại có năng khiếu âm nhạc, ông nhanh chóng cảm thụ và hiểu hơn về âm nhạc Nga. Ông Long tâm sự: “Ngày đó tôi được các thầy dạy những giai điệu cùng những bài hát kinh điển của đất nước Nga như: “Đôi bờ”, “Điệu nhảy trên trống”, “Tâm hồn Nga”, “Tình ca du mục”, “Cachiusa”, “Chiều ngoại ô Matxcơva”… Niềm đam mê âm nhạc Nga thấm vào tâm hồn tôi lúc nào không hay”.

Ông Nguyễn Cửu Long biểu diễn đàn Accordeon tại buổi Tọa đàm, gặp mặt các thế hệ chuyên gia, cán bộ từng sống, làm việc ở Liên Xô và hợp tác Việt - Nga.
Ông Nguyễn Cửu Long biểu diễn đàn Accordeon tại buổi Tọa đàm, gặp mặt các thế hệ chuyên gia, cán bộ từng sống, làm việc ở Liên Xô và hợp tác Việt - Nga.

Ông Long cho biết, Accordeon là một loại nhạc cụ cầm tay, dùng phương pháp bơm hơi từ hộp xếp bằng vải hay giấy để đẩy hơi, rồi dùng ngón tay điều khiển nút bấm để phát ra nhạc. Loại phong cầm thông dụng có phần phím bấm bên tay phải cho tiếng cao (treble) với các thanh bấm như đàn piano và phần nút bấm bên tay trái cho tiếng trầm (bass). Người chơi đàn phong cầm đeo đàn trên ngực với hai giây chằn trên vai. Tay phải bấm điều khiển phím treble, tay trái vừa bấm nút tiếng bass vừa kéo hộp xếp ra vào để ép hơi. Hơi trong hộp giấy đẩy ra theo van của các nút hay thanh bấm, đi vào hệ thống lưỡi gà của đàn và tạo ra âm thanh. Khi hộp xếp được kéo ra, hơi từ bên ngoài bị hút vào và bị đẩy qua hệ thống lưỡi gà để tạo ra âm thanh khác…

Sau khi học xong, ông Long về nhận công tác tại Trường Văn hóa – Thông tin Đắk Lắk (tiền thân của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk bây giờ), đến năm 1997 thì về giảng dạy tại Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk. Trải qua những thăng trầm, môn học Accordeon không còn được dạy trong trường và không có nhiều người biết về đàn Acorrdeon nhưng niềm đam mê của ông Long đối với loại nhạc cụ này vẫn luôn cháy bỏng.

Thời gian trôi qua, cây đàn phong cầm cũ đã bị hư hỏng nhiều. Năm 2010, trong một lần ra Hà Nội, được sự giới thiệu của bạn bè, ông Long lần tìm đến phố Hào Nam (Hà Nội) và may mắn lắm mới mua được một cây đàn Accordeon mới. Có đàn, ông Long miệt mài tập luyện lại những bản nhạc đã được học. Và chiếc đàn lại bị hỏng mà thợ sửa chữa thì không có, ông Long lại phải đặt mua một cây đàn Acoordeon thứ hai để tham gia biểu diễn tại buổi tọa đàm nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Ông Long hồ hởi nói: “Được biểu diễn trước những người đã từng học tập, nghiên cứu, làm việc, công tác tại Liên Xô trước đây là niềm vui vì nhiều người vẫn nhớ về âm thanh của cây đàn Acorrdeon này”.

Một niềm vui lớn đã đến với ông Long là tại buổi tọa đàm, gặp mặt những  người yêu âm nhạc Nga có ý định thành lập hội những người đam mê đàn Acorrdeon và sẽ tham gia biểu diễn tại các hội quán, phòng trà… Ông Nguyễn Huy Bài, nguyên Chủ tịch UBND xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), Phó Ban liên lạc những người từng học tập, công tác ở Liên Xô tại Đắk Lắk chia sẻ: “Những người đã từng học tập, sinh sống tại Liên Xô trước đây không bao giờ quên những bài hát và âm thanh của cây phong cầm nên chúng tôi rất muốn tạo một sân chơi, cũng như giao lưu với bạn bè đang sinh sống tại Buôn Ma Thuột. Thông qua âm nhạc để mọi người thể hiện sự yêu mến về con người, đất nước và âm nhạc Nga…”.

Nguyễn Gia 

 


Ý kiến bạn đọc