Multimedia Đọc Báo in

Biểu tượng về tinh thần kiên trung, bất khuất của phụ nữ H9

07:51, 03/02/2018

Hằng năm cứ vào độ gần Tết, các mẹ, các chị ở xã Khuê Ngọc Điền (H9 – Krông Bông) từng tham gia đoàn đấu tranh chính trị trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 lại tổ chức gặp mặt tại nhà bà Nguyễn Thị Phẩm (xã Khuê Ngọc Điền) để ôn lại những ký ức hào hùng của một thời oanh liệt.

Họ là những phụ nữ giản dị, chân chất, từng không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Đất nước hôm nay đã thanh bình, mỗi lần chiêm ngưỡng Tượng đài Mậu Thân 1968 tại Km 5, phường Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột), trong lòng các mẹ, các chị trỗi dậy niềm tự hào xen lẫn niềm thương nhớ những đồng đội, đồng chí đã hy sinh trong sự kiện này cách đây 50 năm. Tượng đài Mậu Thân 1968 chính là biểu tượng về tinh thần kiên trung, bất khuất của phụ nữ H9 trong cuộc đấu tranh chính trị Xuân Mậu Thân 1968.

Tượng đài Mậu Thân 1968 được xây dựng lên với nguyên mẫu là Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Thị Hường – còn được người dân xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông) gọi bằng cái tên thân thương trìu mến là Má Hai. Má Hai chính là một trong những hình mẫu tiêu biểu cho những người mẹ, người chị tham gia trong đoàn đấu tranh chính trị của những người dân huyện H9 tiến vào thị xã Buôn Ma Thuột trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Tượng đài Mậu Thân 1968  tại phường Tân Hòa  (TP. Buôn Ma Thuột).
Tượng đài Mậu Thân 1968 tại phường Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột).

 Sau giải phóng năm 1975, Tượng đài Tết Mậu Thân 1968 được xây dựng tại Km 5, ngã ba Hòa Bình, phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột, đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh trong Quyết định số 1354/QĐ-UBND,  ngày 24 tháng 6 năm 2014 của UBND tỉnh Đắk Lắk. Mỗi khi đi qua đây và nhìn lên tượng đài này, những người mẹ, người chị từng tham gia đấu tranh chính trị của huyện H9 lại nhớ về những năm tháng lịch sử hào hùng.

Bà Nguyễn Thị Phẩm (trái) và bà Thái Thị Tới (huyện Krông Bông) là những người từng tham gia đấu tranh chính trị Tết Mậu Thân 1968.
Bà Nguyễn Thị Phẩm (trái) và bà Thái Thị Tới (huyện Krông Bông) là những người từng tham gia đấu tranh chính trị Tết Mậu Thân 1968.

Còn nhớ, cách đây 50 năm, cùng với khí thế sôi sục của cả nước, quân và dân Đắk Lắk đã vùng lên mạnh mẽ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Bắt đầu từ đêm 30-1-1968, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, quân dân du kích và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột và một số huyện lỵ, làm chủ nhiều ấp chiến lược. Cùng với đấu tranh vũ trang, các cuộc biểu tình diễn ra sôi nổi, đồng loạt ở nhiều địa phương trong tỉnh; tiêu biểu là cuộc biểu tình của “đội quân tóc dài” các xã Khuê Ngọc Điền, Hòa Lễ, Hòa Phong, Cư Pui (huyện H9 – Krông Bông). Đoàn biểu tình xuất phát từ xã Khuê Ngọc Điền đêm 29-1-1968, vượt qua chặng đường hơn 60 km, rạng sáng ngày 30-1-1968 thì đến cửa ngõ thị xã Buôn Ma Thuột và bị địch dùng hỏa lực đàn áp đẫm máu. Nhiều người dân đã hy sinh khi địch dùng súng bắn vào đoàn biểu tình, trong đó có nhiều cán bộ phụ nữ H9. Má Hai là người cầm cờ dẫn đầu đoàn biểu tình, dù đã bị thương nhưng vẫn hiên ngang giương cao lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, hô hào chị em tiến lên đấu tranh với địch cho đến lúc ngã xuống ngay cửa ngõ thị xã Buôn Ma Thuột.

Ghi nhớ tinh thần kiên cường đấu tranh và sự hy sinh của các mẹ, các chị cùng đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng Tượng đài Mậu Thân 1968 lấy nguyên mẫu hình tượng Má Hai – người phụ nữ dẫn đầu đoàn biểu tình tiến vào thị xã Buôn Ma Thuột. Tượng đài ẩn chứa bên trong những giá trị to lớn, không chỉ có ý nghĩa về lịch sử mà còn mang tính giáo dục truyền thống cách mạng sâu sắc, là biểu tượng ca ngợi sự hy sinh anh dũng, cao cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Phúc Trình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.