Những danh nhân Việt Nam tuổi Tuất
Theo quan niệm tín ngưỡng truyền thống, người tuổi Tuất thường thông minh, linh hoạt, mạnh mẽ, tài hoa, gặp nhiều may mắn và thành đạt. Trong số các danh nhân góp phần làm rạng rỡ nền văn hiến Việt Nam, có nhiều vị sinh năm Tuất...
LÝ CÔNG UẨN (974-1028): Vị vua đầu tiên của nhà Lý, hiệu Thái Tổ, quê Bắc Ninh. Thuở nhỏ làm con nuôi đại sư Lý Khánh Văn, dày công tu học và luyện tập. Nghị lực, thông minh, văn võ song toàn, trưởng thành Lý Công Uẩn được tiến cử vào cung, thăng đến chức Điện tiền Chỉ huy sứ, phụ trách quân cấm vệ. Nhà Tiền Lê suy yếu, năm 1009 Lê Ngọa Triều mất. Được ủng hộ rộng rãi, suy tôn lên ngôi, năm 1010 Lý Công Uẩn chính thức đăng quang, khai sinh Vương triều Lý và cho rời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (Hà Nội), đổi tên là Thăng Long. Ông còn thực thi cải cách mạnh mẽ công quyền, kinh tế, văn hóa, lễ nghi và chấn hưng Phật giáo.
Tượng đài Lý Thái Tổ. |
TRẦN QUỐC TUẤN (1226-1300): Anh hùng dân tộc, danh tướng thời Trần, quê Nam Định. Giỏi ứng biến, giàu mưu lược, võ thuật cao cường, được triều đình trọng dụng, phong làm Tiết chế, thống lĩnh toàn bộ quân đội. Là thiên tài quân sự, ông từng lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh bại các cuộc xâm lược của giặc Nguyên Mông - đế quốc mạnh nhất thế giới bấy giờ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Ông cũng để lại nhiều bài học về đức độ, xử thế, dùng người và những tác phẩm chính luận, quân sự nổi tiếng: Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư.
NGUYỄN CHÍCH (1382-1448): Danh tướng, khai quốc công thần thời Hậu Lê, quê Thanh Hóa. Xuất thân từ cảnh nghèo khổ nhưng vốn mạnh mẽ, linh hoạt, nồng nàn yêu nước, ông chiêu tập hàng nghìn người trong vùng, xây đồn đắp lũy làm căn cứ kháng chiến chống giặc Minh; sau đó, đem quân phò giúp Lê Lợi cho đến khi khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng năm 1427. Tận tụy phục vụ ba đời vua Lê (Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông), ông xứng danh đại thần với chức Tổng quản, lừng lẫy với những chiến công đánh quân Minh phía Bắc, giặc Chiêm Thành phương Nam và dẹp yên nhiều cuộc phản loạn nội bộ.
LÊ THÁNH TÔNG (1442-1497): Vị vua xuất sắc nhất thời Hậu Lê, quê Thanh Hóa. Thông tuệ, phong nhã, tài đức vẹn toàn, ông được các cận thần đưa lên ngôi năm 18 tuổi. Với những cải cách toàn diện và phát triển vượt bậc về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giai đoạn ông cầm quyền (1460-1497) được coi là thời kỳ thịnh vượng nhất của chế độ phong kiến Việt Nam. Ông còn là nhà thơ lớn, lập ra hội thơ Tao Đàn danh tiếng và để lại nhiều tác phẩm giá trị: Hồng Đức quốc âm thi tập, Cổ tân bách vịnh, Văn minh cổ súy, Xuân vân thi tập...
MẠC THIÊN TỨ (1706-1780): Danh sĩ, nhà doanh điền thời chúa Nguyễn, quê Kiên Giang. Nghị lực, đa tài, ông nối nghiệp cha tận tụy phò giúp chúa Nguyễn, được phong tới Tổng binh Đại đô đốc và có công lớn trong việc thu phục nhân tâm, khẩn hoang lập ấp ở miền Tây Nam Bộ. Ông còn khai sinh hội thơ Chiêu anh các nổi tiếng và là tác giả của nhiều công trình giá trị về lịch sử, thi ca, nghệ thuật, triết luận.
NGUYỄN CÔNG TRỨ (1778-1858): Danh sĩ thời Nguyễn, quê Hà Tĩnh. Đỗ giải nguyên năm 1819, ông làm quan trong các ngành giáo dục, tư pháp, nông nghiệp, quân sự, ngoại giao ở nhiều nơi, trải qua nhiều cương vị, bị thăng giáng nhiều lần: có lúc được cử làm Tổng đốc Hải An, có lúc lại bị đày đi lính ở Quảng Ngãi. Lập công lớn trong việc khai hoang lấn biển Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) và đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa, phản loạn. Tính khí khảng khái, quyết liệt, lại phong tình mà hài hước, cuộc sống đa dạng của ông đã để lại những giai thoại thú vị.
CHU MẠNH TRINH (1862-1905): Danh sĩ cận đại, quê Hưng Yên. Linh hoạt, lãng mạn, tài hoa, đỗ tiến sĩ năm 1892, làm quan các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên, thăng tới Án sát. Nổi tiếng thơ phú, ông là tác giả tập thơ Vịnh Kiều và nhiều bài thơ Nôm đặc sắc được người đời truyền tụng.
BẠCH THÁI BƯỞI (1874-1932): Đại doanh nhân, quê Hà Nội. Nhà nghèo, cha mất sớm, phải giúp mẹ kiếm sống bằng nghề bán hàng rong, sau được một nhà giàu nhận làm con nuôi, cho ăn học tử tế. Năm 21 tuổi, ông làm thư ký cho một hãng buôn của Pháp, ít lâu sau đứng ra kinh doanh, mở nhà in lớn tại Hà Nội. Năm 1909, ông bước vào lĩnh vực hàng hải, thương thuyền, trở thành đại gia nổi tiếng, được giới doanh nghiệp gọi là “Chúa sông miền Bắc”. Công ty ông có 30 tàu lớn nhỏ, chiếm lĩnh phần lớn thị trường buôn bán đường thủy Việt Nam, cạnh tranh cùng tư sản thương thuyền Pháp, Anh và Trung Quốc. Nghị lực cao, chí khí lớn, giỏi kinh doanh, lại giàu đức độ và lòng từ thiện, Bạch Thái Bưởi được coi là doanh nhân sáng giá trong lịch sử kinh tế nước nhà.
DƯƠNG QUẢNG HÀM (1898-1946): Nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn học, quê Hưng Yên. Năm 1920, ông tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, làm giáo sư, giảng viên trường Trung học Bảo hộ. Mẫn cảm, linh hoạt, ham sáng tạo, tìm tòi, say mê giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ. Ông là tác giả của nhiều công trình lịch sử và văn học quy mô: Những bài lịch sử An Nam, Việt Nam văn học sử yếu, Việt Nam thi văn hợp tuyển...
TẠ QUANG BỬU (1910-1986): Giáo sư toán, nhà hoạt động khoa học, quê Nghệ An. Thuở nhỏ học tại Quảng Nam, Huế, tốt nghiệp giành học bổng du học Pháp, Anh. Uyên bác, nhiệt tình, ra trường ông về nước giảng dạy, chuyên tâm nghiên cứu toán lý thuyết và toán ứng dụng vào sinh học, vật lý, hóa học. Ông cũng hăng hái hoạt động chính trị, xã hội, tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, trở thành Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau năm 1954, ông phụ trách việc đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật với các cương vị Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Ông được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý.
NGUYỄN TUÂN (1910-1987): Nhà văn hiện đại, quê Hà Nội. Đi nhiều, hiểu rộng, cộng tác đắc lực với hệ thống báo chí, sáng tác thể loại văn học đa dạng và sôi nổi tham gia hoạt động sân khấu điện ảnh. Cả con người, phong cách và tác phẩm của ông đều toát lên những điều mới lạ, độc đáo, quý phái mà dân dã, dễ mến, dễ yêu. Ông từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và để lại các tác phẩm văn chương nổi tiếng: Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua, Tùy bút kháng chiến, Sông Đà...
NGUYỄN HỮU THỌ (1910-1996): Luật sư, chính khách yêu nước, quê Long An. Năm 1921 ông được cha mẹ cho sang Pháp du học, tốt nghiệp cử nhân luật năm 1932. Năng động, mạnh mẽ, giàu chí tiến thủ, ông mở văn phòng luật sư và tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ dân chủ, hòa bình, chống thực dân, đế quốc; từng nhiều lần lãnh đạo các cuộc biểu tình rầm rộ, bị địch bắt giam, tra tấn, tù đày. Năm 1961, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976 ông được cử giữ chức Phó Chủ tịch nước, từ năm 1980 làm Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho đến lúc qua đời (1996). Góp công lớn cho phong trào cách mạng và dân chủ đất nước, ông được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý.
Đông Hải
Ý kiến bạn đọc