Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 ở Đắk Lắk: Mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt
Cách đây vừa tròn 50 năm, vào Tết Mậu Thân năm 1968, quân dân ta đã tiến hành tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt tại 4/6 thành phố, 37/46 thị xã và hàng trăm thị trấn trên toàn miền Nam.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 gây chấn động nước Mỹ và dư luận quốc tế, làm đảo lộn về thế bố trí chiến lược trên chiến trường, làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ”, giáng một đòn mạnh vào ý chí xâm lược, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, mở ra điều kiện và thời cơ cho những đòn tiến công tiếp theo mà đỉnh cao là Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương, Khu ủy V và Mặt trận Tây Nguyên, cuối năm 1967, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã quyết định chọn thị xã Buôn Ma Thuột là chiến trường trọng điểm trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Để chuẩn bị cho hướng trọng điểm, ta đã tăng cường điều tra tình hình địch và chuẩn bị các bàn đạp tiến công từ các hướng khác nhau. Các cơ sở nội tuyến đã cung cấp sơ đồ, bản đồ về đường đi, lối lại và các vị trí, lực lượng địch, đưa ra ngoài cho bộ đội lập kế hoạch tác chiến. Thị ủy Buôn Ma Thuột đã kết nạp thêm đảng viên, lập thêm các chi bộ, các đội tự vệ cảm tử, các tổ giao liên dẫn đường và chuẩn bị kế hoạch phát động quần chúng nổi dậy. Các cơ sở trong công chức, công nhân và các tầng lớp lao động khác ở vùng ven và trong nội thị đã may nhiều cờ Mặt trận, tích trữ lương thực, thuốc men, đào nhiều hầm bí mật để che giấu điện đài và cán bộ vào trước. Vùng nông thôn, các đồn điền, dinh điền, các thị trấn đều được chỉ đạo chuẩn bị nổi dậy phối hợp với bộ đội diệt địch, giành chính quyền.
Sau quá trình chuẩn bị chu đáo, theo lệnh của trên, cuộc tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột bắt đầu lúc 0 giờ 45 phút ngày 30-1-1968 bằng tiếng nổ của dàn hỏa tiễn pháo mặt đất (DKB) bắn vào các mục tiêu trong nội thị để áp chế địch và làm hiệu lệnh cho quân ta trên các hướng nổ súng tấn công. Cùng với cuộc tấn công quân sự ở thị xã, ở một số đường phố, quần chúng được cán bộ cơ sở chuẩn bị trước đã xuống đường chiếm trụ sở thôn ấp, xé cờ và khẩu hiệu của địch, treo cờ cách mạng, rải truyền đơn, dán khẩu hiệu, lùng bắt bọn ác ôn, kêu gọi binh lính đầu hàng. Trong lúc cuộc tiến công diễn ra quyết liệt ở Buôn Ma Thuột thì ở các huyện như Buôn Hồ, Cư M’gar, M’Đrắk, Tây Cheo Reo... cũng đồng loạt nổ ra các hoạt động tiến công địch. Ở nông thôn, quần chúng các huyện Buôn Hồ, Bắc Buôn Ma Thuột, huyện Lắk gồm trên 18.000 người với khí thế khởi nghĩa kéo về thị xã Buôn Ma Thuột. Cánh đông nhất và đấu tranh quyết liệt nhất là ở phía đông, với trên 9.000 người gồm đồng bào Kinh ở các khu dinh điền giải phóng và đồng bào các dân tộc H8, H9 - vùng căn cứ kháng chiến của tỉnh theo đường 21 tiến về thị xã.
Đại diện Thành Đoàn Buôn Ma Thuột tặng hoa tri ân các cựu chiến binh từng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: V. Anh |
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Đắk Lắk diễn ra ác liệt suốt những ngày Tết Mậu Thân, với hai lực lượng cơ bản là quân sự và chính trị, theo phương thức kết hợp đấu tranh chính trị với tiến công quân sự, kết hợp phong trào nổi dậy của quần chúng với tiến công quân sự của các lực lượng vũ trang, kết hợp tiến công của lực lượng vũ trang với sự nổi dậy của quần chúng, vừa tiêu diệt địch, vừa giành quyền làm chủ địa phương…
Trong năm 1968, quân và dân Đắk Lắk còn tiến hành các đợt hoạt động tiến công và nổi dậy khác cùng với phong trào chung của Tây Nguyên và toàn miền Nam, như đợt tháng 3 đến tháng 4-1968, tập kích vào sân bay Buôn Ma Thuột, Khu Công chánh, bắn DKB vào sân bay Buôn Ma Thuột, sân bay Hòa Bình, dùng súng cối pháo kích Sở chỉ huy của Trung đoàn 45, Sư đoàn 23 ngụy. Cuối tháng 8-1968, ta thực hiện đợt tấn công lớn lần thứ 2 (X2) đánh vào nhiều vị trí địch ở Buôn Ma Thuột, dọc đường 21, quận lỵ Đức Lập, đồn điền Mê Van, vây ép, quấy rối, bức rút nhiều vị trí địch. Tuy nhiên, đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân là giành được thắng lợi to lớn và toàn diện nhất.
Riêng trong đợt tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, ta đã tiêu diệt và làm tan rã hơn 2.000 tên địch, diệt 1 đại đội Mỹ, 3 đại đội bảo an, 1 đại đội biệt kích, tiêu hao nặng Tiểu đoàn 31 Fulro, Tiểu đoàn 23 Biệt động, Sư bộ 23, thu nhiều vũ khí đạn dược. Được sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực, quân dân trong tỉnh đã tiến công đồng loạt vào 41 mục tiêu quan trọng của địch trong toàn tỉnh, trong đó có hầu hết các cơ quan đầu não của ngụy quyền, ngụy quân trong thị xã Buôn Ma Thuột. Quân và dân ta đã đánh phá sân bay thị xã, sân bay Hòa Bình, phá hủy 28 máy bay, bắn rơi 2 máy bay, đánh chiếm và làm chủ một số vị trí quan trọng của địch trong thị xã từ 3 - 5 ngày. Ở các huyện trên địa bàn tỉnh, quân và dân các huyện đã đồng loạt tiến công vào hầu hết các cơ quan đầu não, các sở chỉ huy và đồn bốt địch ở địa phương, đẩy địch vào thế khó khăn và bị động, sa sút ý chí và tinh thần, gây cho địch một số thiệt hại. Ở nông thôn, được sự phối hợp của lực lượng vũ trang, nhân dân đã nổi dậy đánh phá ấp chiến lược, giành quyền làm chủ cho trên 5.000 dân, giải phóng được buôn ấp, phá lỏng kềm kẹp tại nhiều ấp khác, bắt cải tạo hàng trăm tên tề, ngụy các loại. Với khí thế đấu tranh sôi sục, ở một số nơi địch phải nhượng bộ và đáp ứng yêu sách của quần chúng: thả những người bị bắt, cứu chữa những người bị thương, cung cấp gạo, muối cho nhân dân…
Trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Đắk Lắk, trừ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 toàn thắng sau này, chưa có cuộc động binh và huy động lực lượng nào có quy mô và khí thế cao như Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Ta đã chuẩn bị tốt và thực hiện quyết tâm đánh nhiều vị trí quan trọng của địch trong thị xã; phối hợp kịp thời giữa tấn công và nổi dậy, nông thôn và thị xã, đưa hàng vạn quần chúng xuống đường với khí thế quyết liệt; phối hợp chặt chẽ giữa quân sự, chính trị với binh vận, kịp thời sử dụng lực lượng nội tuyến đánh và tiêu diệt nhiều địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, gây tác động lớn đến tinh thần binh lính địch ở trong tỉnh.
Dù Tổng tiến công và nổi dậy Mâu Thân 1968 ở Đắk Lắk không đạt được đầy đủ mục tiêu đã đề ra, nhưng thắng lợi của Tết Mậu Thân về trình độ tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy và ý chí quyết tâm, tinh thần chiến đấu hy sinh dũng cảm, kiên cường, bất khuất của quân và dân các dân tộc trong tỉnh sẽ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt mà Đảng bộ, quân và dân Đắk Lắk đã góp phần vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc. |
Đinh Duy Linh
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Ý kiến bạn đọc