Multimedia Đọc Báo in

Người vẽ bản đồ cho trận đánh Buôn Ma Thuột năm ấy

08:49, 29/03/2018

Tuy không cầm súng xông pha trận mạc nhưng ông đã thầm lặng góp công cho chiến thắng vang dội ngày 10-3-1975 nhờ tấm bản đồ mở đường cho cuộc hành quân giải phóng Buôn Ma Thuột. Đó là ông PHẠM TẬP, hiện đang sinh sống tại 57 Điện Biên Phủ, TP. Buôn Ma Thuột.

Dẫu đã ngoài tuổi 85 nhưng ông Tập vẫn còn nhớ như in những năm tháng gian khổ cùng người cha nuôi là ông Phan Kim Ngọc (Tám Ngọc) làm cơ sở điệp báo của Sở Công an (Công an tỉnh) và cùng vẽ nên tấm bản đồ phục vụ trận đánh Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975…

Ông Tập sinh năm 1933, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam. Năm 1954, sau khi đi tập kết không thành, ông được gia đình gửi vào Sài Gòn để học nghề thợ may. Những năm tháng sinh sống ở Sài Gòn, ông được cán bộ Tổng cục II (Bộ Quốc phòng) kêu gọi, móc nối hoạt động tình báo. Năm 1962, thân phận bị địch phát hiện, ông Tập lên Buôn Ma Thuột dạy may và được ông Tám Ngọc nhận làm con nuôi. Từ đây, ông Tập cùng cha nuôi dưới vỏ bọc là làm đồn điền cà phê để bí mật cung cấp lương thực cho quân ta và làm cơ sở điệp báo trong nhiều năm liền. Sau khi lập gia đình với bà Phan Thị Kim Khánh (con gái ông Ngọc), ông càng trở thành người thân cận hỗ trợ đắc lực cho cha vợ trong mọi hoạt động cách mạng.

Ông Phạm Tập.
Ông Phạm Tập.

Nói về tấm bản đồ dẫn đường cho quân giải phóng tiến vào giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột năm xưa, ông Tập không giấu được niềm tự hào: “Với niềm mong mỏi và tin tưởng chắc chắn rằng thị xã Buôn Ma Thuột sẽ được giải phóng, tôi và cha vợ  quyết định phải vẽ tấm bản đồ, xác định cho được những vị trí then chốt của địch để giúp quân ta lên kế hoạch tiến công”. Với suy nghĩ đó, từ năm 1973, ông đã khéo léo ngụy trang đi khắp các con đường lớn, nhỏ trong thị xã để quan sát, tìm hiểu các vị trí và hoạt động của địch. Sau 1 năm ròng rã quan sát, nắm chắc “đường đi lối về” của địch, cha con ông Tập bắt tay vào việc vẽ bản đồ.

 
“Tấm bản đồ thị xã Buôn Ma Thuột mà cha con ông Tập cùng nhau vẽ trước giải phóng đã cung cấp cho quân ta vị trí các cơ quan đầu não của địch, hệ thống bố phòng, trận địa của địch cũng như những mục tiêu quan trọng trong thị xã như: Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, các đồn cảnh sát... giúp cho Bộ chỉ huy mặt trận bổ sung phương án tiến công địch”. 
 
Đại tá  Hoàng Lâmnguyên Phó Phòng Điệp báo An ninh khu V, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh

Ông Tập kể, cha vợ ông (ông Tám Ngọc) là thợ mộc, có bàn tay khéo léo và căn chỉnh được độ chính xác cao nên là người cầm bút vẽ, còn ông cung cấp vị trí và dữ liệu. Cứ thế tấm bản đồ dần được hình thành, trước tiên là những con đường lớn đã được trải nhựa như Quốc lộ 14, đường Nguyễn Tất Thành, Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu, Hoàng Diệu, Nguyễn Văn Trỗi, Tôn Thất Thuyết (đường Lê Hồng Phong ngày nay)… Trong tấm bản đồ ấy, cha con ông đặc biệt chú trọng và tính toán kỹ vị trí, khoảng cách của  Sư đoàn 23 (Sở chỉ huy của địch) tới các trung đoàn, đồn, bốt của địch, vị trí kho đạn Mai Hắc Đế, sân bay L19… sau đó đánh dấu bằng các ký tự đặc biệt. Ngoài ra, tấm bản đồ còn được cha con ông tỉ mỉ vẽ những con hẻm, đường tắt để quân ta có thể tiến công nhanh hoặc rút lui khi cần thiết.

Đến cuối năm 1974, tấm bản đồ hoàn thành và được bí mật giao lại cho ông Lê Tiết Tiếu (Việt Châu), Tổ trưởng Tổ trinh sát (Sở Công an) lúc bấy giờ để chuyển cho bộ chỉ huy mặt trận bổ sung phương án tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột.

Kho đạn của địch ở cuối đường Mai Hắc Đế là một trong những vị trí then chốt trong tấm bản đồ của cha con ông Tập.
Kho đạn của địch ở cuối đường Mai Hắc Đế là một trong những vị trí then chốt trong tấm bản đồ của cha con ông Tập.

Sau ngày Buôn Ma Thuột được giải phóng, ông Tập giúp việc cho Tỉnh ủy một thời gian, sau đó lần lượt về công tác tại nhiều đơn vị như xã Ea Tu, Hợp tác xã Nông nghiệp Krông Ana, Liên minh Hợp tác xã tỉnh… và đến năm 1990 thì nghỉ hưu.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.