Tự hào truyền thống gia đình cách mạng
Vượt lên những đau thương, mất mát, nhiều thế hệ trong gia đình cựu chiến binh Rơ Lan Niên (phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn tiếp bước con đường cách mạng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào Tổ quốc cần.
Căn nhà nhỏ của vợ chồng Thiếu tá Rơ Lan Niên (nguyên Phó Chủ nhiệm Hậu cần, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) nằm lọt thỏm giữa con đường Hoàng Diệu sầm uất, rộng lớn. Nơi đó, ông dành vị trí trang trọng nhất để đặt 3 tấm bằng Tổ quốc ghi công (trong đó có bố vợ, Liệt sỹ Rơ Châm Bônh, hy sinh năm 1969) và bằng truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bốn người con ưu tú của Tổ quốc, thuộc hai thế hệ trong một gia đình đã không tiếc máu xương, lần lượt gửi lại thanh xuân giữa chiến trường vì độc lập tự do của dân tộc.
Mặc dù luôn cố gắng nở nụ cười để giấu đi cảm xúc trong lúc trò chuyện, nhưng khi nhắc đến người thân, khuôn mặt ông vẫn hằn lên những đau thương. Rơ Lan Niên (còn gọi Ra Lan Niên) – người con của đồng bào Ja Rai sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai). Mặc dù cha qua đời từ khi tám anh em còn rất nhỏ (riêng Rơ Lan Niên thì mẹ mang thai được 3 tháng), nhưng dưới sự chăm lo, dạy dỗ của mẹ, cả tám người con đều trưởng thành, lần lượt lên đường vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ông Rơ Lan Niên ôn lại truyền thống cách mạng của gia đình. |
Hai năm liên tiếp (1968 và 1969), 2 người anh của Rơ Lan Niên là Ra Lan Lim, Ra Lan Đim đã lần lượt ngã xuống ở chiến trường huyện Krông Pa khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông Ra Lan Niên xót xa kể lại rằng, lúc mới hy sinh, cả hai người anh đã được đồng đội chôn cất, đắp mồ cẩn thận, nhưng sau đó địch tiếp tục dội bom B52 xuống khu vực này khiến các nấm mồ chỉ còn là những hố bom sâu hoắm… Nỗi đau như nhân đôi này khiến gia đình ông và bà con Krông Pa thêm căm thù giặc Mỹ, quyết tâm chiến đấu đến cùng.
Nuốt đau thương vào trong, mẹ ông – bà Ra Lan H’Chưng tiếp tục cùng các con tham gia cách mạng. Là cán bộ phụ nữ xã, bà tham gia công tác địch vận, nắm tình hình cơ sở, truyền tin tức, tiếp tế lương thực thực phẩm cho bộ đội. Năm 1962, bị địch nghi ngờ, bắt bớ tra tấn dã man, nhưng bà vẫn quyết không khai, thậm chí còn cùng đồng đội hoạt động cách mạng ngay trong tù. Được thả về khi các vết thương in hằn lên vóc dáng khắc khổ, nhưng người phụ nữ ấy không một lời than thở, vẫn tiếp nối con đường đã chọn. Sau ngày đất nước giải phóng, bà về sinh sống cùng con út – Rơ Lan Niên ở Buôn Ma Thuột và qua đời năm 2002, thọ 105 tuổi. Với nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, năm 2014, bà được truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng…
Đại úy Rahlan Huỳnh (thứ 2, bên phải) được thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh tặng Giấy khen điển hình tiên tiến, giai đoạn 2012 - 2017. |
Chúng tôi luôn tự hào về đại gia đình, về thế hệ cha ông của mình. Họ là những minh chứng sống động, là nguồn cổ vũ lớn để thế hệ con cháu sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao phó”.
Đại úy Rahlan Huỳnh, Trung đoàn 584, Bộ CHQS tỉnh
|
Nhắc đến người anh cả của gia đình, ông Rơ Lan Niên dành khá nhiều yêu thương và cảm phục. Vốn không được bình thường như những người em của mình, ông Ra Lan Du bị bệnh tật từ nhỏ, lại dị tật tay, nên ngoại hình hơi đặc biệt, thoạt nhìn dễ nhầm tưởng bị câm, điếc. Ông Du đã biến điều khiếm khuyết này của bản thân thành lợi thế hoạt động cách mạng ngay trong lòng địch, khiến chúng không hề nghi ngờ, hay biết. Nhờ diệu kế ấy, ông đã truyền rất nhiều thông tin quý giá cho cách mạng.
Ngày đất nước giải phóng, tám anh em trong gia đình họ Ra Lan (còn gọi Rơ Lan, hoặc Rahlan), có người trở về, có người ra đi mãi mãi, và cũng có những người phải sống khoảng đời còn lại với những di chứng chiến tranh, đó là ông Ra Lan Hà. Gần 10 năm bị tù đày (từ năm 1966 đến ngày đất nước giải phóng), với những màn tra trấn kinh hoàng, ác độc của địch, ông Ra Lan Hà nhiều lần chết đi sống lại. Về với cuộc sống thường ngày, nhưng mỗi khi lên cơn bệnh động kinh, ông lại nói sảng, đập phá đồ đạc, chạy trốn, bỏ nhà đi, nhắc gọi đồng đội... Ngoài dùng thuốc mỗi ngày, gia đình phải thường xuyên đưa ông đi khám, chữa trị mỗi khi bệnh trở nặng.
Như nhiều gia đình giàu truyền thống cách mạng khác, hai thế hệ trong gia đình họ Ra Lan đã nếm trải muôn vàn đau thương, mất mát, nhưng sâu thẳm trong mỗi người, họ vẫn luôn tự hào với con đường lựa chọn. Nối tiếp ngọn lửa truyền thống của gia đình, rất nhiều con, cháu ông Rơ Lan Niên: Rơ Lan Ngọc, Rơ Lan Ngân, Rahlan Huỳnh (con trai ông Ra Lan Hà)… đã theo con đường binh nghiệp. Lựa chọn màu xanh áo lính, nghĩa là sẽ thường xuyên đối mặt với gian lao, vất vả, luôn trong tư thế sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào Tổ quốc cần, nhưng họ chưa bao giờ nề hà điều đó.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc