Multimedia Đọc Báo in

Thăm những trận địa của Chiến khu Việt Bắc xưa

10:10, 23/12/2018

Theo câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ Việt Bắc: “Nhớ Sông Lô, nhớ Phố Ràng/Nhớ từ Cao Lạng, nhớ sang Nhị Hà”, chúng tôi trở về hai địa danh là Sông Lô (Phú Thọ) và Phố Ràng (Lào Cai), nơi lưu giữ những chứng tích ghi dấu một thời oanh liệt của quân và dân ta trong những năm kháng chiến chống Pháp nơi Chiến khu Việt Bắc.

Bản hùng ca chiến thắng sông Lô

Lần theo những ca từ của “Trường ca sông Lô” (Văn Cao): “Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u/Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu/Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang/Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa…”, chúng tôi đến thăm Tượng đài Chiến thắng sông Lô tại núi Đồn, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), nơi cách đây 71 năm đã diễn ra trận đánh oanh liệt của quân và dân ta nhằm chặn đường tiến quân của Pháp lên Việt Bắc.

Tượng đài  Chiến thắng  Sông Lô.
Tượng đài Chiến thắng Sông Lô.

Năm 1947, khi tình hình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn cam go, thực dân Pháp có ý đồ mở cuộc tấn công quy mô lớn lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt quân chủ lực của ta, phá hủy căn cứ địa kháng chiến, kết thúc chiến tranh xâm lược Việt Nam một cách nhanh chóng. Thực dân Pháp đã huy động hơn 2.000 quân tinh nhuệ, 800 xe cơ giới, 40 máy bay, 40 ca nô, tàu chiến tấn công lên Việt Bắc.

Nắm bắt được âm mưu và kế hoạch của thực dân Pháp, ngày 15-10-1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”. Ngày 24-11-1947 tàu chiến của Pháp theo dòng sông Lô tới Chí Đám (Đoan Hùng, Phú Thọ) đã bị trúng trận địa thủy lôi của ta. Thắng lợi thôi thúc ý chí, ta tiếp tục truy kích địch diệt thêm nhiều lính giặc. Tính tổng cộng trên mặt trận sông Lô thu đông năm 1947, ta đã tiêu diệt hơn 1.000 tên địch; 10 tàu chiến và 1 ca nô; hạ 1 thủy phi cơ, thu rất nhiều vũ khí, đạn dược và đồ dùng quân sự. Quân dân ta đã cắt đứt hướng tấn công của thực dân Pháp trên con đường lên chiến khu Việt Bắc.

Dòng sông Lô xanh thẳm là mồ chôn của biết bao tên lính Pháp, nhấn chìm dưới đáy sông biết bao tàu chiến và súng pháo của kẻ thù. Nơi đây đã trở thành bản trường ca lịch sử về ý chí và tinh thần dân tộc. Sức lan tỏa của Chiến thắng sông Lô đã trở thành sức mạnh và niềm tin cho quân và dân ta nơi Chiến khu Việt Bắc. Cuối tháng 11-1947, tại lễ mừng chiến thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: “Chiến thắng Đoan Hùng như một luồng gió mát thổi lan khắp Việt Bắc trong những ngày nóng bỏng nhất của cuộc chiến tranh...”.

Trận Phố Ràng bên dòng sông Chảy

Trận Phố Ràng đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cùng với chiến thắng sông Lô, trận Phố Ràng đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, đồng thời nhanh chóng phá vỡ hệ thống phòng thủ liên hoàn của thực dân Pháp, góp phần quan trọng vào việc mở các chiến dịch tiếp theo.

Đồn Phố Ràng là nơi đóng sở chỉ huy tiểu khu địch với quân số hơn một đại đội, có pháo và nhiều ụ đại liên phòng thủ kiên cố phía trong những hào sâu. Phía bắc và phía tây là vực sâu, phía nam được bao bọc bởi đá, phía đông là dòng sông Chảy. Vị trí của đồn khống chế cả đường bộ và đường sông. Không một sự lưu thông nào có thể thoát được tầm khống chế của súng đạn địch.

Xác định được vị trí chiến lược và âm mưu của kẻ thù, năm 1949 bộ đội chủ lực của ta mở chiến dịch Sông Thao nhằm phá vỡ phòng tuyến của địch kéo dài từ Nghĩa Lộ - Bảo Hà - Phố Ràng - Nghĩa Đô - Yên Bình (Hà Giang), tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá thế uy hiếp của chúng đối với căn cứ địa Việt Bắc từ phía tây. Ngày 19-5-1949 chiến dịch bắt đầu. Trong vòng vài ngày quân ta diệt hai vị trí là Đại Lục và Đại Phác (Trấn Yên) thuộc phân khu Nghĩa Lộ, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch ở hữu ngạn sông Hồng thuộc tỉnh Yên Bái.

Tháng 6-1949, bộ đội ta chuyển hướng lên đánh địch ở tiểu khu Phố Ràng. Đồn Phố Ràng được xây dựng trên cao điểm 442, là vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, khống chế toàn bộ khu vực lòng chảo tiểu khu quân sự Phố Ràng. Sau hơn 40 giờ chiến đấu liên tục với khí thế mãnh liệt kiên cường dũng cảm, đúng 8 giờ ngày 26-6-1949, quân ta đã làm chủ trận địa, hạ được đồn, bắt sống được tên quan ba chỉ huy đồn, tiêu diệt hơn một đại đội địch. Đồn Phố Ràng bị hạ, một bộ phận nhỏ quân địch rút chạy theo hai hướng về Nghĩa Đô và Lào Cai. Sở chỉ huy Phố Ràng bị tiêu diệt đã làm rung chuyển tuyến phòng thủ của địch từ Phố Lu đến Nghĩa Đô, gây cho địch hoang mang lo sợ.

Chiến thắng Phố Ràng đã đi vào lịch sử, với thiên ký sự “Trận Phố Ràng” nổi tiếng của liệt sỹ, nhà văn Trần Đăng.

Phố Ràng hôm nay là thị trấn trung tâm của huyện Bảo Yên (Lào Cai). Vẫn còn đó Khu di tích lịch sử Đồn Phố Ràng như một chứng nhân lịch sử của những ngày chiến đấu oanh liệt, như nhắc nhở, giáo dục thế hệ trẻ hôm nay.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.