Multimedia Đọc Báo in

Tấm lòng sắt son của người dân vùng căn cứ

08:15, 20/01/2019

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mật danh H9 (huyện Krông Bông) không chỉ được biết đến là vùng căn cứ địa vững chắc của cách mạng ở tỉnh Đắk Lắk mà đã trở thành huyền thoại về những tấm lòng sắt son của người dân vùng căn cứ.

Ông Y Nguôm Byă, cán bộ lão thành cách mạng ở xã Cư Pui (huyện Krông Bông) kể lại: Sau khi vùng 4 (B5) - tiền thân của huyện H9 được giải phóng, đồng bào các dân tộc Êđê, M’nông trên địa bàn đã giác ngộ theo Đảng làm cách mạng với tấm lòng kiên trung, son sắt dẫu rằng có những lúc phải “lấy hang đá làm nhà, lấy rễ tranh làm muối, lấy củ rừng thay cơm”. Năm 1962, địch đánh phá ác liệt, để bảo toàn lực lượng, Tỉnh ủy chủ trương đưa đồng bào sơ tán đến nơi an toàn. Trong 12 ngày băng rừng, lội suối, nhiều người bị sốt rét rừng chết dọc đường hoặc như chị H’Wăn Niê địu con trước ngực, khi đi qua mõm đá, con bị rơi xuống vực sâu chết, chị đành gạt nước mắt tiếp tục đi theo cách mạng chứ không chịu quay về vùng địch kiểm soát.

Bà Amí Rin (buôn Ngô A, xã Hòa Phong) từng đóng góp một con voi cho cách mạng vận chuyển vũ khí, lương thực.
Bà Amí Rin (buôn Ngô A, xã Hòa Phong) từng đóng góp một con voi cho cách mạng vận chuyển vũ khí, lương thực.

Mùa khô 1966 - 1967, cùng với căn cứ Khuê Ngọc Điền, căn cứ Lễ Giáo (nay là xã Hòa Lễ) là nơi trọng điểm đánh phá của địch, trên không máy bay B52, B57 thả chất độc hóa học, rải bom bi, dưới đất dùng trọng pháo bắn phá dữ dội, địch đi càn đến đâu, đốt phá đến đó hòng triệt hạ nguồn kinh tế của ta. Ông Trần Toản, cán bộ hưu trí xã Hòa Lễ nhớ lại: Giặc đốt phá đến đâu, bà con lại đào hầm hào dựng lán trại tạm bằng tranh tre lá nứa. Có những lúc đói cơm, lạt muối, bà con vẫn cưu mang bộ đội; thực hiện vườn không, nhà trống để tránh bị địch tịch thu hoặc đốt phá lương thực. Chi bộ đảng đã vận động bà con đúc chum bằng xi măng để đựng thóc, đào hầm chôn giấu để không bị phát hiện mỗi khi địch đi càn.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, hàng nghìn người dân vùng căn cứ H9 trên tay giương cao cờ Mặt trận, khẩu hiệu, biểu ngữ, vượt trên 80 cây số đường rừng tiến vào thị xã Buôn Ma Thuột đấu tranh chính trị. Ngoài Má Hai (Huỳnh Thị Hường) ở xã Khuê Ngọc Điền hy sinh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, còn rất nhiều tấm gương sắt son, kiên trung, dũng cảm.

Điển hình như: Trong lúc bị địch ngăn chặn, đứa con trên tay bà Nguyễn Thị Bạn ở xã Khuê Ngọc Điền bị trúng đạn chết, bà vẫn cố nén đau thương, đặt xác con bên gốc cây rồi tiếp tục cùng đoàn đấu tranh chính trị tiến lên phía trước; hay bà Trịnh Thị Diêu (thường gọi là bà Cần) ở Lễ Giáo bị địch bắn vào chân trái ngã xuống đất, trên tay vẫn còn bế đứa con thơ ba tuổi, khi bà đứng dậy được thì đoàn người biểu tình đã đi xa nhưng bà vẫn bế chặt con thơ băng lên hòa với đoàn biểu tình mặc cho vết thương đang rỉ máu; còn có những người đi theo đoàn biểu tình rồi bị thất lạc trong rừng nhiều ngày nhưng vẫn tìm đường trở về căn cứ, quyết không để sa vào tay giặc. Trước đó, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, hàng chục phụ nữ xã Khuê Ngọc Điền tự mang theo ngô, sắn làm lương thực ra tận Buôn Hồ và ngược lên thượng nguồn sông Ea H’leo tải đạn, tải lương thực. Cũng trong thời điểm này, nhân dân xã Khuê Ngọc Điền còn đóng góp hơn 20 tấn lương thực và 3.000 đồng tiền mặt để giúp bộ đội, du kích tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968.

Bà Trịnh Thị Diêu (thôn 1, xã Hòa Lễ) từng bị thương trong cuộc đấu tranh chính trị Tết Mậu Thân 1968.
Bà Trịnh Thị Diêu (thôn 1, xã Hòa Lễ) từng bị thương trong cuộc đấu tranh chính trị Tết Mậu Thân 1968.

Ông Đoàn Hữu, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Lễ cho biết, trong suốt 10 năm từ 1965 đến 1975, đồng bào Lễ Giáo đã tám lần sơ tán vào sâu trong chân núi Chư Yang Sin tránh sự truy lùng của địch để bảo tồn lực lượng; cùng với dân và quân H9 xây dựng căn cứ địa vững chắc, góp phần phá vỡ các chiến lược chiến tranh của địch…

Năm 1969 toàn căn cứ bị mất mùa, đồng bào Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao đã giao hết các rẫy sắn cho bộ đội làm nguồn lương thực dự trữ tại chỗ. Ở Lễ Giáo, gia đình các ông Nguyễn Đức Hoa, Bùi Chánh, Phạm Thượng, gia đình bà Nguyễn Thị Chẩm, ông Hồ Thạc, ông Trần Nhuận và nhiều hộ khác ở căn cứ Khuê Ngọc Điền… sẵn sàng ăn khoai, sắn để dành lúa, gạo đóng góp cho cách mạng và nuôi dưỡng thương binh… Vì nghĩa lớn “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ”, gia đình bà Amí Rin, ông Ama Phang ở buôn Ngô (Hòa Phong), gia đình ông Y Blanh Byă, gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang Y Ơn Niê ở buôn Dak Tuôr (Cư Pui) đã đóng góp cho cách mạng mỗi gia đình một con voi để vận chuyển vũ khí, đạn dược và lương thực.

Sự hy sinh, gian khổ và những đóng góp to lớn về nhân tài, vật lực của người dân vùng căn cứ H9 (Krông Bông) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là không có gì sánh nổi. Những tấm lòng sắt son đó đã trở thành huyền thoại, mãi mãi là một bản hùng ca bi tráng trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng và Nhà nước phong tặng cho dân và quân huyện Krông Bông.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.