Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh Trà Vinh: Công trình của Trái tim
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thị xã Trà Vinh (nay là thành phố Trà Vinh - tỉnh Trà Vinh) được xây dựng trong thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở giai đoạn cam go, ác liệt nhất, không chỉ là biểu tượng cho lòng thành kính, biết ơn của nhân dân đối với công lao trời biển của Bác Hồ mà còn là một minh chứng lịch sử về phong trào đấu tranh cách mạng “anh dũng, kiên cường” của quân và dân Trà Vinh.
Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên Ban Quản lý Khu di tích Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh Trà Vinh, để có được ngôi Đền thờ Bác như ngày hôm nay, quân và dân xã Long Đức anh hùng đã phải trải qua những năm tháng chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, hy sinh máu xương và cũng lập nhiều chiến công hiển hách. Biểu tượng ngôi Đền đã làm cho quân thù “kinh hồn, bạt vía”, đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân Trà Vinh chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Long Đức là vùng giải phóng, được bao bọc bởi 3 con sông Cổ Chiên, Long Bình và Ba Trường, nhưng chỉ cách trung tâm đầu não tỉnh Vĩnh Bình của Ngụy quyền (tức tỉnh Trà Vinh theo cách gọi của Ngụy quyền) 4 km và cách trung tâm hành quân hỗn hợp của Mỹ 1,5 km. Trung tâm này có rất nhiều thứ quân của địch, như: Sư đoàn 9 Bộ binh Ngụy; Hạm đội Giang đỉnh Hải quân Mỹ; Đại đội Biệt kích Mỹ; Tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến Mỹ; Tuần giang hạm Vùng 4 chiến thuật; Tiểu đoàn địa phương quân; Tiểu đoàn cảnh sát dã chiến. Các lực lượng quân sự này còn được yểm trợ của hỏa lực, không quân.
Nhà sàn Bác Hồ với tỷ lệ 97% so với nguyên bản tại Hà Nội đã được dựng lên trong khuôn viên Đền thờ. |
Một ngày đầu tháng 9-1969, viên Tỉnh trưởng Vĩnh Bình là Trung tá Nguyễn Văn Tài cho máy bay đầm già quần thảo trên bầu trời suốt ngày để loan tin: “Chúng tôi xin thông báo đến đồng bào biết, Cụ Hồ đã từ trần. Cụ Hồ là người lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã chết. Chúng tôi mong những người lỡ theo Cộng sản hãy về với quốc gia”. Nghe địch nói vậy, người dân Long Đức không tin, nên mở Đài Tiếng nói Việt Nam nghe để kiểm chứng. Khi biết tin chính xác Bác mất, cả làng trên xóm dưới đều khóc. Nhiều người dân tự vấn khăn tang, đốt nhang hướng mặt về hướng Bắc khấn lạy Bác. Đồng thời, mọi nhà cùng cúng cơm để tang Bác theo phong tục địa phương suốt 49 ngày. Đầu năm 1970, Thị ủy Trà Vinh họp thảo luận, thống nhất và được Tỉnh ủy Trà Vinh chấp thuận xây dựng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ban chỉ đạo xây dựng đền thờ Bác được thành lập ngay buổi họp đó. Trưởng ban là ông Trần Văn Khuyên, Ủy viên Tuyên huấn thị xã Trà Vinh; ủy viên là chị Nguyễn Thị Tiếm, Bí thư Xã đoàn Long Đức.
Ban chỉ đạo xây dựng Đền thờ Bác đã họp rất căng thẳng để tìm địa điểm. Đất Long Đức rộng, nhưng phần lớn diện tích trũng thấp, mùa mưa ngập lụt. Vả lại, nếu xây ở nơi quá hẻo lánh, sẽ bất tiện cho người dân đến viếng. Vùng đất cao ráo nhất, thuận tiện đi lại nhất là ấp Vĩnh Hội thì chính quyền Ngụy đã lập đồn trấn giữ. Sau khi bàn bạc, đã đi đến thống nhất: Bằng mọi giá phải xây Đền thờ Bác tại ấp Vĩnh Hội, chỉ cách đồn lính 300m. Với khoảng cách đó, vị trí xây đền nằm trong tầm tác xạ của lính gác chuồng cu trong đồn. Đồng chí Nguyễn Văn Trị (Hai Trị), Ấp đội trưởng được giao nhiệm vụ “trị” lính gác chuồng cu. Hai Trị viết ngay một lá thư tay gửi cho đồn trưởng là Thượng sĩ Danh. Nội dung bức thư viết: “Ê thượng sĩ Danh. Mày có lý tưởng của mày, tao có lý tưởng của tao. Vài hôm nữa tao xây đền thờ cho cha tao là Cụ Hồ. Nếu mày quân tử, đừng cho lính bắn ra. Nếu mày chơi không quân tử thì cái đồn của mày không yên đâu. Ký tên: du kích Hai Trị”. Ngoài ra, bộ phận binh vận cũng tác động thêm lính trong đồn.
Ngày 10-3-1970 là ngày khởi công xây dựng đền. Dự kiến ngày 2-9-1970 sẽ khánh thành. Để bắt tay khởi công, đồng chí Hai Trị dẫn du kích ra địa điểm được chọn xây đền để đào trước hệ thống công sự chiến đấu và hầm tránh bom, pháo. Lính trong đồn biết nhưng không bắn ra phát nào. Long Đức tuy là xã nghèo nhưng chỉ trong một tháng vận động, bà con đã đóng góp được 200.000 đồng Việt Nam cộng hòa. Ai ai cũng nô nức góp công xây dựng. Ban chỉ đạo xây dựng đền đã chia luân phiên mỗi ngày 2 ấp tham gia xây dựng. Và để tránh địch đánh phá, công việc xây dựng chỉ tiến hành vào ban đêm. Cứ 5 giờ chiều, bà con tập trung tại điểm tập kết, rồi cơ động ra vị trí xây Đền. Người bện dây, người đắp nền rất nhộn nhịp, khẩn trương. Nhiều cháu nhỏ, người già cũng tham gia. Thi thoảng pháo trong căn cứ và pháo từ chiến hạm dưới sông Cổ Chiên bắn tới, mọi người phải nhảy xuống hầm trú ẩn. Khi tiếng đạn pháo yên, công việc xây Đền tiếp tục.
Lính trong đồn không dám bắn ra, nhưng báo cáo về tiểu khu. Ngày 15-4-1970, Trung tá Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Tài huy động hàng nghìn lính đủ sắc áo, có cả trực thăng, phi pháo trợ chiến, tiến vào vị trí xây Đền. Quyết không lùi bước, lực lượng du kích và tổ bảo vệ Đền đánh trả quyết liệt. Người du kích tên Tèo bị Tổng Quang bắt sống mổ bụng, chặt đầu đem về thị xã, hòng uy hiếp phong trào đấu tranh. Để trả thù cho đồng đội, đồng chí Hai Trị đón đường rút quân của địch, gài trái nổ diệt Tổng Quang. Chiến dịch xóa Đền của địch kéo dài suốt mấy tháng mới chấm dứt. Trong thời gian diễn ra chiến dịch, du kích và bộ đội chi viện đã loại khỏi vòng chiến đấu 300 tên địch.
Đền được khánh thành vào ngày 26-1-1971, tức ngày 30 tháng Chạp Tết Nguyên đán Tân Hợi. Ngôi đền xây trên diện tích 16 m2, mái lợp lá, khung sườn bằng gỗ, nền xi măng. Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cắm tung bay trên nóc ngôi Đền. Họa sĩ Phong Ba được Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Trà Vinh cử về vẽ bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chất liệu sơn dầu, có kích thước 0,78 x 1,00 m, dựa trên bức ảnh trắng đen do một cán bộ tập kết mang về. Sau khi khánh thành, từ ngày 26-1-1971 đến 4-2-1971 hơn 10.000 lượt người dân các nơi đến Đền thắp hương viếng Bác.
Khách tham quan đến dâng hương viếng Bác và thăm khu di tích. |
Ngôi Đền, như một cái gai đâm vào mắt địch, một tháng sau, Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Tài tiếp tục mở chiến dịch càn quét. Tiểu đoàn địa phương quân kết hợp máy bay quần thảo từ sáng đến chiều mới tiến vào được ngôi Đền. Lực lượng ta đánh trả kiên cường, viên Thiếu tá chỉ huy trực tiếp chiến dịch tử thương. Lính Ngụy châm lửa đốt Đền. Riêng bức chân dung Bác Hồ, chúng không dám đốt mà cho người khiêng về dinh Tỉnh trưởng. Khi địch rút đi, du kích trở lại Đền thì thấy lá thư của một người lính, kèm 500 đồng Việt Nam cộng hòa, thư có nội dung: “Vì bị bắt buộc tôi phải làm chuyện đại nghịch này, tôi rất hối hận, xin gửi lại chư vị ít tiền cúng vào việc trùng tu Đền thờ Cụ Hồ”. Ngày hôm sau, hàng trăm quần chúng Long Đức kéo vào cùng quần chúng nội ô đấu tranh đòi địch phải trả bức chân dung. Trước đòi hỏi chính đáng của người dân, tên Tỉnh trưởng buộc phải hứa trả lại nhưng sau đó nuốt lời, giấu mất bức chân dung lịch sử ấy.
Việc xây dựng lại và bảo vệ ngôi Đền được Thị ủy, Thị đội Trà Vinh và Đảng ủy, lực lượng vũ trang và nhân dân Long Đức triển khai một cách chặt chẽ. Chiều ngày 14-2-1972, nhằm ngày Ba mươi Tết Nhâm Tuất, Đền thờ Bác Hồ được khánh thành lần thứ hai trong niềm hân hoan của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Long Đức. Ngày 3-10-1972, một lần nữa địch cho máy bay đến bắn phá hủy diệt, ngôi Đền bị bốc cháy, nhưng tổ bảo vệ và nhân dân Long Đức đã kịp thời dập lửa, bảo vệ được ngôi Đền. Tính đến ngày đất nước thống nhất, ngôi đền thờ Bác 3 lần bị địch đốt, bắn cháy rụi và 3 lần xây cất lại với tổng thời gian 2 năm 6 tháng.
Trong gần 5 năm xây dựng và bảo vệ Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang và nhân dân Long Đức, thị xã Trà Vinh đã phối hợp nhuần nhuyễn ba mũi giáp công, bẻ gãy hàng chục trận càn quét, hàng trăm trận đánh phá bằng máy bay, pháo binh, tàu chiến của địch, loại ra khỏi vòng chiến đấu hơn 300 tên địch. Hơn 20 cán bộ, chiến sĩ và quần chúng đã anh dũng hy sinh cho sự tồn tại của ngôi Đền, trong đó có nhiều gương hy sinh anh dũng như Nguyễn Văn Lượm, Nguyễn Văn Trị. Đội nữ du kích Long Đức, dưới sự chỉ huy của đồng chí Phan Thị Nhờ đã dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công trong quá trình bảo vệ Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh… Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã khái quát ngôi đền là “Công trình của Trái tim”.
Từ năm 1989, khi Đền thờ được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Trà Vinh đã nhiều lần trùng tu, tôn tạo và xây Đền thành khu di tích, trên khuôn viên rộng 5,4 ha với các hạng mục chính như: Đền thờ Bác Hồ; Nhà trưng bày thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh; Khuôn viên cây xanh; Ao cá; Khu vui chơi cắm trại. Đặc biệt, năm 2012, theo quy hoạch của hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh trên cả nước, phiên bản Nhà sàn Bác Hồ với tỷ lệ 97% so với nguyên bản Nhà sàn Bác Hồ tại Thủ đô Hà Nội đã được dựng lên trong khuôn viên Đền thờ.
Bà Hồng Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Đền thờ Bác Hồ tỉnh Trà Vinh tự hào cho biết: “Bình quân mỗi năm có hơn 50 nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến viếng Bác và tham quan quan khu di tích. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước mỗi dịp đến làm việc tại địa phương cũng tổ chức đến dâng hương tại Đền thờ Bác”. Đền thờ và khu di tích đã trở thành địa chỉ đỏ về phong trao đấu tranh cách mạng, là biểu trưng của tấm lòng người dân Trà Vinh đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bình Định
Ý kiến bạn đọc