Những cái Tết khó quên
Trong thời khắc chuẩn bị tiễn biệt năm cũ, đón mừng năm mới, những cựu giáo chức thời kháng chiến chống Mỹ đã chia sẻ về kỷ niệm đón Tết khó quên trong rừng với niềm xúc cảm trào dâng.
Trong hồi ức của thầy giáo Hà Ngọc Đào (nguyên Phó Ban Giáo dục Đắk Lắk giai đoạn 1973-1975, lãnh đạo Sở GD-ĐT giai đoạn 1976-2002) kỷ niệm về những lần đón Tết trong rừng thật đầm ấm dẫu khó khăn, thiếu thốn. Suốt thời gian từ 1965-1975, là ngần ấy năm thầy Đào đón Tết ở rừng.
“Hồi đó, thú rừng, cá còn nhiều nên thực phẩm không đáng lo, tuy nhiên để có gạo nếp gói bánh chưng thì khá khó khăn. Mọi người đã phải lấy ngô non giã nhuyễn thay gạo nếp gói bánh. Vẫn biết làm như vậy là trái với quy định vì lúc bấy giờ cấm ăn ngô non, phải đợi ngô thật già mới được ăn để tiết kiệm. Tuy nhiên, cấp trên cũng đã linh động cho mọi người làm vài cái bánh chưng cho thêm hương vị Tết.
“Đó còn là kỷ niệm thầy trò Trường nội trú tỉnh - lúc ấy tôi làm Hiệu trưởng cùng quây quần đón giao thừa bên chiếc đài bán dẫn để nghe không khí đón Tết Nguyên đán Tân Hợi (năm 1971) trong cả nước. Bữa cơm giao thừa “khá tươm tất” với cơm nguội và món đu đủ trộn cùng với muối ớt, rau rừng. Trong suốt bữa ăn thầy nhường trò, còn trò lại kính thầy, cuối cùng... thừa. Mọi thứ rất đơn sơ nhưng thực sự nồng ấm tình yêu thương”, thầy Đào bồi hồi nhớ lại.
Cựu cán bộ, giáo chức cùng sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. |
Mỗi dịp Tết, bàn thờ Bác Hồ được bày trí với Quốc kỳ, ảnh Bác, hoa thì hái trong rừng, nhang được làm từ rễ cây sâm rừng phơi khô rồi đốt lên cho thơm. Mọi thứ rất đơn giản nhưng trang nghiêm và ấm cúng”.
Thầy giáo Hà Ngọc Đào
|
Còn đối với thầy giáo Nguyễn Trúc (vào Nam năm 1965, nguyên Hiệu trưởng Trường Sư phạm, Trường Bổ túc Văn hóa tỉnh) thì kỷ niệm đáng nhớ là vào Tết Nguyên đán Bính Ngọ năm 1966 khi ông cùng đồng đội đi công tác và đón Tết trên đường Trường Sơn. Vừa leo dốc vừa đón giao thừa trong cơn mưa tầm tã, mọi người tự điều chỉnh cự ly để được đi gần người mang chiếc radio nhằm nghe rõ lời Bác Hồ chúc Tết và cùng thích thú, vỡ òa cảm xúc khi nghe bản hợp xướng “Ca ngợi Tổ quốc” của nhạc sĩ Hồ Bắc vào thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và mới.
Thầy Trúc hồi tưởng: “Sáng mồng Một, khi đến nơi trú quân, anh em rủ nhau ăn Tết với sữa bột và đường. Hai món này được dùng rất dè xẻn, chỉ khi nào thấy thật đuối sức mới dùng đến. Bình thường là ăn khô, một muỗng sữa, một muỗng đường, nhưng vì là Tết nên đã pha thêm một muỗng đường vào ly nước. Thế là ăn Tết xong, anh em tranh thủ chợp mắt rồi tiếp tục lên đường”.
Được chi viện vào Đắk Lắk năm 1972, thầy giáo Lê Hữu Chỉnh (nguyên Trưởng Ban Giáo dục H9 - huyện Krông Bông ngày nay) cũng có nhiều kỷ niệm đón Tết khó quên. Đó là vào Tết Quý Sửu năm 1973 khi đoàn công tác gồm 31 người được trạm giao liên chia hai chiếc bánh chưng để ăn Tết. Mỗi người được một miếng bánh nhỏ, nhưng ai cũng thấy ấm lòng vì đậm đà hương vị của quê hương. Vào dịp Tết, mỗi bộ phận có nhiệm vụ khác nhau: người chuẩn bị lương thực; người đi cắm chông, gài mìn để ngăn địch; người thì canh gác… nhưng khi thời khắc giao thừa thì tất cả mọi người đều đứng dậy nghiêm trang, chỉnh tề để lắng nghe lời chúc Tết từ Bác Tôn (Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng) qua sóng radio. Thầy giáo Chỉnh nhớ lại: “Thời ấy nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn tràn đầy nhiệt huyết của lòng yêu nước và tin tưởng nhất định cách mạng sẽ thắng lợi”.
Cựu giáo chức Đắk Lắk tặng sách cho các sinh viên. |
Những ký ức đón Tết trong rừng vẫn mãi tươi nguyên trong lòng của các cựu giáo chức tham gia kháng chiến chống Mỹ dù nay tuổi đã cao. Qua mỗi câu chuyện kể chúng tôi thêm trân quý tinh thần yêu nước của các nhà giáo - chiến sĩ sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc. r
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc