Multimedia Đọc Báo in

Vẹn nguyên ký ức về Bác

11:27, 03/02/2019

Dù đã hơn 50 năm trôi qua kể từ ngày được gặp Bác, được làm việc bên Bác, nhưng mỗi khi nhắc về những kỷ niệm ấy, người kể chuyện vẫn rơi nước mắt vì kính yêu, cảm phục nhân cách lớn của một con người vĩ đại.

Mùa xuân không bao giờ quên của người con Hà Quảng

Ở tuổi 78, mái đầu đã bạc trắng, nhưng ông Nông Khánh Tôn (tổ dân phố 14, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn nhớ như in ký ức lần đầu tiên gặp Bác Hồ khi Người về thăm lại Pác Bó mùa xuân năm 1961.

Quê hương của ông Nông Khánh Tôn là xã Nà Sác, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Nơi đây ghi dấu sự ra đời Chi bộ đầu tiên của châu Hà Quảng vào năm 1931. Cha ông, cụ Nông Hiền Hữu cũng là thế hệ đảng viên đầu tiên, tham gia cách mạng từ năm 1927 trong tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, từng bảo vệ Bác Hồ trong thời gian Bác hoạt động bí mật ở Pác Bó. Mẹ ông, cụ Đàm Thị Sang cũng từng may quần áo, khâu giày cho Bác Hồ trong khoảng thời gian này. Qua lời kể của cha mẹ, ông Nông Khánh Tôn luôn giữ trong lòng niềm thành kính lớn lao về Bác. 

Ông Nông Khánh Tôn (áo đen) kể về bức ảnh mẹ ông được chụp cùng với Bác Hồ trong lần Người về thăm Cao Bằng.
Ông Nông Khánh Tôn (áo đen) kể về bức ảnh mẹ ông được chụp cùng với Bác Hồ trong lần Người về thăm Cao Bằng.

Bởi lẽ ấy, khi được biết Bác Hồ sẽ về thăm lại Pác Bó vào mùa xuân năm 1961, ông Tôn đã thao thức cả đêm, chỉ mong trời mau sáng để được gặp Người. Ngày 20-2-1961, ông Tôn cùng nhóm học sinh trường cấp 2 Sóc Giang đón Bác Hồ ở ngã ba Đôn Chương. Ông Tôn nhìn thấy Bác Hồ bước xuống từ chiếc xe Com-măng-ca cũ, mặc trang phục giản dị, trông Bác thật hiền hòa, gần gũi. 

Từ ngã ba Đôn Chương vào đến Pác Bó còn khoảng 8 cây số đường mòn men sườn núi rất khó đi. Huyện ủy Hà Quảng đã chuẩn bị sẵn ngựa nhưng Bác nhất quyết không cưỡi mà đi bộ cùng cả đoàn, vừa đi vừa trò chuyện và ôn lại kỷ niệm những ngày còn hoạt động cách mạng bí mật. Chỉ khi đến những đoạn đường đèo dốc khó đi mọi người đề nghị mãi Bác mới chịu lên ngựa.

Đến bản Pác Bó, người già, người trẻ ở Hà Quảng đã đợi sẵn từ lâu, ai nấy đều rạng rỡ, mừng vui khi được gặp Bác. Bác hỏi thăm và chúc Tết mọi người bằng tiếng Tày. Bác bảo Bác về đây là về thăm nhà khiến nhiều người xúc động bật khóc. Bác cũng không quên căn dặn bà con đoàn kết xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, góp sức cùng cả nước chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau đó, Bác lần lượt phát kẹo cho học sinh và các cháu thiếu nhi. Cầm trên tay chiếc kẹo Bác tặng, ông Tôn cứ mân mê mãi món quà quý ấy không nỡ ăn.

Ông Tôn còn nhớ, lúc nghỉ chân bên suối Lê Nin, Bác bảo ông Tố Hữu làm thơ. Tố Hữu lại mời Bác, Người bèn ứng khẩu bài thơ: 

“Hai mươi năm trước ở hang này

Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây

Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu

Non sông gấm vóc có ngày nay”.

Ông Tôn lẩm nhẩm theo lời Bác và thuộc làu bốn câu thơ ấy cho đến nay. 

Sau lần gặp Bác Hồ, ông Tôn ra sức học tập và làm đơn tình nguyện tham gia bộ đội biên phòng, học tại Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang. Tại đây, ông được gặp Bác Hồ 2 lần nữa vào năm 1964 và 1965 khi Bác Hồ về trường dự lễ khai giảng. Hoàn thành khóa huấn luyện, ông về lại quê hương, công tác tại Đồn biên phòng Nặm Nhũng (nay là Đồn biên phòng Lũng Nặm), cùng tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc của đất nước. Những kỷ vật về Bác được gia đình cất giữ cẩn thận, tuy nhiên, sau ba lần cháy nhà trong chiến tranh biên giới, gia đình ông chỉ còn giữ lại được duy nhất tấm ảnh Bác Hồ chụp ảnh cùng mẹ ông và mẹ vợ ông trong lần Bác về thăm Cao Bằng. Kỷ vật ấy là niềm tự hào để ông bà nhắc nhở con cháu nỗ lực học tập, rèn luyện, góp sức cùng xây dựng đất nước.

Hồi ức của người cảnh vệ

Gần 10 năm làm cảnh vệ tại Phủ Chủ tịch, ông Nguyễn Xuân Dương (thôn 19, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) đã giữ trong lòng nhiều kỷ niệm đẹp về đức tính giản dị và tình yêu thương bao la của Bác Hồ.

Ông Nguyễn Xuân Dương quê ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Mười bảy tuổi, ông đã đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, trở thành thanh niên xung phong và có mặt ở tuyến đầu mặt trận Điện Biên Phủ. Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ giải quyết hậu quả chiến tranh. Đến năm 1959, sau một thời gian ngắn trở về quê hương, ông Dương được điều động tham gia khóa huấn luyện cảnh vệ và được bảo vệ Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch.

Thời bao cấp nhiều thiếu thốn, bữa ăn cốt chỉ cho no. Bác Hồ dù rất bận rộn nhưng vẫn thường xuyên đến thăm nhà bếp, kiểm tra bữa ăn của mọi người. Bác luôn dặn dò đội ngũ cảnh vệ phải ăn no mới có sức hoàn thành nhiệm vụ. Những ngày lễ, tết, Bác không quên nhắc nhà bếp phải cho anh em “ăn tươi”. Mặc dù phần “ăn tươi” cũng chỉ là những vật phẩm anh em tự nuôi, tăng gia cải thiện, nhưng mọi người đều quý lắm.

Ông Nguyễn Xuân Dương cất giữ cẩn thận tấm ảnh ông được tháp tùng Bác Hồ trở về sau chuyến công du Ấn Độ .
Ông Nguyễn Xuân Dương cất giữ cẩn thận tấm ảnh ông được tháp tùng Bác Hồ trở về sau chuyến công du Ấn Độ.

Về phần mình, Bác ăn uống rất đơn giản, thanh đạm. Bữa ăn hằng ngày, Bác rất thích rau dưa, nhất là món nhút mít quê nhà. Bác vốn rất tiết kiệm. Ở cương vị Chủ tịch nước, nhưng Bác cũng chỉ có mấy bộ quần áo giản dị. Bác thường nhắc các chị phục vụ giặt quần áo cho Bác chỉ cần giặt kỹ phần cổ áo và gấu quần, không nên dùng nhiều xà phòng để tránh lãng phí và nhanh hỏng quần áo. Một lần, thấy chị phục vụ phơi mặt phải quần áo ra bên ngoài,  Bác nhẹ nhàng nhắc: “Cháu nên phơi mặt trái, vừa diệt khuẩn, vừa giúp áo đỡ phai màu”.

Bác thường làm việc rất khuya. Nhiều đêm, thấy Bác làm việc đến 1, 2 giờ sáng vẫn chưa ngủ, ông Dương đến gần nhắc khẽ: “Thưa Bác, khuya lắm rồi, cháu mời Bác đi ngủ ạ!” Bác ôn tồn: “Việc hôm này cần lắm cháu ạ, Bác chưa ngủ được đâu!”. Bác ngủ ít, lại thường thức giấc nửa đêm. Mỗi lần thức giấc, thấy ông Dương cùng đồng đội vẫn làm nhiệm vụ, Bác luôn ân cần hỏi han: “Các cháu có đói bụng không?”. Những đêm trời rét, thấy cảnh vệ vẫn thức canh giấc ngủ cho Bác, Bác thương mà rơi lệ.

Kỷ vật về Bác mà ông Dương còn giữ được là tấm ảnh ông tháp tùng Bác Hồ trong chuyến công du Ấn Độ cắt từ một tờ báo và chiếc băng đen để tang ngày Bác Hồ mất. Với ông, những năm tháng được làm cận vệ cho Bác Hồ là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất trong cuộc đời. Đến nay, dù tuổi cao, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, ông Dương vẫn luôn nêu cao lối sống giản dị, tiết kiệm theo gương Bác. Ông thường xuyên liên hệ với lực lượng Công an xã Hòa Khánh, theo dõi sách báo Đảng, tích cực tham gia đóng góp ý kiến để cùng xây dựng địa phương.

Đinh Nga

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.