Multimedia Đọc Báo in

Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột: Bài toán bảo tồn và tôn tạo

08:26, 27/04/2019

Ngày 24-12-2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg công nhận Nhà đày Buôn Ma Thuột là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Đây là niềm vinh dự lớn lao, đồng thời cũng là trách nhiệm, thách thức đặt ra đối với chính quyền địa phương cùng nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích trên.

Giới thiệu, thuyết minh “suông”

Bà Lý Thị Hương Nhàn, Trưởng Phòng Tuyên truyền - Ban Quản lý di tích tỉnh chia sẻ: Hiện tại, khách đến tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột, chủ yếu được nghe hướng dẫn viên giới thiệu, thuyết minh “suông” về những giá trị lịch sử to lớn của di tích này do hình ảnh, tư liệu và hiện vật ở đây còn quá nghèo nàn. Ví như muốn tìm hiểu, chứng thực sự đày ải khốn cùng của chế độ thực dân Pháp đối với những người yêu nước bị giam cầm tại “địa ngục trần gian” này vào thời kỳ 1930 - 1954 thì chỉ có thể tiếp cận qua những câu chuyện kể, tranh vẽ và một vài hiện vật được tái hiện, mô phỏng sơ sài. Còn lại chẳng có gì ngoài 6 dãy nhà lao trống rỗng và đang ngày càng hư hại, xuống cấp.

Cựu tù và thân nhân cựu tù về tham dự Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột.  Ảnh: Đ.Triều
Cựu tù và thân nhân cựu tù về tham dự Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh: Đ.Triều
 
“Nếu được tổ chức, khai thác tốt các giá trị mang tính chất gốc tiêu biểu của di tích lịch sử này để vừa bảo tồn, vừa phát triển du lịch (và ngược lại) thì chắc chắn đây là một điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách”.
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà

Về hồ sơ số tù chính trị bị giam cầm tại Nhà đày Buôn Ma Thuột trong giai đoạn trên, bà Kpă Tố Nga, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh cho biết, đến nay chỉ mới sưu tầm và hoàn thiện khoảng 1.100 trên tổng số gần 2.000 hồ sơ được xác định.

Mặc dù rất nỗ lực trong việc sưu tầm, tìm kiếm những hình ảnh, tư liệu, hiện vật liên quan đến từng cá nhân tù chính trị ở đây nhằm phục vụ công tác trưng bày, giới thiệu… nhưng thật tình mà nói vẫn còn quá ít ỏi so với tầm vóc và tính chất đặc biệt của di tích lịch sử này. Theo đó, điều đáng quan tâm nhất là vùng lõi của di tích với 3 dãy nhà (hình chữ U) cùng một số hạng mục, công trình kiến trúc khác được xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ trước, hiện đang bị hư hại, xuống cấp đáng kể do không đủ kinh phí đầu tư, tôn tạo.

Trông chờ vào đề án

Được biết, cuối tháng 6-2018, Sở VH-TT-DL đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh xem xét, phê duyệt Đề án “Bảo quản, tu bổ và phục hồi Di tích lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột” với những nội dung cụ thể, cấp bách như: Tôn tạo lại 6 nhà lao, dãy xà lim, cổng vào, tường rào và sân vườn theo đúng yếu tố lịch sử gốc của di tích; Phục dựng và tái hiện lại không gian, hoàn cảnh cụ thể về đời sống sinh hoạt của tù nhân dưới ách cai trị hà khắc và tàn bạo của kẻ thù với sự kết hợp có hiệu quả của công nghệ âm thanh, ánh sáng nhằm thể hiện tính chất đặc biệt của Nhà đày Buôn Ma Thuột trong hệ thống nhà tù  thực dân Pháp tại Việt Nam nói riêng và cả vùng Đông Dương nói chung vào những năm tháng mang thân phận thuộc địa; tiếp tục sưu tầm, phục chế và bổ sung thêm các hiện vật, tư liệu, hình ảnh được trưng bày tại khu di tích để phục vụ khách tham quan.

Cổng chính vào Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Cổng chính vào Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Có thể nói, đề án trên mở ra kỳ vọng biến “địa chỉ đỏ” này trở thành điểm đến hấp dẫn và đầy ý nghĩa cho người dân, du khách tìm về khám phá và trải nghiệm. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, ngoài nguồn lực tài chính không hề nhỏ để đầu tư, tôn tạo theo đường hướng đã vạch ra, thì tầm nhìn của chính quyền địa phương trong bài toán bảo tồn - phát triển ở đây phải thống nhất và xuyên suốt, ít nhất là về mặt nhận thức - rằng đây không đơn thuần là một dự án kinh tế, mà là một phức hợp các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đòi hỏi có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều nghề ở mọi cấp độ và chuyên môn nhằm đạt hiệu quả to lớn nhất, góp phần vào mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

  Phương Đình


Ý kiến bạn đọc