Multimedia Đọc Báo in

Trọn vẹn một niềm tin

08:50, 17/05/2019

Kinh qua 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, Đại tá Nguyễn Hiệp (SN 1930), nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Krông Bông đã trải qua nhiều cương vị công tác trong quân đội. Đến nay ông đã tròn 71 tuổi Đảng và chỉ có một tâm niệm “luôn trọn niềm tin với Đảng”.

Ở cái tuổi 89, dù tóc đã bạc, chân đã chùn, tay run run mỗi khi hoạt động đi lại, nhưng ông Hiệp vẫn còn minh mẫn và đặc biệt là trong ông những kỷ niệm thời kháng chiến vẫn còn in đậm trong tâm trí. Là một trong những vị lão thành cách mạng ít ỏi còn lại trên địa bàn huyện Krông Bông, ông đã trực tiếp tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với nhiều vị trí cốt yếu. Năm tròn 16 tuổi, theo tiếng gọi non sông, từ quê hương Thừa Thiên Huế ông Hiệp tham gia chiến trường khốc liệt ở tỉnh Quảng Trị, phiên chế ở Trung đoàn 95 bảo vệ đường số 9 với vai trò trinh sát trong vùng địch.

Ông Hiệp nhớ lại: “Thời gian đó vô cùng khổ cực nhưng lớp trẻ chúng tôi luôn hăng hái, kiên cường và lúc nào cũng tràn đầy niềm tin. Đi bộ đội được 2 năm thì tôi được giao đảm nhận vị trí Tiểu đội trưởng Tiểu đội trinh sát và càng tự hào hơn là được chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng vào năm 1948”.

Ông Hiệp luôn răn dạy lớp trẻ về truyền thống yêu nước.
Ông Hiệp luôn răn dạy lớp trẻ về truyền thống yêu nước.

Sau nhiều năm vừa chiến đấu, vừa nỗ lực học tập, rèn luyện, năm 1959, ông Hiệp được giao trọng trách Đại đội trưởng Đại đội pháo bờ biển đóng chân ở đảo Cát Bà (TP. Hải Phòng). Năm 1970, ông lại chuyển về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bộ binh (Sư đoàn 325B) để đưa Tiểu đoàn vào tác chiến tại các chiến trường miền Nam, miền Đông và Quân khu 6. Thành công từ các trận chiến mà ông Hiệp dẫn dắt đã góp phần không nhỏ vào công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Sau ngày giải phóng, theo sự phân công của tổ chức, ông Hiệp từng đảm nhận các vị trí: Tham mưu phó tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng, Hiệu trưởng Trường Quân sự tỉnh Đắk Lắk, Tham mưu phó tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Krông Pắc, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Krông Bông… Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và nhận được nhiều Huân, Huy chương cũng như Bằng khen của Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ.

Bức ảnh kỷ niệm ông Hiệp chụp sau khi đất nước thống nhất.
Bức ảnh kỷ niệm ông Hiệp chụp sau khi đất nước thống nhất.

“Chiến đấu ở khắp các chiến trường trên dải đất hình chữ S, trải qua những phút “thập tử nhất sinh” chúng tôi càng thêm yêu quý và tin tưởng hơn ở sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng của nhân dân. Trong thời chiến, nếu không có con đường đúng đắn của Đảng và sự hợp sức của nhân dân thì sẽ không có những ngày bình yên như hôm nay. Trong thời bình cũng vậy, nếu ý Đảng lòng dân có thuận thì mọi việc mới thành công. Chính vì vậy, tư tưởng, niềm tin của các tầng lớp nhân dân chính là động lực để đất nước đi lên”, ông Hiệp chia sẻ.

Nói về kỷ niệm thời chiến, về minh chứng cho sự đồng lòng của Đảng và nhân dân, ông Hiệp không thể nào quên những ngày được giao nhiệm vụ bảo vệ vùng tam giác huyết mạch ở thành phố Phan Thiết (thuộc vùng căn cứ chiến lược tỉnh Bình Thuận) vào năm 1973. Ngày ấy, nhờ được người dân cưu mang, nhường cơm sẻ áo và quan trọng hơn là làm công tác tư tưởng, tình báo trong lòng địch mà quân ta có thể chắc tay súng, giữ vững căn cứ. Đối với quân ta, dân thông tin những chuyển biến trong lòng địch để tìm cách đối phó; đối với quân địch, dân tung “hỏa mù”, thổi phồng uy lực của quân ta khiến địch khiếp sợ…

Sống đến cái tuổi xưa nay hiếm, cuộc sống không còn ngày dài tháng rộng để phấn đấu, nhưng niềm tin của ông Hiệp vẫn luôn trọn vẹn với Đảng. Ông luôn răn dạy và mong mỏi con cháu mình nói riêng và lớp trẻ ngày nay nói chung phải biết trân quý những xương máu mà bao lớp người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, từ đó biết nỗ lực vươn lên, giữ lấy bản lĩnh, tư tưởng cho vững vàng…

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.