Chuyện kể cựu tù
Nhân sự kiện Nhà đày Buôn Ma Thuột được trao Bằng công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vừa được tổ chức, đã có nhiều nhân chứng lịch sử hiện diện tại buổi lễ, trong đó có ba thành viên trong một gia đình. Họ cùng nhau trở lại địa điểm đã lưu dấu những ký ức không thể nào quên tuổi thanh xuân hoạt động cách mạng.
Năm nay đã gần 70 tuổi, song những ký ức bi thương trong chuỗi ngày bị giam cầm tại Nhà đày Buôn Ma Thuột luôn ám ảnh tâm trí cựu tù Phạm Thị Mai. Tháng 5-1969, khi đang tham gia du kích, làm nhiệm vụ bảo vệ làng, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho lực lượng cách mạng nằm vùng thì bà Phạm Thị Mai bị địch bắt, biệt giam ở khu B trong 12 ngày đêm.
Bà lần giở quá khứ, nhớ lại chuỗi ngày tù ngục khủng khiếp: “Tình nghi tôi là người của cách mạng nên bọn địch tra tấn dã man hòng khai thác thông tin. Ngay khi vừa nhập trại, chúng đã có màn “chào hỏi” bằng cách lật dọc thước bảng, đánh vào mười đầu ngón tay bầm tím, đau buốt lên đến tận óc. Những ngày sau, chúng buộc tù nhân ngồi trên ghế cao kẹp điện vào đầu ngón tay cho giật theo dòng điện tăng mạnh dần để rơi té tự do, bất tỉnh”. Song hình thức tra tấn kinh hoàng nhất mà kẻ thù áp dụng cho những tù nhân bị chúng cho là “cứng đầu” là đổ xà phòng vào thùng phuy đầy nước, quậy lên cho nổi bọt trắng xóa, treo ngược tù nhân lên nhúng xuống nước khiến tù nhân sặc sụa, ngạt nước.
Liên tục trong 12 ngày đêm, bà đã nếm chịu tất cả các hình thức tra tấn, hành hạ chẳng khác nào thời trung cổ ấy. Ấy vậy mà đòn roi của kẻ thù không khuất phục được người thiếu nữ tuổi mới tròn đôi mươi ấy. Không khai thác được nguồn tin, địch chuyển bà sang Trung tâm Cải huấn để cải tạo. Hơn một năm sau, bà được thả và tiếp tục hoạt động cách mạng.
Cựu tù Nguyễn Văn Đức, Phạm Thị Ngọc, Phạm Thị Mai (từ trái sang) kể lại chuyện bị địch tra tấn ở Nhà đày Buôn Ma Thuột. |
Trong thời gian bà Phạm Thị Mai ngồi tù, ở nhà người em ruột là Phạm Thị Ngọc thay thế chị, đảm nhận nhiệm vụ theo mẹ là Nguyễn Thị Tiết tiếp tế, thông tin liên lạc với cách mạng. Tháng 6-1970, khi bà đang cùng mẹ vận chuyển lương thực, thực phẩm thì bị địch phát hiện, tấn công, người mẹ hy sinh tại chỗ, còn bà thì bị bắt, giam vào Nhà đày.
Tương tự người chị, bà bị địch tra tấn tàn ác, song tấm gương hy sinh anh dũng kiên trung của người mẹ cùng mối căm hận chồng chất đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực kiên cường giúp bà vượt qua tất cả. “Kết hợp với những thủ đoạn, hình thức tra tấn thể xác tàn khốc trên, bọn địch còn hành hạ tù nhân bằng cách bỏ đói đến kiệt sức, mỗi ngày chúng chỉ cho một bát cơm vơi và một hạt muối”, bà Phạm Thị Mai kể lại.
Hậu quả của 8 ngày bị địch tra tấn ở Nhà đày đến nay vẫn còn, mỗi khi trái gió trở trời, những cơn đau nhức lại kéo về hành hạ, song bà vẫn không một lời than trách, hay hối tiếc vì đã tham gia cách mạng. “Những câu chuyện, hình thức tra tấn mà bản thân tôi từng trải trong thời gian bị giam ở Nhà đày luôn được tôi nhắc nhớ, kể lại cho con cháu để giúp chúng phần nào hình dung, ý thức, trân trọng được giá trị của độc lập tự do mà thế hệ trẻ hôm nay được hưởng”, bà Phạm Thị Ngọc chia sẻ.
Một góc Nhà đày Buôn Ma Thuột. |
Trong khi đó, chồng bà Phạm Thị Ngọc là ông Nguyễn Văn Đức cũng là một cựu tù Nhà đày, bị bắt cùng một dịp với chị bà Ngọc. Khi ấy ông Đức chỉ là cậu thiếu niên 15 tuổi, song rất can trường, gan dạ, đã theo các đàn anh, đàn chị hoạt động cách mạng. Khi bị bắt, ông cùng bà Phạm Thị Mai và hai đồng đội khác không hẹn mà gặp, cả bốn người đều ra ám hiệu, thề trung thành, tuyệt đối không khai báo dù phải đánh đổi bằng mạng sống. Ông Nguyễn Văn Đức bị giam ở Nhà đày 15 ngày. Ngoài những hình thức tra tấn quen thuộc là lấy thước đập đầu ngón tay, kẹp điện, trói ngược người thả vào phuy nước xà phòng… địch còn sử dụng ba ton, dùng hết lực đánh vào lưng, ngực, đầu gối, nhiều tù nhân không chịu nổi đã gục ngã, hy sinh.
Sau 15 ngày đêm tra tấn ở nhà đày, ông bị chuyển sang Trung tâm Cải huấn cải tạo hơn một năm. Trong thời gian này, ông cùng các bạn tù rất đau đớn, tiếc thương khi nghe tin Bác Hồ mất. Không thể công khai tổ chức hoạt động tưởng niệm Bác, mọi người cùng thề hứa bí mật để tang Bác cho đến khi được thả. Sau khi được trả tự do, hai người đồng chí, đồng đội Nguyễn Văn Đức – Phạm Thị Ngọc đã nên duyên vợ chồng.
Hiện các thành viên trong cùng một gia đình cách mạng này đang sinh sống ở thôn Kiên Cường (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột). Con cháu gia đình họ, dù đi đâu, làm gì vẫn luôn tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc