Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về một lá thư gửi từ miền Nam ra Bắc

09:06, 13/07/2019

Chiến tranh đã trôi qua hàng chục năm, nhiều gia đình vẫn còn lưu giữ những lá thư được gửi về từ chiến trường trong giai đoạn đất nước bị chia cắt hai miền Bắc - Nam. Những lá thư ấy là kỷ vật thiêng liêng, là tình cảm cao đẹp của các gia đình, là mối dây khắng khít giữa tiền tuyến – hậu phương…

Đến nay, dẫu đã 90 tuổi đời, cụ Lê Văn Hữu (ở thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) vẫn còn giữ và nhớ như in nội dung lá thư của người em con dì ruột của mình – một người lính trẻ ở chiến trường miền Nam gửi ra miền Bắc hậu phương năm 1966.

Cụ Hữu là chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt giam tù đày trong thời kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, cụ Hữu được ra Bắc theo chương trình trao trả tù binh tại bãi biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.  Trong năm này, người em trai con dì ruột của cụ là Lê Văn Duận cũng tập kết ra Bắc. Anh em gặp nhau, chung sống với nhau và thương yêu nhau hết mực trên đất Bắc trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày anh Duận đăng ký đi B, vào Nam chiến đấu. Người em thường xuyên viết thư thăm hỏi gia đình anh mình, song cụ Hữu chỉ nhận được lá thư duy nhất vào ngày 20-8-1966. Lá thư ấy được cụ Hữu thuộc nằm lòng,  nâng niu gìn giữ. Cụ bảo: lá thư là lời động viên tinh thần cho không chỉ gia đình cụ mà cả tập thể công nhân Nông trường Thống Nhất, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa – nơi cụ công tác hồi ấy.

Cụ Lê Văn Hữu (bên phải)  và cụ Lê Thanh Bình.
Cụ Lê Văn Hữu (bên phải) và cụ Lê Thanh Bình.

Cụ Hữu kể: "Nghe tiếng kính cong phát ra từ chuông chiếc xe đạp, và tiếng gọi vui tươi : “Thư từ Nam, thư từ Nam”… của người đưa thư là cả khu tập thể nông trường sôi nổi hẳn lên. Thư của nhà tôi mà cứ như thư của cả xóm, cả làng vậy. Tối hôm ấy, anh em tập trung tại nhà tôi rất đông, họ hỏi thăm tình hình trong Nam, sức khỏe chú Duận... Họ chuyền tay nhau đọc thư, và niềm vui hiện rõ lên trên mặt mọi người. Còn các bạn trẻ thì ai cũng xuýt xoa rằng: thư trong Nam gửi ra viết trên giấy trắng  thật thích; chữ viết của học sinh miền Nam đều và đẹp, giọng văn người miền Nam cũng nhẹ nhàng tình cảm”…

Quả thật, cụ Hữu đọc thư mà cứ như đọc thơ. Mở đầu thư viết: “Em viết thư cho anh chị giữa lúc hoa mai đang nở rộ khắp miền Nam Bắc như chào đón quân dân khắp hai miền Nam Bắc đánh cho giặc Mỹ thất điên bát đảo, giành những thắng lợi rực rỡ cho dân tộc ta. Em đang sống giữa những ngày cuối cùng của năm cũ. Và đang chuẩn bị bước sang năm mới với khí thế hừng hực xung phong giết Mỹ và bọn tay sai của toàn dân ta. Lòng em sao rạo rực thế…”.

Nơi chiến trường, người chiến sĩ trẻ nhớ lại những kỷ niệm về cái tết đầm ấm của gia đình những năm trước: “Đêm hôm ấy anh em ta cứ chong đèn kể chuyện gia đình cho nhau nghe. Nhưng giờ đây có nhiều chuyện quê hương hay lắm. Ước gì em ở gần anh, em kể cho anh nghe thì thích thú biết chừng nào…”; “Được sống lại những ngày trong lòng nhân dân miền Nam ta nói chung, của quê hương ta nói riêng, tình cảm của bao nhiêu ngày xa vắng quê hương hôm nay được nối lại thật không gì vui sướng bằng... Em sống trong này mặc dù ngày nào cũng phải đội mưa bom bão đạn của Mỹ và tay sai nhưng sống trong tình yêu thương của ruột thịt, của đồng bào, em lúc nào cũng thấy phấn khởi, hăng say chiến đấu không quản hy sinh đến tính mạng… Em sống trong vùng giải phóng của miền Nam nhưng em thấy như đang sống trong miền Bắc…”

Sau lá thư ấy, cụ Hữu không nhận được thêm lá thư nào từ người em của mình nữa. Cụ Hữu nhớ lại: “Hơn chục năm ròng không nhận được thư em, thỉnh thoảng tôi lại đem thư cũ ra đọc… Càng đọc nỗi nhớ thương người em đang chiến đấu nơi chiến trường càng thêm da diết. Và sau đó, vì chiến tranh khốc liệt, chúng tôi thất lạc tin nhau, mãi cho đến ngày thống nhất đất nước hai anh em đều mang vợ con về thăm quê nhà Quảng Trị mới gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi và tình cảm lại gắn kết như ngày xưa”. Có lẽ với 2 anh em cụ Hữu, trong cái tình cảm của máu mủ ruột thịt họ còn có nghĩa tình đồng chí đồng đội, của những người cùng chung tay xây dựng quê hương, bảo vệ đất nước thời Nam – Bắc bị chia cắt đôi đường.

Sau năm 1975, cũng như người anh ở Đắk Lắk, người em sống ở Khánh Hòa, tích cực hăng say xây dựng quê hương, luôn gương mẫu trong cuộc sống, nhiệt tình trong hoạt động xã hội. Người em Lê Văn Duận vào Nam chiến đấu đã đổi tên là Lê Thanh Bình, như để thể hiện mong ước lớn nhất của bản thân cũng như của mọi người dân Việt Nam là mong cho đất nước thanh bình…

Xuân Hòa


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.