Vai trò của quân và dân Đắk Lắk trong chiến dịch Tây Nguyên (Bài 2)
Bài 2: Quân dân phối hợp giải phóng Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk
Theo kế hoạch và nhiệm vụ được phân công, từ ngày 4 đến ngày 9-3-1975, bộ đội ta đã đánh cắt đường 19, 21 và tiến công Thuần Mẫn, Đức Lập, cô lập hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột. 16 giờ ngày 9-3, toàn bộ lực lượng tham gia đánh Buôn Ma Thuột (12 trung đoàn) rời khu tập kết chuyển lên triển khai tiến công địch trên năm hướng. 2 giờ 3 phút ngày 10-3, trận đánh Buôn Ma Thuột lịch sử bắt đầu với đòn của các đội đặc công, thuộc Trung đoàn 198 đánh vào sân bay thị xã, khu kho Mai Hắc Đế, hậu cứ Trung đoàn 53. Phối hợp với đặc công, pháo binh ta pháo kích vào Sư đoàn bộ Sư đoàn 23, Tiểu khu Đắk Lắk, các khu pháo binh, thiết giáp của địch. Lợi dụng kết quả của đòn hỏa lực pháo binh, bộ binh trên các hướng triển khai tiến công.
Trên hướng Đông Bắc thị xã, Trung đoàn 95B đánh chiếm Ngã Sáu, sau đó cùng với xe tăng có cơ sở của ta dẫn đường tiến vào chiếm Tiểu khu Đắk Lắk. Hướng Tây Bắc, Trung đoàn 148 đánh chiếm điểm cao Cư Êbur, sau đó phát triển vào khu pháo binh, thiết giáp và hậu cứ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 45. Hướng Tây Nam, Trung đoàn 174 sau khi đánh địch phản kích hòng chiếm lại khu kho Mai Hắc Đế đã cùng 1 đại đội xe tăng chiếm điểm cao Cư Dluê, kho xăng và khu vực các đại đội trực thuộc của Sư đoàn 23. Hướng Tây, Trung đoàn 24 cùng xe tăng, thiết giáp thọc sâu vào Sở Chỉ huy Sư đoàn 23, đánh chiếm được khu truyền tin, khu quân y.
Đồng bào Tây Nguyên múa hát mừng chiến thắng. Ảnh: Thanh Tụng/TTXVN |
Từ 6 đến 8 giờ ngày 11-3, ta pháo kích mãnh liệt vào căn cứ Sư đoàn 23, đồng thời bộ binh, xe tăng từ ba hướng tiến công vào căn cứ. Đến 11 giờ ta làm chủ trận địa.
Trong khi bộ đội chủ lực đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong thị xã, Đội công tác chính trị do đồng chí Ama H’Oanh - Bí thư Thị ủy Buôn Ma Thuột phụ trách cũng tiến vào thị xã bắt liên lạc với các cơ sở cũ, vận động nhân dân nổi dậy diệt ác ôn, truy lùng tề điệp, giành chính quyền ở từng khu phố. Đại đội 1, Tiểu đoàn 301 phối hợp cùng chủ lực diệt các ổ đề kháng còn sót lại trong thị xã, truy quét tàn quân địch, bảo vệ đường phố, trụ sở chính quyền mới thành lập... Ngoài đội công tác, lực lượng tại chỗ như thanh niên, học sinh, phụ nữ, công nhân viên chức... cũng tham gia công tác cách mạng theo khả năng của mình.
Ngày 18-3-1975, Ủy ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột do đồng chí Y Blốk Êban, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh làm Chủ tịch ra mắt trước 300 đại biểu nhân dân tại đình Lạc Giao. Các đoàn cán bộ tiếp quản của các ngành hành chính, an ninh, kinh tế, hậu cần, văn hóa, giáo dục, y tế của tỉnh cùng với đoàn cán bộ của khu tăng cường đã triển khai các mặt công tác nhanh chóng ổn định tình hình và đời sống nhân dân trong thị xã.
Về quân sự, lực lượng làm nhiệm vụ tiêu diệt yếu khu Đức Xuyên (Tiểu đoàn 301 và 401 bộ đội địa phương tỉnh Đắk Lắk) ngày 7-3-1975 đã vào vị trí tập kết sẵn sàng chiến đấu. Song kế hoạch đánh chiếm Buôn Ma Thuột diễn ra thuận lợi, Bộ Tư lệnh chiến dịch nhận thấy không cần thiết phải đánh Đức Xuyên nên lệnh cho lực lượng này chuyển về Nam đường 21. Sau khi thị xã Buôn Ma Thuột được giải phóng, lực lượng này được giao nhiệm vụ đánh quận lỵ Lạc Thiện và chặn địch tháo chạy trên đường 21 kéo dài về phía Nam.
Mặc dù thị xã Buôn Ma Thuột đã được giải phóng, nhưng các vùng ngoại vi xung quanh thị xã và các huyện thuộc tỉnh Đắk Lắk, địch vẫn còn lực lượng. Hơn nữa, ngày 12-3, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu điện cho Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy: "Phải giữ Buôn Ma Thuột bằng bất cứ giá nào". Với quyết tâm bảo vệ vững chắc thành quả vừa giành được, Bộ Tư lệnh chiến dịch giao nhiệm vụ tiêu diệt Sư đoàn 23 ngụy cho Sư đoàn 10. Trong 5 ngày (từ 14 đến 18-3), với 4 trận tiến công, Sư đoàn 10 (thiếu) cùng Trung đoàn 25 đã tiêu diệt Sư đoàn 23 và Liên đoàn biệt động số 21, đập tan ý định phản kích hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột của chúng.
Phối hợp với bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang và các đội công tác các huyện đánh diệt địch ở cơ sở, hỗ trợ nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Tại quận lỵ Thuần Mẫn, lực lượng vũ trang huyện bao vây, tiêu diệt 1 trung đội nghĩa quân của địch, giải phóng quận; đồng thời phát động nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ, truy quét bọn ác ôn, ổn định tình hình để nhanh chóng thành lập chính quyền cách mạng.
Tại Cheo Reo, Đại đội 303 cùng lực lượng vũ trang huyện diệt và làm tan rã 1 đại đội bảo an, 2 trung đội nghĩa quân, giải phóng 78 buôn, 23 khu ấp. Đại đội phối hợp đội công tác tạo mọi điều kiện giúp đỡ, bảo vệ cho hơn 4.000 dân phá ấp chiến lược trở về buôn cũ. Tăng cường phối hợp với các lực lượng bảo vệ chính quyền cách mạng, nhanh chóng ổn định tình hình.
Tại hai huyện 9 và 11 (Krông Bông, Krông Pắc), lực lượng vũ trang huyện và du kích đánh 20 trận, diệt và làm tan tã 4 trung đội nghĩa quân, bức rút nhiều đồn bốt dọc đường 21, tiến công chốt buôn Hằng, diệt và làm tan rã 1 tiểu đoàn nghĩa quân, phát động nhân dân phá ấp chiến lược. Ngày 18-3, phối hợp cùng với bộ đội chủ lực đánh chiếm Chi khu Phước An và 6 điểm chốt dọc Quốc lộ 21, phá bung 30 khu dồn dân, 5 dinh điền, 7 đồn điền.
Tại huyện 5 (Cư M’gar), lực lượng vũ trang huyện đã tiến công địch ở Quảng Nhiêu, Phú Học, Mê Wal, làm tan rã 4 trung đội nghĩa quân, phối hợp cùng với tiểu đoàn 6, trung đoàn 24 tấn công cao điểm Cư M’gar, ta nhanh chóng giành thắng lợi, loại khỏi vòng chiến đấu Tiểu đoàn bảo an số 255, thu toàn bộ vũ khí, giải phóng 6.000 dân.
Tại huyện 1 (M'Đrắk), sau khi chủ lực diệt và làm tan rã Trung đoàn 40, Sư đoàn 22 và 4 Tiểu đoàn bảo an ngụy vừa được tăng cường đến để ngăn chặn ta (22-3), lực lượng vũ trang huyện phát động nhân dân địa phương nổi dậy giành quyền làm chủ quận lỵ Khánh Dương và toàn bộ 18 khu ấp và 45 buôn trong toàn huyện.
Xe tăng quân giải phóng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975 trong chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu TTXVN |
Tại huyện 4 (quận Buôn Hồ), nắm vững thời cơ khi các đơn vị chủ lực tiến công vào các mục tiêu lớn của địch, lực lượng vũ trang huyện nhanh chóng phối hợp với các đội công tác đột nhập vào các khu dồn, kêu gọi binh lính nộp vũ khí, phát động nhân dân đứng lên giành quyền làm chủ. Trên đà thắng lợi, từ ngày 12-3 đến ngày 23-3, lực lượng vũ trang tiến công giải phóng khu dồn Ea Đê buôn Ea Kly B, Ea Hồ, buôn Klát, buôn Wít, Cung Kiệm, An Lạc, Thiện An, Từ Cung, Đạo Tế… giải phóng 9 xã thuộc Buôn Hồ và 2 xã của Buôn Ma Thuột, gồm 71 ấp, 91 buôn, 1 đồn điền, 6 dinh điền, 1 khu di dân, 18 thôn, với tổng cộng hơn 43.000 dân, tiêu diệt và bắt 600 tên địch, gọi hàng 1.680 binh lính, sĩ quan ngụy và hơn 4.000 nghĩa quân phòng vệ dân sự của địch.
Tại huyện 10 (huyện Lắk), ngày 18-3, 2 tiểu đoàn 301 và 401 bộ đội địa phương tỉnh đánh diệt quận lỵ Lạc Thiện, giải phóng hoàn toàn huyện Lắk với 17.000 dân. Nắm vững thời cơ khi địch hoang mang cao độ, tỉnh tiếp tục triển khai lực lượng tiến về giải phóng quận Đức Xuyên, chi khu Đầm Roòn. Ngày 24-3, toàn bộ các huyện phía Nam của tỉnh được giải phóng. Kết quả ta đã tiêu diệt 89 tên, bắt 182 tên địch, trong đó có tên Quận trưởng quận Lạc Thiện và Chi khu trưởng Đầm Roòn, diệt và làm tan rã tiểu đoàn 245 và 1 đại đội bảo an, 35 trung đội nghĩa quân, bắt gọn 2 khung Tiểu đoàn Fulrô và 350 tên địch từ Đức Xuyên rút chạy về Đà Lạt, thu 2.000 súng các loại, 17 xe quân sự, giải phóng hơn 18.000 dân.
Chỉ 20 ngày trong tháng 3-1975 lịch sử (từ ngày 5 đến ngày 24-3-1975), quân chủ lực đã đánh đòn quyết chiến chiến lược, diệt và làm tan rã toàn bộ quân chủ lực phòng ngự và rút chạy của Quân đoàn 2 ngụy cùng với toàn bộ binh khí kỹ thuật trên địa bàn Đắk Lắk và Tây Nguyên, hỗ trợ và tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt bọn địch ở cơ sở, phát động quần chúng nổi dậy làm chủ và giải phóng hoàn toàn 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh của địch là Đắk Lắk, Quảng Đức, Phú Bổn với khoảng 400.000 dân. Đến ngày 24-3-1975, tỉnh Đắk Lắk hoàn toàn được giải phóng.
Duy Linh
Ý kiến bạn đọc