Multimedia Đọc Báo in

Nơi Bác Hồ phong hàm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp

09:33, 29/04/2020

Chúng tôi về ATK Định Hóa (Thái Nguyên), dừng chân ở đồi Pụ Đồn (xã Phú Đình) dưới chân đỉnh đèo De. Nơi đây có nhà bia lịch sử ghi dấu ấn nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cách đây 72 năm, vào ngày 28-5-1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì lễ phong hàm Đại tướng đầu tiên của quân đội ta cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam. Địa điểm này thuộc đồi Pụ Đồn, thôn Nà Lọm (nay là Tỉn Keo), xã Phú Đình (Định Hóa - Thái Nguyên). Trong tư liệu của Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa đã ghi: “Trước đó, tại phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 19-1-1948 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã quyết định phong quân hàm cấp tướng, tá cho cán bộ quân đội. Ngày 20-1-1948 tại Phủ Chủ tịch – mái lán cọ đơn sơ ở Khuôn Tát (xã Phú Đình), Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm cấp tướng cho một số cán bộ lãnh đạo – chỉ huy quân đội, quân hàm Đại tướng: Võ Nguyên Giáp, quân hàm Trung tướng: Nguyễn Bình, quân hàm Thiếu tướng: Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.    Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Tư liệu lịch sử còn ghi chép, trước ngày diễn ra lễ phong tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương đã làm công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng mọi việc để buổi lễ diễn ra “đơn giản nhưng long trọng” (theo yêu cầu của Bác Hồ). Theo dự định, lễ phong hàm sẽ được tổ chức vào buổi sáng nhưng do trời mưa to, các con suối dâng nước cao không lội qua được nên phải chuyển sang buổi chiều. Đến 12 giờ trưa, trời bắt đầu tạnh mưa, đến 13 giờ thì lễ phong tướng bắt đầu. Lịch sử còn khắc ghi giây phút xúc động và thiêng liêng của buổi lễ phong tướng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều binh khiển sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho” (Dẫn theo tư liệu Di tích ATK Định Hóa).

Được Bác Hồ và nhân dân tin tưởng, giao trọng trách, nhiệm vụ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh trong Quân đội Nhân dân Việt Nam đã khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, “Thống nhất độc lập nhất định thành công”, đã chung sức, chung lòng, làm nên những chiến công vang dội qua những chiến dịch đã đi vào lịch sử với những trang sử chói lọi, hào hùng. Tên tuổi, sự nghiệp và chiến công của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp in đậm sâu trong lòng nhân dân Việt Nam, chiến khu ATK Định Hóa, ATK Tân Trào và Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.

Trong tình cảm của đồng bào các dân tộc Định Hóa, ngoài hình ảnh một vị tướng lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một cán bộ cách mạng gần gũi, như anh em ruột thịt với đồng bào nơi đây. Hiện nay, trong quần thể di tích ATK Định Hóa lưu giữ nhiều hình ảnh, tư liệu quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những cụ già tóc bạc phơ, đã vào cái tuổi “xưa nay hiếm” trong những gia đình xưa kia từng bảo bọc, chở che cán bộ cách mạng không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ về những ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những ngày tháng ở ATK.

Nhà bia lịch sử trên đồi Pụ Đồn, nơi diễn ra sự kiện phong hàm Đại tướng Võ Nguyên Giáp  và các tướng lĩnh trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Nhà bia lịch sử trên đồi Pụ Đồn, nơi diễn ra sự kiện phong hàm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Địa điểm đồi Pụ Đồn đã được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử Quốc gia theo Quyết định số 1949 /QĐ-BVHTTDL, ngày 26-5-2009. Đây là “địa chỉ đỏ” giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ. Nhà bia di tích với những dòng chữ ngắn gọn ghi lại sự kiện Bác Hồ phong tướng vào ngày 28-5-1948 được xây dựng tựa lưng vào đồi, phía trên là rừng cọ với những tán cọ xòe ô xanh mát và thơ mộng.

Đến thăm đồi Pụ Đồn trong ATK Định Hóa, trong lòng chúng tôi dâng lên niềm tự hào về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, tự hào về chiến khu Việt Bắc, trong lòng như vang lên những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Ở đâu u ám quân thù/Trông về Việt Bắc Cụ Hồ sáng soi/Ở đâu đau đớn giống nòi/Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.