Tự hào truyền thống K62
Nằm cách trung tâm huyện Krông Ana khoảng 10 km, ít ai biết rằng buôn K62, xã Băng A Drênh ngày nay là vùng đất cư ngụ của bao thế hệ người dân theo cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước trước đây tại vùng Căn cứ cách mạng Nâm Nung.
Phát huy truyền thống cách mạng trong thời chiến, ở thời bình bà con buôn K62 tiếp tục cống hiến để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Già Y Nuôt Niê (tên thường gọi là Ama Lim) kể, năm 1962, theo tiếng gọi của cách mạng, hàng trăm người dân ở xã Dur Kmăl rời buôn di chuyển đến vùng Căn cứ cách mạng Nâm Nung, tỉnh Quảng Đức (cũ), nay là tỉnh Đắk Nông. Lúc ấy, người dân buôn Dur B (xã Dur Kmăl) tập trung tại khu vực xã Đăk Drồ (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) và để phù hợp với mật danh vùng, bà con quyết định lấy K62 đặt tên cho buôn.
Gia đình ông Y Nuôt Niê ôn lại kỷ niệm về thời kỳ di chuyển về nơi ở hiện nay. |
Từ đó đến nay, tên buôn K62 được giữ nguyên như một kỷ niệm không phai về một thời anh dũng, hào hùng của cộng đồng người Êđê cùng Đảng, chính quyền đứng lên chống Mỹ cứu nước. Tại đây bà con cần cù lao động sản xuất bảo đảm cuộc sống hằng ngày, dành lúa, ngô, khoai cho cán bộ, bộ đội phục vụ kháng chiến. Cùng với đó, lực lượng thanh niên trai gái có sức khỏe tốt đi dân công vận chuyển lương thực tiếp tế cho cách mạng và cùng bộ đội tham gia phá ấp chiến lược của địch. Chiến tranh qua đi, đất nước thống nhất, bà con buôn K62 vẫn ở lại sinh sống, sản xuất ở vùng căn cứ cách mạng năm xưa.
Sau giải phóng, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đến buôn K62 thăm hỏi nguyện vọng của bà con, nếu muốn về quê cũ thì sắp xếp phương tiện, nhưng thời điểm đó, vì có nhiều năm gắn bó ở vùng đất mới nên số đông bà con trong buôn đều quyết định ở lại. Mãi đến những năm đầu thập niên 90, một số người lớn tuổi buôn K62 bàn bạc với bà con trở về xã Dur Kmăl để sinh sống. Lúc ấy, tại nơi ở cũ (buôn Dur B) người dân kinh tế mới đã đến sinh sống và lập nghiệp từ sau giải phóng nên bà con tìm nơi ở mới có điều kiện tự nhiên tương tự nơi cũ. Vị trí buôn K62 hiện tại (trước năm 2003 thuộc xã Dur Kmăl, nay là xã Băng A Drênh) được người dân chọn vì đất đai màu mỡ, gần hồ nước nên thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Thời bấy giờ, vùng đất này chỉ là khu rừng rậm rạp, chằng chịt cây cối, không có nhà cửa, vườn tược. Do đó, những năm 1993 - 1994, thanh niên trai tráng của buôn xung phong về trước để khai hoang, dọn đường, rồi lần lượt các gia đình di chuyển từ vùng Căn cứ cách mạng Nâm Nung về buôn K62 hiện tại. Từ đó, khu dân cư K62 dần được hình thành, những ngôi nhà mọc lên thay thế rừng cây, bà con hăng hái lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Hành trình di chuyển từ vùng Căn cứ cách mạng Nâm Nung của người dân buôn K62 kéo dài từ 1993 đến năm 2000.
Từ chỗ sản xuất lúa hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên cung không đủ cầu, đời sống vật chất của người dân thiếu thốn, đến nay vùng đất K62 không chỉ có cây lúa mà còn bạt ngàn những rẫy cà phê, tiêu, cây ăn quả. |
Cũng theo già Y Nuôt, sở dĩ nhiều bậc cao niên của buôn chọn khu vực hiện tại làm nơi để mọi người quay về vì ở đây có điều kiện tự nhiên tương đồng với nơi ở ban đầu là buôn Dur B. Ở đây có hồ Tây Phong rộng hơn 40 ha, nguồn nước dồi dào không bao giờ cạn, phù hợp để bà con trồng lúa nước. Lúc bấy giờ sản xuất lúa hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên cung không đủ cầu, đời sống vật chất của người dân thiếu thốn. Với tinh thần "không có việc gì khó", những người trong Ban tự quản buôn bàn bạc, khuyến khích bà con tiếp tục khai hoang, mở rộng diện tích, trồng đa cây, nuôi đa con. Từ đó, vùng đất K62 không chỉ có cây lúa mà còn bạt ngàn những rẫy cà phê, tiêu, cây ăn quả.
Ông Y Nuôt Niê kể lại thời kỳ thanh niên buôn K62 về khai hoang đất đai để bà con quay về quê cũ. |
Trong thời bình, người dân buôn K62 vẫn giữ truyền thống yêu nước, luôn thực hiện đầy đủ các quy định của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, trong chặng đường gần 10 năm xây dựng nông thôn mới của xã Băng A Drênh, người dân buôn K62 luôn sẵn sàng tham gia ngày công, tự nguyện hiến đất, chặt bỏ cây cối để xây dựng công trình công cộng tại địa phương.
Anh Nguyễn Văn Tịnh, Phó bí thư Chi bộ buôn K62 cho hay, toàn buôn hiện có 126 hộ, 485 nhân khẩu, trong đó 70% là đồng bào Êđê. Phần lớn người dân trong buôn là con, cháu của các bậc tiền bối từng theo Đảng đấu tranh chống Mỹ ở vùng Căn cứ cách mạng Nâm Nung.
Ngày nay, với bản tính cần cù, chịu khó, nhiều thế hệ gia đình, con em của buôn K62 luôn tìm tòi học hỏi kiến thức để áp dụng vào sản xuất. Nhờ đó, số hộ khá giả trong buôn hằng năm đều tăng lên đáng kể, đáng chú ý là số hộ nghèo của buôn hiện chỉ còn 6 hộ. Không những phát triển kinh tế gia đình, trong xây dựng quê hương, người dân buôn K62 luôn nêu cao tinh thần vì cộng đồng, sẵn sàng đóng góp sức lực và tài sản khi địa phương triển khai xây dựng các công trình trên địa bàn. Bộ mặt nông thôn buôn K62 nay thay da đổi thịt, hầu hết các trục đường nội buôn đều được bê tông hóa, nhà cửa khang trang mọc lên san sát, một số gia đình có điều kiện mua ô tô trị giá cả tỷ đồng…
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc