Đồng chí Nguyễn Duy Trinh - nhà cách mạng, nhà ngoại giao xuất sắc (Bài 1)
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh là vị lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung và ngành ngoại giao nói riêng.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và công lao của đồng chí nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Bài 1. Tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Duy Trinh
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh sinh ngày 15-7-1910, trong một gia đình nông dân ở xã Nghi Thọ (nay là xã Phúc Thọ), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có truyền thống yêu nước, đồng chí Nguyễn Duy Trinh sớm giác ngộ cách mạng. Năm 17 tuổi, đồng chí đã tham gia phong trào đấu tranh chống ách thống trị của đế quốc và phong kiến; năm 1928, tham gia Đảng Tân Việt, hoạt động tại Sài Gòn, bị thực dân Pháp bắt, kết án 18 tháng tù.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh (1910 - 1985). |
Năm 1930, đồng chí tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1931, là Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc, đến cuối năm bị bắt và bị kết án 13 năm tù khổ sai, đày đi Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Côn Đảo. Tháng 5-1945 ra tù, đồng chí tham gia vận động khởi nghĩa ở Vinh và ở Huế. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được cử làm Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Trung Bộ, Bí thư Khu ủy Khu V, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ.
Tháng 2-1951, tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được phân công làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; tháng 8-1955, được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Năm 1956, đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và được phân công giữ chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng; năm 1958 được phân công làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh cùng các đồng chí Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Cơ Thạch sau khi ký kết Hiệp định Paris năm 1973. Ảnh tư liệu |
Năm 1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Ủy viên Hội đồng quốc phòng, năm 1962 kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước. Tháng 4-1965, đồng chí được phân công giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tháng 12-1976, tại Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho đến năm 1980.
Năm 1982, tại Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được phân công làm Thường trực Ban Nghiên cứu chiến lược kinh tế - xã hội của Trung ương Đảng và Chính phủ.
Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh mất ngày 20-4-1985 tại Hà Nội.
Bảy mươi lăm tuổi đời, gần sáu mươi năm hoạt động cách mạng liên tục ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước, ở bất cứ cương vị nào, đồng chí Nguyễn Duy Trinh cũng chứng tỏ được vai trò, phẩm chất và bản lĩnh của một nhà lãnh đạo có tầm nhìn và tư duy sâu rộng, luôn sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Đồng chí là một nhà cách mạng, một nhà ngoại giao xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta. Suốt cuộc đời cống hiến cho cách mạng, đồng chí đã để lại những kinh nghiệm quý trên mặt trận đối ngoại và ngoại giao.
Ghi nhận công lao, đóng góp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã trao tặng đồng chí Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
(Còn nữa)
Theo Ban Tuyên giáo Trung ương
Ý kiến bạn đọc