Đưa anh về đất mẹ
Trong ký ức tôi luôn nhớ đến anh Nguyễn Xuân Bảo - một người đồng đội, người đảng viên và một cán bộ kính mến đã đi suốt cuộc trường chinh đánh giặc ngoại xâm của nhân dân ta, có mặt từ chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng, sang chiến trường Lào làm nhiệm vụ quốc tế rồi vào Nam đánh Mỹ. Ở chiến trường Đắk Lắk từ năm 1964, Nguyễn Xuân Bảo đã gắn bó, gần gũi sâu nặng nghĩa tình với vùng đất đỏ Tây Nguyên thân yêu này.
Hình ảnh của anh còn hiển hiện trong tâm trí tôi với dáng vóc nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, tác phong hoạt bát, đã nói là làm, rất tận tâm và trách nhiệm. Qua chiến đấu cực kỳ gian khổ, bom đạn ác liệt, anh vẫn vững vàng trước mọi thử thách hy sinh. Trưởng thành từ lính trinh sát đặc công, anh là cán bộ chỉ huy có bản lĩnh gan dạ, xông xáo và mưu trí, sống hòa đồng với chiến sĩ.
Bao kỷ niệm về đơn vị, về anh Nguyễn Xuân Bảo những năm cuối thập niên 60, đầu 70 của thế kỷ 20, tôi không thể nào quên. Đơn vị 401 bám trụ vùng ven Buôn Ma Thuột, đóng quân ở những cánh rừng Chu Kne, Ea Tul, buôn Ea M’droh, buôn Phơn… Một năm hai mùa, sáu tháng nắng lửa, nửa năm mưa dồn, thời tiết Tây Nguyên khắc nghiệt, đơn vị làm nhiệm vụ đánh địch sâu trong thị xã lại vừa đối phó quân địch đánh, càn quét địa bàn, ngày đêm hứng pháo, máy bay dội bom bắn phá liên miên. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn phải làm rẫy tăng gia tự túc lương thực, vận chuyển đạn dược, nhu yếu cần thiết cung cấp cho chiến đấu, phục vụ cuộc sống.
Dù khó khăn, thiếu thốn, hy sinh, cán bộ, chiến sĩ vẫn một lòng một dạ thủy chung với Đảng, với cách mạng và nhân dân, không nản chí sờn lòng, không kêu ca, thoái thác nhiệm vụ. Có trận địch sục vào nơi đóng quân của đơn vị, trận chiến với kẻ thù kéo dài ròng rã suốt ngày, bom đạn ác liệt, trời đổ mưa sập sùi, bụng đói meo; gặp tình huống căng thẳng phải giấu thương binh vào rẫy để còn quần nhau với giặc… nhưng người lính chúng tôi ngày ấy đâu có sá gì. Tôi vẫn nhớ mãi câu anh Bảo nói: “Cái khó ló cái khôn…”, khi anh tranh thủ hội ý trao đổi với cán bộ cùng bàn bạc, đóng góp, tìm biện pháp giải quyết trong những tình huống phức tạp cam go.
Nguyễn Xuân Bảo từng chỉ huy trung đội, đại đội, Tiểu đoàn 401 đặc công Đắk Lắk đánh sâu vào sào huyệt Mỹ - ngụy ở Buôn Ma Thuột, các trận tập kích khu cơ giới pháo binh, trung đoàn bộ 45, kho Mai Hắc Đế, sân bay L19, cao điểm Cư M’gar (Quảng Nhiêu)… Những chiến tích của đơn vị vang dội một thời.
Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ. Ảnh: Vân Anh |
Năm 1973, anh về làm Tham mưu phó Tỉnh đội Đắk Lắk. Mùa xuân năm 1975, trong những ngày cuộc tổng tấn công đang diễn ra sôi sục, trên đường ra Quân khu 5 nhận lệnh, ngày 13-4-1975 chiếc xe chở anh Bảo bị cháy tại Bình Định. Anh hy sinh trước 17 ngày khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, không được hưởng niềm vui đại thắng tưng bừng cùng nhân dân cả nước. Thi hài anh nằm trong lòng đất An Thanh, Nhơn Phú, Quy Nhơn giữa khúc ruột miền Trung kiên cường anh dũng; để lại người vợ bao năm vò võ nuôi con, mòn mỏi nhớ thương chồng.
Ngày anh Bảo đi chiến trường, Nguyễn Hùng Sơn - con trai duy nhất của anh còn bé bỏng, dại khờ. Năm 1976, Sơn rong ruổi tàu xe từ Bắc vào Nam đi tìm phần mộ cha. Sau 20 năm, Sơn đã viết hai bức thư gửi tới Ban chính sách Tỉnh đội Đắk Lắk nhưng bặt vô âm tín. Đầu tháng 12-1996, Sơn bọc giấy tờ làm cuộc hành trình vào Đắk Lắk quyết thực hiện ý nguyện của mẹ đưa hài cốt cha, chồng về quê hương khói.
Ngày 15-12-1996 xe của Tỉnh đội Đắk Lắk đã đưa anh Phụng, anh Miện là cựu chiến binh, cùng Sơn xuống Bình Định. Những nhân chứng như bà Lê Thị Ba (tức Muộn), Nguyễn Thị Mai, cô Hiền cùng với nhân dân, chính quyền địa phương và các anh Thức, Lục, Khá… những cựu chiến binh từng chiến đấu ở Đắk Lắk thời đánh Mỹ nay nghỉ hưu ở quê đều nhiệt tình chung lo bốc hốt hài cốt anh Nguyễn Xuân Bảo chu đáo, trọn vẹn nghĩa tình đồng đội thủy chung trước sau như một.
Ngày 17-12-1996 hài cốt anh Bảo được đưa về T284 (nhà khách Tỉnh đội Đắk Lắk). Chúng tôi - những đồng đội cùng thời trận mạc tới phúng viếng tưởng niệm anh. Trong căn phòng tĩnh lặng, nghi ngút khói bay, hương đưa ngào ngạt, đứng trước bàn thờ, tôi dâng nén nhang lập lòe đốm lửa, kính cẩn vái tạ anh mà lòng bùi ngùi thổn thức.
Tôi dõi nhìn theo chiếc xe đưa hài cốt anh băng băng hun hút về phương trời tít tắp. Mưa rơi rơi rây bụi trắng loa lóa, gió riu riu se lạnh, dường như mạch cảm giao hòa của đất trời, âm dương với lòng người rười rượi, đánh thức ký ức một thời sôi sục lửa đạn chiến tranh.
Hồi ký của Đoàn Viết Doãn
Ý kiến bạn đọc